Nhận định giá cà phê thế giới từ 14-19/05/2018

Diễn biến giá cà phê tuần từ 07-13/05/2018: Giá quay đầu giảm mạnh  

Hình 1

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê chuyển biến phức tạp và bất lợi sau một đợt tăng mạnh ngay khi sàn kỳ hạn cà phê robusta London chuyển sang giao dịch trên cơ sở tháng 07/2018.

Thật vậy, chỉ trong vòng một tuần, có lúc giá kỳ hạn robusta mất trên 100 Usd giữa đỉnh 1834 và đáy 1728 Usd/tấn) và arabica giảm 6.40 cts/lb tương đương 140 Usd/tấn (124.75-118.35).

Đợt giảm mạnh này được giải thích rằng sau 3 tuần tính đến hết ngày 07/05, các quỹ đầu tư tài chính trên hai sàn đã thực hiện xong một đợt mua bù cho các hợp đồng dư bán lớn trước đây. Như vậy, đến 07/05, lượng dư bán của New York từ giảm 30.000 chỉ còn 40.000 hợp đồng, London giảm gần 10.000 hợp đồng, đến 07/05 chỉ còn trên 8.000 hợp đồng. Tuần vừa qua là thời gian họ quay lại vị thế bán. Bán nhiều làm giá giảm.

Thêm vào đó, thị trường cũng chứng kiến chỉ số đồng USD tăng mạnh hơn trong khi đồng Reais Brazil (BRL) lại mất giá so với đồng USD. Cụ thể đồng BRL từ 1 Usd ăn 3,45 BRL ngày 30/04 thì đến 11/05 xuống 3,60 BRL, cùng thời kỳ chỉ số Usd từ 91,6 thì cuối tuần qua đóng cửa tại 92,4 điểm. Chỉ số USD tăng thường làm giá hàng hóa giảm vì chi phí tài chính cao hơn. Đồng BRL mất giá kích thích nông dân cà phê Brazil bán mạnh vì thu nhập bán ra tính trên đồng nội tệ cao hơn.

Sau một tuần, kết quả giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta giảm 55 còn 1758 Usd/tấn và arabica mất 3.20 cts/lb (-71 Usd/tấn) chốt tại 119.40 cts/lb (xin xem hình 1).

Giá cà phê nội địa giảm 0,5 triệu đồng mỗi tấn, từ 37,5 xuống 37 triệu cho hàng loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao hàng vào kho các cảng quanh TP.HCM và 36,5 triệu nhiều nơi tại Tây nguyên.

Dự báo tuần từ 14-19/05/18: Chỉ qua vài phiên, London để lộ nhiều tiêu cực

Hình 2

Dao động mạnh và phức tạp trên sàn kỳ hạn robusta London trong tuần qua cần được theo dõi kỹ để tránh rủi ro có thể gặp phải trong thời gian sắp tới.

Sau một thời gian dài chờ đợi, London bùng phát tăng với đỉnh 1845 và dư âm còn đến thứ Sáu 04/05/17 với 1834 Usd/tấn. Từ đó về sau, giá London bỏ đỉnh nhanh để đi tìm đáy và hình như chưa gặp đáy dù ở khu vực 1728 Usd/tấn.

Đợt tăng mạnh vào tuần đầu tháng 05/18 đã tạo cơ hội lớn cho các nhà nhập khẩu nhờ thừa thời cơ kéo giá mua cà phê xuất khẩu giãn ra, nghe đâu có trường hợp đã bán trừ 120-130 Usd/tấn dưới giá tháng 07/18. Lợi cho nhà nhập khẩu thì hại cho người xuất khẩu. Ai đã bán với mức giá rẻ, thì nay khó mua hàng vì giá trên sàn kỳ hạn đã giảm quá mạnh. Mặt khác, đợt dao động mạnh tuần vừa qua còn có ý rằng các nhà kinh doanh trên sàn muốn đánh giá tháng 07/18 cao hơn 09/18, tức “vắt giá”.

Về kỹ thuật, tuy giá đóng cửa ngày cuối tuần trước 11/05 tăng nhưng vẫn chưa thấy tích cực vì nằm dưới các đường bình quân động (BQĐ). Nếu có lúc nào đó tăng mạnh trên 1771, tức “bắn một mũi tên trúng một lúc 4 con chim” vì sẽ vượt khỏi 4 đường BQĐ (xem hình 2)

Nhưng hãy rất cẩn thận ở giai đoạn hiện nay. Dù giá tăng 15 Usd, phải xem đó là đợt chỉnh giá sau đợt mất trên 100 Usd tính từ đỉnh xuống đáy (xem hình 2) chứ không phải là lực mua từ các nhà rang xay hay các quỹ đầu tư tài chính.

Với cách nhìn này, giá London chưa thoát khỏi tiêu cực và khả năng về hoạt động lại tại vùng 1700-1720 nếu như mất khu vực 1740-1720.

Sức bán kỹ thuật từ cả hai sàn kỳ hạn cà phê vẫn còn, các yếu tố tiền tệ chưa ủng hộ, thì khó thấy một sàn London mạnh để lên mức cũ 1835-1845.

Thị trường cà phê trong nước: Giá khó tăng đột biến

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 692 ngàn tấn, chỉ thua cùng kỳ năm 2016 (xem hình trên cùng). Đây là một thất lợi cho giá robusta nói chung và giá cà phê nội địa nói riêng.

Xuất khẩu mạnh hơn, trong khi Brazil và Indonesia, hai nước xuất khẩu robusta lớn thứ hai và ba thế giới đang ra mùa mới, cộng với giá arabica rẻ, thì có thể đoán giá robusta thời gian tới như thế nào.

Trước mắt nếu có tin sương giá tại Brazil vẫn không chuyển được tình hình thị trường vì cây cà phê Brazil trong chương trình tái canh, nông dân đã chuyển xuống vùng thấp, ấm hơn. Thị trường đang cần một lượng vốn thật lớn từ các quỹ đầu tư tài chính để mua gom, chuyển từ dư bán sang dư mua.

Nói vậy để thấy rằng giá cà phê nội địa đang chịu áp lực theo hướng xuống. Giá tuần qua có lúc chạm 36,5 triệu đồng mỗi tấn, cuối tuần có khá hơn. Trước đây có người nhận định khó xuống dưới 36 triệu đồng mỗi tấn, nay với tình hình mới, lâu dài mức ấy khó giữ. Nhưng trong tuần này tính đến 19/05, giá cà phê nội địa cũng có thể dao động trong khu vực 37,5-36 triệu đồng mỗi tấn, nghiêng về phía thấp nếu xét theo hoàn cảnh thị trường hiện nay.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF 14/05/18

http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=20737

 

Hits: 108