Hỗn loạn giao thông đô thị: trị cách nào?

 

 

Một năm 2015 khó khăn vừa đi qua. Nhiều người vẫn chưa hết thắc mắc tự hỏi liệu  có thật khổ thật khó khi lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của cả nước vẫn tăng vù vù, từ 71.000 chiếc với tổng trị giá nhập khẩu 1,6 tỉ đô la Mỹ năm 2014 nhảy lên 125.000 chiếc tiêu hết 3 tỉ đô la năm 2015.

Đó là chưa kể một lượng ô tô ước chừng 220.000 chiếc khác được sản xuất và lắp ráp trong nước của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam cũng đồng thời lăn bánh trên mọi nẻo đường.

Như thế, ô tô như là một phương tiện tham gia vận tải mỗi năm cứ tăng, nhưng hình như cũng chưa thấm thía gì vì chưa lúc nào trong năm tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc ngừng được đăng ký mới xe máy và nay thêm xe đạp điện. Ước tại hai thành phố Hà Nội và HCM, mỗi nơi nhận đơn đăng ký mới mỗi tháng vài vạn xe máy là bình thường.

Hệ thống giao thông đường sá tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM và nhiều thành phố khác oằn mình, nhiều năm tháng nay đã tỏ ra không kham nổi với lượng phương tiện tham gia giao thông, dân tình liên tục than vãn tình trạng kẹt xe, ô nhiễm không những từ khói bụi mà còn âm thanh ồn ào…gây hỗn loạn đời sống, lao động và sinh hoạt của họ tại các thành phố, đặc biệt khu vực nội ô.

Các cấp quản lý giao thông tại nhiều địa phương nhiều khi tưởng không chịu nổi áp lực, hết kêu cứu trung ương đến mời gọi nước ngoài đầu tư nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông đường sá…nhưng hầu như khối lượng phải làm không xuể, chưa hết chỗ này đã ách tắc đàng kia.

Vừa qua, tại các thành phố lớn, nghe rằng có người đang đề nghị hạn chế phương tiện đi lại cá nhân…để mong góp thêm biện pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đô thị càng lúc càng khó gỡ. Tuy nhiên, nhiều nghi ngờ cho rằng đó chỉ là đề nghị mang tính tình thế chứ chưa phải là bài thuốc chữa trị căn cơ. Xem ra đề nghị ấy gặp nhiều phản ứng và bị chê là thiếu thực tế vì ngay tại TPHCM hàng ngày trong 1000 dân cư có đến 800 người phải sử dụng phương tiện đi lại cá nhân. Còn tại Hà Nội, cấm làm sao được khi các phương tiện giao thông công cộng chỉ kham được chừng 10% nhu cầu đi lại toàn thành phố.

Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị rõ ràng đang cần những phương án giải quyết tổng thể chứ không phải của riêng gì ngành giao thông vận tải. Mỗi ngành, mỗi người cần hiến kế xem mình đóng góp được gì cho tình trạng “hỗn loạn” giao thông hiện nay. Ngành công thương giảm bớt hạn nhạch nhập khẩu xe, các cơ quan lao động hành chánh sắp xếp tránh giờ cao điểm, tránh luồng xe vào ra nhiều thời điểm tập trung ở các sân bay, nhà ga…, các nơi tạo điều kiện thuận lợi ưu tiên cho các phương tiện đi lại thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện…

Giải quyết tình trạng “hỗn loạn” giao thông tại các đô thị như hiện nay không thể dùng biện pháp tình thế cấm đoán, hạn chế phương tiện đi lại, cá nhân…mà thành công.

Nên nhìn tình trạng tắc nghẽn giao thông thành phố trong khung cảnh chung của sự phát triển năng động của đô thị, trong đó cũng có lợi ích không nhỏ của ít nhiều cư dân tại chỗ. Nếu nhìn kẹt xe, ùn tắc giao thông…theo cái nhìn đó là sự phát triển kinh tế đô thị thành công vì hơn ai hết chính bản thân cư dân đô thị muốn có cuộc sống gần chợ, gần đường, gần trường, gần nơi làm việc, v.v…

Thay vì hạn chế phương tiện cá nhân hay phát triển hạ tầng…để giải quyết nạn kẹt xe tại các thành phố, tại sao ta không thử lại bằng cách thực hiện quyết liệt, dứt điểm phương châm đã có bấy nay: “đường thông, hè thoáng”. Từ lâu, nại cuộc sống khó khăn, hè phố tại các đô thị nước ta bi chiếm dụng dưới các mỹ từ rất kêu “văn hóa kinh doanh đô thị”, “văn minh mặt tiền” . Biết đâu khi trả lại hè phố cho giao thông, đó có khi bài thuốc căn cơ nhất trị hết bệnh “hỗn loạn” giao thông đô thị hiện nay thì sao.

Nguyễn Quang Bình, bài viết đăng đầu năm 2016 trên SGTT

Hits: 139