Nhà văn: Ôi cái nghề chó cắn!

nguyễn quang bình

Nhà văn: Ôi cái nghề chó cắn!
Laurent Sagalovitschhttp://www.slate.fr/story/163766/ecrivain-un-metier-de-chien

Nguyễn Quang Bình dịch

 

Tiền lương và thù lao? Ai muốn trả sao thì trả. Bảo vệ bảo hiểm xã hội à? Ai đoái hoài cho đâu! Nghỉ hưu ư? Làm chi được. Lưới liếc ô dù, lấy đâu mà víu… Cuộc sống nhà văn không phải như chuyện thần tiên đâu…

Thường mỗi lần các ông bà nhà văn có chuyện gì nổi giận xung thiên là cả và thiên hạ biết: họ nào gởi thỉnh nguyện thư, nào lên diễn đàn, nào biểu tình xuống đường, không biết bao nhiêu cách để họ tỏ dấu bực tức và giận dữ của cái nghề mà trong thiên hạ ai cũng đều nói mình quan tâm một cách kính cẩn nhưng cuối cùng tất cả đều rơi vào cảnh ‘im lặng đáng sợ’. Thế này nhé, nhà văn thời nay dẫu muốn sống bằng nghệ thuật của mình dễ có được đâu, đều chết đói cả. Lương lậu thù lao ư? Ai trả sao thì trả. Bảo vệ bảo hiểm xã hội à? Xin nói ai đoái hoài cho đâu! Nghỉ hưu ư? Làm chi được. Lưới liếc ô dù, lấy đâu ra mà víu, nghèo tới mạt, đến ngày phải trả hóa đơn điện nước, tiền thuê nhà… có ông phải chạy chỗ này vạy chỗ nọ lấp vá nợ nần bở cả hơi tai.

Cuộc đời nhà văn chẳng bao giờ được yên; mai rày lại càng không ổn. Thiên hạ ai mà tin nghề văn này nữa, nhiều ông phải chạy lòng vòng như đám mèo đói kiếm mấy hột cơm rơi trong phòng của các bà ở đợ ốm tong teo hôi hám, chết dần mòn dưới ánh mắt thương hại của ông bà chủ, mến chăng thì chỉ đặng cái lòng thương tâm nửa vời. Lê lết cuộc sống thiếu thốn và bị chối bỏ, tâm hồn nhà văn như héo hon và mệt mỏi. Nhiều đêm vật vờ nhiều sáng mở mắt ra là buồn lo khi hóa đơn chưa có tiền thanh toán chình ình trước mặt, lúc bị hù dọa xiết đồ, khi thì nghe chủ cho thuê nhà chửi rủa, rồi thư nhắc nợ của các nhà băng, thông báo nhắn lui nhắn tới bắt đúng hẹn trả; cứ thế nhà văn chết dần chết mòn cho đến vào một sáng đẹp trời ổng biến khỏi cõi trần mà chẳng ai lưu tâm đến sự vắng bóng của y.

Bản thân tôi chẳng đáng là người phải kêu than nhất trong đám văn sĩ: cái ăn cái mặc có bà vợ tôi chịu, hầu bao của bả bị tôi rút dần đến mức cả nhà sa sút và bắt bà chịu khổ đến hèn, còn bả thì chẳng dám hé môi với bạn bè về phần đóng góp của tôi vào ngân sách gia đình, nói thật chứ chẳng bao giờ vượt được số tiền mà hai đứa nhất trí hàng tháng phần tôi phải nộp đúng ‘nguyên tắc’, nhưng mấy khi có đủ mà góp, hứa cho nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu. Số là tiền bản quyền của tôi quá hẻo đến nỗi mỗi khi nhận, nói không ngoa tôi phải lấy cái kính ‘lúp’ soi cho chính xác số tiền là mấy, thường là chỉ đủ mua cái nệm lát cho con mèo nhà tôi nằm. Và còn bao nhiêu chuyện nữa. Hay ra ngoài, đi đâu thấy viên sỏi rơi vải trên đường, tôi tha nó về nhà để vào trong lọ cát, mấy đứa con tôi nhìn dáo dác không biết thực sự ông văn sĩ là Bố của chúng làm cái trò gì mà suốt ngày tự nhốt mình trong nhà, không nhẽ đem sỏi về để chơi lò cò để quên cuộc đời vô vọng.

Lỗi tại ải tại ai?

