Không thiếu cà phê sạch

Nhiều người đang lo lắng về chất lượng cà phê họ sử dụng mỗi ngày, đặc biệt là sau khi biết được thông tin về một cơ sở thu mua nông sản có hành vi nhuộm pin vào vỏ cà phê trộn với sỏi ở Đắk Nông gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trên thị trường vẫn có nhiều công ty, quán bán cà phê sạch.

Những sự lựa chọn

Nhiều người đã chọn mua cà phê hòa tan về uống và đây cũng là một giải pháp khi vẫn còn cà phê chưa đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, người trong nghề cho biết không phải nhà cung cấp cà phê hòa tan nào cũng sử dụng cà phê chất lượng tốt. Thường nguyên liệu đầu vào của nhiều nhà máy cà phê hòa tan là phế phẩm đen nâu sâu vỡ, vỏ, tạp chất “hầm bà lằng”… được làm sạch lại và đưa vào lò. Và hương thơm ngào ngạt của cà phê hòa tan mỗi khi pha với nước sôi không phải từ cà phê thật mà chủ yếu từ tinh chất cà phê!

Đương nhiên cà phê hòa tan làm từ nguyên liệu tốt vẫn có trên thị trường nhưng giá của sản phẩm chất lượng này khá cao. Mỗi lọ của loại này, uống được chừng mươi lần có giá khoảng 100.000 đồng/lọ.

Cà phê 2 trong 1 gồm đường và cà phê hòa tan và 3 trong 1 gồm đường, sữa và cà phê hòa tan mà ta thường thấy đôi khi chúng ta phải trả tiền cho bao bì mẫu mã hơn là chất lượng bên trong. Nhưng dù sao loại này qua máy móc thiết bị làm sạch, cũng đáng tin hơn uống một ly cà phê không rõ nguồn gốc.

Riêng các ly cà phê pha phin và các cách pha đại loại như cà phê “vợt”, cà phê “kho”… thì tùy từng người sử dụng. Nhưng người uống cũng chỉ nên tin chỗ truyền thống, tức những quán lâu đời và thường chủ tiệm không dám thay đổi mùi vị của loại cà phê họ phục vụ cho khách quen cũng như người mới đến lần đầu.

Đã “nghiện” cà phê, người uống chắc ăn nhất là hỏi chủ quán nguồn gốc cà phê, cho thấy bao bì, nhãn mác sản phẩm… vì thị trường không thiếu những người bỏ sỉ cà phê nhưng bản thân người mua để bán lẻ cũng chẳng cần quan tâm đến nguyên liệu, chất tẩm, nguồn gốc mà chỉ cần thấy giá rẻ là được.

Tìm cà phê sạch ở đâu?

Hiện nay, tại nhiều địa phương không thiếu các quán bán cà phê sạch với nhiều nhóm, nhiều cách làm khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư máy móc, thiết bị chế biến cà phê từ nguyên liệu được chọn lựa kỹ càng. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều cơ sở cung ứng hàng rang xay theo yêu cầu của khách hàng, kể cả quán bán cà phê và gia đình để sử dụng hàng ngày. Nhiều người có điều kiện hơn đã mở quán để bán cà phê nguyên chất.

Thật ra, người tiêu dùng có thể an tâm khi mua cà phê sạch, có uy tín tại nhiều nơi ở Tây Nguyên. Cụ thể, Kon Tum có cà phê Thanh Hương, Pleiku có L’Amant, Buôn Ma Thuột có Populus, Azzan, Đà Lạt có thể chọn The Married Beans, và TPHCM có Shin, Cafe Workshop, Coffee House, Xuân Thu và rất nhiều cái tên cũ cũng như mới.

Hầu hết những cơ sở này đều có liên kết với nhà vườn, theo dõi và chăm sóc cây cà phê từ khi chuẩn bị ra hoa đến khi thu hoạch. Nếu như một ki-lô-gam cà phê robusta theo giá “chợ” hiện nay chừng 36.000 đồng thì các cơ sở này có giá thu vào gấp đôi hay cao hơn… với tiêu chuẩn chất lượng được kiểm tra một cách nghiêm ngặt.

Ngoài yêu cầu về cà phê sạch, tức nguồn nguyên liệu đầu vào chuẩn, cách rang xay cũng rất quan trọng. Có hàng chục cấp độ rang tính theo độ nóng và thời lượng, tùy người uống muốn khai thác hương vị hay thích vị đắng.

NGUYỄN QUANG BÌNH trên SGTT 27-4-18

Không thiếu cà phê sạch

Hits: 125