Giá hồ tiêu giảm, do ai?

thị trường cà phê
vườn hồ tiên Dak r'moan Daknong . Ảnh NQB

(TBKTSG) – Sau chưa tròn ba vụ mùa, giá hồ tiêu ở thị trường trong nước đã giảm chỉ còn một phần tư, từ trên 200.000 đồng nay ở mức quanh 50.000 đồng mỗi ki lô gam, gần như tương đương giá thành. Khi giá về đến mức này, không ít người hy vọng sẽ có một đợt đảo chiều tăng theo quy luật cung-cầu, hay mong mỏi có một “phép mầu” nào đó đưa giá hồ tiêu đi lên.

Vô phương chặn đường giảm

Trả lời câu hỏi có cách nào để chặn đứng đường xuống của giá hồ tiêu, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho rằng đến thời điểm này là “vô phương’’, vì không chỉ do nguồn cung quá nhiều từ Việt Nam, nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu của thế giới, mà thị trường còn chứng kiến một cuộc chạy đua tăng diện tích và sản lượng ồ ạt từ các nước khác. Nhất là khi Brazil, Sri Lanka và Indonesia vừa thu hái xong, chuẩn bị tung hàng ra thị trường.

Các thông tin về việc mất mùa, giảm diện tích, dịch bệnh gây hại trên cây hồ tiêu xảy ra đây đó vẫn không ảnh hưởng mấy đến nguồn cung của thị trường. Hay nói đúng hơn, đó chỉ là cách tung tin của một số nhà vườn và thương lái lỡ trữ hàng giá cao chưa bán được sợ khách mua dìm giá nếu như để họ biết thông tin về sản lượng lớn.

Hồ tiêu là một mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, nhưng “sinh mệnh” của nó không giống như cà phê, ca cao. Nếu như thị trường của hai mặt hàng thức uống vừa kể thường bị các quỹ đầu tư quốc tế khuynh loát do nguồn vốn của họ thống trị trên các sàn giao dịch tài chính phái sinh với các thông tin gây nhiễu thị trường, thì mặt hàng hồ tiêu thiên về giao dịch hàng thực hơn. Cho nên, các con số về sản lượng và xuất khẩu được các nhà kinh doanh chuyên nghiệp mổ xẻ cẩn thận trước khi quyết định chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp mình, chúng ảnh hưởng tức thì đến nhu cầu mua hàng và giá cả trên thị trường.

Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, sản lượng hồ tiêu Brazil từ 25.000 tấn nay đã vọt lên 85.000 tấn. Nhưng sản lượng tăng chưa nói được điều gì. Hồ tiêu Brazil thực sự thu hút khách hàng không chỉ về giá mà còn chất lượng ổn định. Cách mua bán của nhà vườn Brazil không như ở Việt Nam. Họ sản xuất hàng hóa nông sản ra, được giá là bán ngay. Khi cầm tiền-hàng trong tay, họ tha hồ “điều khiển” các thương vụ, dịch vụ khác để từ hàng ra tiền và rồi từ tiền ra tiền. Vì thế, trong lúc nhà vườn Brazil sẵn sàng bán 2.500 đô la Mỹ mỗi tấn hồ tiêu thì giá chào cùng loại của Việt Nam lên đến 3.200 đô la mỗi tấn. “Thiên hạ đổ về mua hồ tiêu Brazil, hậu quả là Việt Nam mất thị phần”, ông Hải nói.

Dù các dự báo trong và ngoài nước đều cho rằng sản lượng và diện tích hồ tiêu Việt Nam giảm, thị trường vẫn hồ nghi tính trung thực và có khi bị “sốc” khi đọc được khối lượng xuất khẩu của nước sản xuất hàng đầu thế giới. Trong sáu tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 132.152 tấn hồ tiêu các loại, trong đó có 118.663 tấn tiêu đen và 13.489 tiêu trắng, với tổng kim ngạch đạt 454,38 triệu đô la Mỹ, Tổng cục Hải quan cho biết. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2017, lượng xuất khẩu tăng 5,4%, khoảng 6.780 tấn, tuy nhiên kim ngạch lại giảm đến trên một phần ba, mất gần 257 triệu đô la Mỹ.