Nên nhớ rằng tôi không cần xin bố thí đâu nhé: tôi chỉ yêu cầu tiền nhuận bút thi thoảng nhận lãnh, thì ít nữa cũng đủ xài được vài ba tháng trong năm mà khỏi lo nghĩ về ngày mai, dẫu có như trong tình trạng của một tay triệu phú nào đó sống trên giàu sang nhưng cứ nơm nớp âu lo vì của cải của hắn đều bị đem thế chấp hết cho ngân hàng thì cũng được. Thời gian còn lại, để tôi còn cặm cụi viết lách, ra sách để bán, dù tiền bán sách không thỏa mãn hết cái yêu cầu mà bà vợ tôi cứ lải nhải đòi phần đóng góp của tôi sao phải cho tương xứng phần bả để nhỡ đi kéo ghế còn trả được món cháo rau, tốt nữa mua một tòa lâu đài bên Tây Ban Nha hay còn thay cái tivi cũ mua dịp thanh lý giảm giá tận cuối thế kỷ trước đang nằm kềnh ra đó, màn hình thì chưa hư nhưng mỗi khi bấm chỉnh bộ điều khiển từ xa, nó chẳng thèm theo lệnh.

Nhưng có do lỗi tôi đâu khi cứ mỗi cuốn tiểu thuyết của tôi bán ra, tác giả chỉ hưởng được mười phần trăm nhuận bút, chỉ mười phần trăm chua xót? Lỗi của tôi sao khi chốn dương thế trầm luân này, thiên hạ cứ yêu cầu nhà văn viết tiểu thuyết để nuôi một đám nháo nhào người này kia mà chỉ trừ ra nhà văn là ổng? Không lý lỗi của nhà văn sao khi thiên hạ lạm dụng thế yếu của ổng để làm giàu trên lưng trên cổ y như tôi đây và làm tôi tồn tại không nổi? Lại không lẽ do lỗi của tôi khi không ai mua sách nhưng sách cứ được in, in, in… đến nỗi mỗi lần vào tiệm sách, lại đi lộn ra lòng thất vọng cùng cực, không thể hiểu được thế nào mà bấy nhiêu đầu sách tiểu thuyết cứ đòi được in, đếm không xuể, trong khi ngân sách dùng để mua sách, xin nói là những cuốn nghiêm túc, vẫn giậm chân tại chỗ, đáng lý phải giảm chứ? Phải chăng lỗi do tôi khi thiên hạ đua nhau mua sách nhồi cho thư viện của mình nhưng chỉ mua những tác phẩm được giải văn chương do phân biệt đối xử với mấy ông không một miếng giấy khen thưởng hay do ý tưởng chống Do Thái lầm lạc, xin nói tôi chưa bao giờ nhận được giải văn chương nào? Lỗi tại tôi hay sao khi François Busnel (1) chẳng bao giờ mời tôi đến Hội chợ Sách? Tội của tôi hay sao khi mình chưa một lần nhậu xỉn với Beigdeber (2)? Phải lỗi của tôi đâu khi không một lần tới quán cà phê của nhóm Café de Flore (3) để dụ mấy nhà phê bình văn học nhằm kể chuyện đời của mình cho họ biết? Lỗi do tôi vì sống xa Paris hay sao, mà trên ấy quyết định tất? Tội của tôi sao khi xin chủ bút ứng tiền chịu phí cao hắn coi tôi là thằng không ra gì? Lỗi của tôi sao khi…

Rỗng túi, nghèo rớt mồng tơi, còn bị cho là tên ăn bám, rồi một hôm vợ bỏ hắn để xách gói theo một tay chuyên viên kế toán lắm tiền lắm cơ hội, nhà văn ngày nay chẳng còn chi để mân mê cái uy tín nghề nghiệp của mình. Nên tôi còn nhớ cô y tá trong dịp hè nào đó khi vào viện điều dưỡng, cổ hỏi tôi ‘ông theo ngành nghề nào’. Tôi khẽ khàng thốt lên ‘nhà văn’, tưởng nói thế chắc cổ động lòng, tưởng nghe xong là cô phấn chấn, tưởng hứa hẹn sẽ được ưu ái bằng những phần ăn thơm phức và cứ tưởng nói vậy là đêm đêm cô tất tả ghé thăm tìm bạn thân tình. Tưởng vậy mà không phải vậy! Khi kia tôi trả lời với cô rằng mình là anh gác cổng hay ca sĩ chuyên nghiệp để cô khỏi hờ hững ‘toàn tập’ với mình, cô ta hoàn toàn thờ ơ đến nỗi tôi thấy danh dự của mình rơi rụng và vô phương vớt vát.

Nên chi từ đấy ai hỏi tôi làm việc gì, tôi trả lời thất nghiệp.

Nói thế không đúng sao.

==

Chú thích của người dịch:

(1) François Busnel (Pháp), nhà báo, nhà phê bình văn học, nhà sản xuất và dẫn chương trình truyền thanh truyền hình đương đại.

(2) Frédéric Beigbeder nhà văn Pháp đương đại, người sáng lập ra giải thưởng Café de Flore, trao vào tháng 9 hàng năm tại Saint-Germain-des-Prés. Ông là tác giả của tác phẩm “Kẻ ích kỷ lãng mạn”.

(3) Café de Flore, một trong các giải thưởng văn chương Pháp (xem giải thích thêm ở trên).

Hits: 424