Nhận định giá cà phê thế giới từ 24-29/12/2018: Thị trường yếu, mua bán chậm.

thitruongcaphe.net
Nhận định giá cà phê thế giới từ 24-29/12/2018: Thị trường yếu, mua bán chậm.

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 17-22/12/2018: Giá xoay quanh mức tâm lý quan trọng

Hình 1

Xét về kết quả chung cuộc của giá hai sàn kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York ngày 21/12/18 so với trước đó một tuần, giá robusta tăng 21 Usd chốt ở 1491 Usd/tấn, nhưng giá arabica giảm 2.55 cts/lb tương đương với 56 Usd/tấn chốt ở 99.70 cts/lb.

Sàn kỳ hạn London ở trong giai đoạn tất toán các hợp đồng vị thế mua của tháng 01/19, nên lực bán khá mạnh. Tuần qua, London có 4 ngày tăng giá, nhưng đều giảm trở lại phần nhiều trong ngày cuối tuần. Điều đáng nói là giá hai sàn kỳ hạn đồng một lúc mất các chốt quan trọng trong ngày cuối tuần qua, London 1500 Usd/tấn và New York 100 cts/lb, là các mức tâm lý quan trọng đã giành được đầu tuần rồi lại để mất cuối tuần.

Xét về tổng thể, giá cà phê hai sàn hồi phục kỹ thuật trong khuynh hướng giảm chung của thị trường cà phê thế giới và toàn bộ thị trường kỳ hạn hàng hoá. Chỉ số rỗ hàng hoá CRB giảm xuống mức thấp nhất trong năm tại 178.25 điểm. Đấy là sự phản ánh trung thực của một đồng Usd chịu ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lần thứ tư trong năm và lần cuối cùng của 2018 được quyết định ngay tuần qua. Hơn nữa, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung quốc cũng ảnh hưởng đến sức mua của hàng hoá mà hai sàn cà phê không phải là ngoại lệ.

Giá cà phê trong nước dao động trong vùng 32-33 triệu đồng mỗi tấn, cũng là mức thấp nhất của năm qua.

Dự báo tuần từ 24-29/12/2018: Đợt đảo hướng xuống cuối tuần trước tạo lo lắng cho tuần này

Hình 2

Sau một chuỗi 13 ngày liên tiếp giảm gây nên tình trạng bán quá mức (oversold), tuần trước giá kỳ hạn robusta London có 4 ngày liên tục đầu tuần quay lại tăng. Đó được xem như một đợt hiệu chỉnh do các quỹ đầu tư trên sàn cần mua bù để thăng bằng cán cân mua-bán. Tuy nhiên, trong phiên ngày 21/12/18, giá sàn London lại tạo một cú giảm mạnh, để ngay trong phiên rớt từ mức 1538 Usd xuống 1478 Usd và chốt cuối tuần tại 1491 Usd/tấn.

Mất mốc tâm lý 1500 để về gần 1468, là đáy sâu nhất từ 2 năm rưỡi nay. Bản thân hiện tượng đảo chiều mạnh bạo là một yếu tố tiêu cực nhưng có thể giải thích được: ngày 24/12 là ngày thông báo giao hàng đầu tiên của các hợp đồng kỳ hạn tháng 01/19, nên ngày 21/12 là ngày chính để tất toán các hợp đồng còn treo ở vị thế mua (long position).

Bản thân đảo hướng xuống là tiêu cực vì ‘’dư chấn’’ của hiện tượng ấy thường còn xảy ra tiếp vài ngày sau đó.

Nếu như từ 1491, London đánh mất mốc 1478, đó là nguy cơ báo trước mất 1468. Khi xuyên sâu khỏi 1468, lại là dấu hiệu của một thị trường yếu, giá sẽ nhìn xuống khu vực thấp với các vùng hỗ trợ 1400-1440.

Do là tuần London có nhiều ngày nghỉ (24/12 đóng cửa sớm cho đến 27/12 mở cửa hoạt động lại bình thường), có thể lượng người tham gia giao dịch ít nên sức bán nhờ thế mà hạn chế, làm chậm bớt đà giảm.

Mặt khác, báo cáo quyết toán vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư trên sàn London cho hay đến 18/12, các quỹ đầu tư đã nâng lượng dư bán lên thêm 10.807 lô để đạt 21.055 lô. Đấy có thể xem là một yếu tố tích cực vì sàn London đã nặng bên bán.

Hướng tăng nay London phải lội ngược dòng qua các mức 1500/1510/1531. Giá chỉ thực sự mạnh khi qua khỏi và đóng cửa trên 1538.

Do tuần này là thời kỳ London có nhiều ngày nghỉ. Giá có biến động mạnh chăng, có thể ra sau Tết Dương Lịch 2019. Nhưng cũng hãy dè chứng nếu như trong thời gian mấy ngày cuối năm, do một lực bán nào đó bất ngờ làm mất các mốc hỗ trợ 1478 và 1468 ngoài mong muốn của các nước sản xuất.

Thị trường cà phê trong nước: Giá xấu, phản ứng khác nhau của các nước sản xuất

Chưa kịp nằm trên 33,5 triệu đồng mỗi tấn, cú rớt giá trên sàn kỳ hạn robusta làm thị trường trong nước giảm về lại 33 triệu đồng, so với đầu tuần trước chỉ 32 triệu đồng.

Giá mua bán xuất khẩu của loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào bán 50 Usd nhưng khách mua chỉ trả 95 Usd mỗi tấn dưới giá niên yết tháng 03/19 của sàn robusta London. Hai bên không gặp nhau.

Trong tuần, một cuộc họp khẩn cấp tại TP. HCM của 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam (G20) lên tiếng cho rằng đến nay 90% diện tích cà phê Việt Nam đã thu hoạch và dự báo sản lượng không như mong muốn, giảm chừng 20%. Hội nghị cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không nên bán giao hàng xa và nhất là không nên bán rẻ như với mức trừ hiện nay dưới giá niêm yết sàn robusta. Do mất mùa và giá yếu, G20 dự báo giá xuất khẩu cà phê robusta loại 2 Việt Nam có thể bằng giá niêm yết của sàn London.

Trong khi đó, tại Brazil, sau nhiều dự báo sản lượng năm 2018 của nước sản xuất và xuất khẩu số 1 thế giới quanh mức 60 triệu bao (60 kg x bao), hãng phân tích hàng hoá Safras&Mercados (Brazil) tiếp tục nâng ước báo của họ thêm 5,29% so với trước đó, con số sản lượng mới là 63,7 triệu bao.

Điều này đã làm tâm lý thị trường nghiêng về giá thấp.

Áp lực chốt giá bán xuất khẩu giao hàng tháng 01/19 vẫn còn đến ngày 24/12 sau đó là một đợt nghỉ lễ liên tục tại các nước tiêu thụ. Nhịp độ giao hàng thời gian này thường giảm do thanh toán chậm vì ngân hàng bên bán nghỉ lễ.

Giá cà phê nội địa có khả năng ít xảy ra bất ngờ. Hướng từ trung tính đến tiêu cực, cụ thể từ 31,5-33 triệu đồng mỗi tấn, giá xuất khẩu giao về các kho quanh TP. HCM có thể ở khu vực từ 32,5-33,5 triệu đồng mỗi tấn.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 74