Tăng trưởng tiêu dùng đối với hồ tiêu không như các loại nông sản khác. Lượng sử dụng hồ tiêu trong các bữa ăn và trong ngành chế biến thực phẩm rất ít. Khi nói tăng trưởng 5,4% thì chớ vội mừng vì thường chỉ cần 1% đã là một cố gắng. Con số tăng trưởng xuất khẩu 5,4% trên trở thành lượng tồn kho chưa bán được, chính là lực hãm sức mua và vật đẩy lùi giá hồ tiêu trong thời gian qua.

Mơ hồ thị trường, thiếu một chiến lược

Đến lúc cần nói rõ với người trồng hồ tiêu rằng chạy theo sản lượng, số lượng chính là chấp nhận làm công không cho người khác. Khi nghe tin các nước cạnh tranh muốn nhập khẩu hồ tiêu hay cà phê từ Việt Nam thì cần hiểu đôi khi đó không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thực sự trong nước của họ mà người mua của nước cạnh tranh trở thành người trung gian, kiếm lời nhờ có thị trường bằng hàng giá rẻ từ Việt Nam.

Tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng theo nhu cầu thị trường cụ thể, tức lờ mờ với đường đi của hàng nông sản xuất khẩu, chính là trao cho người mua và nước nhập khẩu nhiều quyền chọn lựa hơn. Khi nguồn cung ứng quá dồi dào, đó chính là lúc người mua đưa các điều kiện ngặt nghèo và tự do làm giá, còn người bán rơi vào thế “gậy ông đập lưng ông”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ hồ tiêu mà cả các mặt hàng nông sản khác, điều đáng tiếc là Việt Nam đang thiếu một nền công nghiệp chế biến thực phẩm, gia vị để phụ trợ tích cực cho sản xuất và thị trường.

Nhưng giả sử có đi nữa, thì cách mua bán xuất khẩu và lưu thông nội địa theo kiểu hiện nay cũng chưa thể bảo đảm được một quá trình phát triển lành mạnh và bền vững của mặt hàng hồ tiêu.

Một khi các cơ sở chế biến không xây dựng cho chính mình chuỗi cung ứng khép kín, bảo đảm từ chất lượng đầu vào đến giá cả đủ cho nhà vườn an tâm tái sản xuất mở rộng để cung ứng hàng cho nhà máy mình sản xuất, mà cứ mua hàng hóa trôi nổi, tìm giá thấp để kiếm lợi nhuận cao, không có cam kết rõ ràng giữa người chế biến và nhà vườn, thì không chỉ hồ tiêu mà nhiều mặt hàng nông sản khác vẫn phải chịu cảnh bấp bênh, được mùa mất giá, chặt bỏ khi giá xuống rồi trồng lại khi giá lên như một điệp khúc.

Nhiều người vẫn thắc mắc tại sao Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới mà không làm chủ được giá hồ tiêu thế giới? Đấy là một câu hỏi thừa thải vì phần trả lời nằm ngay trong hành động của chính chúng ta: làm sao giá không rớt khi người người chạy theo sản lượng, sản xuất hàng mà không nhắm được địa chỉ đến. Thậm chí kêu gọi sản xuất hồ tiêu sạch và bền vững, sản xuất hữu cơ mà vẫn lấn bấn không biết ai mua. Mơ hồ về thị trường và thiếu người quan tâm và kiến thiết chiến lược thị trường cho hồ tiêu thì giấc mơ làm chủ giá cả hồ tiêu chỉ là viển vông.

NGUYỄN QUANG BÌNH, TBKTSG số 33-2018

https://www.thesaigontimes.vn/277065/gia-ho-tieu-giam-do-ai-.html

Hits: 114