(TBKTSG Online) – Nhiều ông bạn tôi thường dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter… để giao lưu với anh em, có người thú thật đang sử dụng nó như là một nơi làm việc, trao đổi chuyện lớn chuyện nhỏ, thân tình và thẳng thắn.
Một trang trong sách Tiếng Việt Công Nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. |
Cả tháng nay, lắm ông khiếp vía: vì nghiện mạng nên phải lên Facebook, lên rồi lại phải trốn khỏi ngay vì thiên hạ lên mạng ném đá, chửi bới nhau không tiếc lời. “Vào mạng tìm điều vui cái hay, thì nay như bước vào giữa làng Vũ Đại. Ngày xưa một Chí Phèo, và hắn say mới chửi, còn ‘’làng Phây’’ mấy rày ai cũng đòi chửi, chưa biết phát biểu người kia trúng trật, cũng tìm chuyện ra chửi, không “sai’’, không say đều chửi cả”, có ông nói thế.
Số là dư luận mấy tuần nay nóng như lò củi khi ai đó tải lên mạng một clip được cho là của một cô giáo dạy đánh vần. Lời qua tiếng lại trên mạng, ai cũng đều hiểu rằng đó là cách dạy đánh vần lớp 1 của chương trình cải cách, được biết dưới cái tên “công nghệ giáo dục” của ông Hồ Ngọc Đại đã có từ bốn chục năm nay, nay mới phát sinh vụ clip.
Nhiều người cự sao lại bày cách đánh vần kỳ cục, sao lại ‘i tờ, tờ i TI’ mà không ‘i tê, tê i TI’, sao các con chữ ‘C’, ‘K’ và ‘Q’ đều ‘cờ’ như ‘o sắc ó, cờ o co sắc CÓ’, ‘e hỏi ẻ cờ e ke hỏi KẺ’… mà không đánh vần như xưa từng học ‘o sắc ó xê o sắc CÓ’…v.v… và v.v…
Tuy gọi là công nghệ giáo dục vì nó bao hàm nhiều thứ mà trong bài này chưa tiện bàn, xét về dạy ngôn ngữ, thì phương pháp của ông Hồ Ngọc Đại là một lối ứng dụng dạy tiếng cho trẻ, để nhanh đọc được, tránh lỗi phát âm và hạn chế lỗi chính tả khi viết. Tuy có bề dày trên bốn mươi năm, cách dạy này rõ ràng bắt nguồn từ cái nhìn về ngôn ngữ học của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ mà đi đầu là Ferdinand de Saussure (1857-1913) khi cho rằng ngôn ngữ trước tiên là một công cụ giao tiếp, là tiếng nói. Nên sau này, các môn học ngoại ngữ đều được gọi là tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung… chứ không nói như truyền thống Pháp văn, Anh văn, Trung văn…
Giải thích cho dài dòng vậy thôi chứ hãy nhìn con trẻ tập nói, chúng tiếp xúc với âm thanh trước và chữ viết theo sau. Môn tiếng Việt của Hồ Ngọc Đại dựa trên cách nhìn đó. Đó cũng là cách nhìn đúng đắn, hợp khoa học. Nói cho cùng, cách đánh vần của “công nghệ giáo dục” là một ứng dụng trong dạy tiếng, dạy ngôn ngữ với tư cách là phương tiện giao tiếp. Dừng ở đó và công nhận ứng dụng này tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức lực của thầy trò trong lớp, đó sẽ là cái nhìn tích cực.
Thật ra, nơi nào thấy học trò mình có quá nhiều lỗi đánh vần, mới nên ứng dụng một hay toàn phần của chương trình này. Phải nói thẳng phương pháp này không cần phải bắt phổ cập, mà cụ thể vùng miền nào có quá nhiều lỗi phát âm và hệ luỵ là viết chính tả sai, thì đây là ứng dụng cần thiết.
Đáng tiếc, nhiều người đã kéo ông thầy già ra “nhạo báng”, “hành hình”, “treo lên thánh giá” và hình như họ không muốn nhìn nhận một chút gì là hợp lý có trong cách dạy ấy.
Lò lửa dư luận càng nóng khi người ta bàn đến chuyện ăn chia tiền bạc khi in sách giáo khoa, trong đó có sách mảng cải cách giáo dục. Người ta lại kéo trường hợp ông cụ già tẩn mẩn đòi cải cách hệ thống chữ quốc ngữ. Trường hợp Hồ Ngọc Đại lại được nhiều anh kéo luôn “ca” Bùi Hiền từng đình đám gần đây vào luôn. Tôi không đồng tình cái đề xuất “nhức mắt” về cải cách viết của tiếng Việt của Bùi Hiền, nhưng công việc nghiên cứu của ông ta có đáng trách đến vậy?
Nghĩ cũng lạ, có một thời xứ này mặc quần ống tóp, xứ kia khoái quần ống loe, người hai bên đã thấy khó chịu, huống chi cả một hệ thống chữ viết của cả một dân tộc, thấy khó chịu muốn chết! Nhưng có cần phải chửi rủa một ông “đồ già” khi ông thấy muốn có việc gì mới (đối với ông) để làm. Cũng cần hiểu rằng đó là những suy nghĩ riêng tư của Bùi Hiền, nếu ai thấy sai và khó chịu, nên góp ý thẳng thắn với cương vị của người trưởng thành… chứ chưa chi đòi treo ông lên cây thập tự thì ai dám đưa ra các ý kiến, phát kiến, phản biện…
Vả lại, hai trường hợp Hồ Ngọc Đại và Bùi Hiền hoàn toàn không dính líu gì nhau, nhưng dư luận trong “làng Phây”’ đều gán thành một tội chung. Công bằng không chứ?
Tôi nghĩ rằng vụ ném đá vừa qua vào hai ông thầy già trên Facebook là quá đáng. Phê bình ác quá sẽ triệt tiêu ý kiến và sáng kiến, đặc biệt tuổi trẻ sẽ lấy “kinh nghiệm” đó mà thụt lùi, không dám đề xuất những điều họ nghĩ, họ muốn làm.
Điều cuối cùng, như một tự nhủ rằng không phải giao lưu nhiều, không chọn lọc kỹ danh sách bạn bè trên Facebook, đôi khi lại gây nên khủng hoảng “truyền thông” cho cá nhân, là một rủi ro lớn có thể đi đến trầm cảm. Bấy giờ, thay vì mở rộng vòng tay như kỳ vọng khi hoà mạng xã hội, thì phải lủi thủi với tâm lý riêng tư và tiêu cực, hay tệ hơn, mắc bệnh tâm thần.
NGUYỄN QUANG BÌNH, đăng trên TBKTSG online 8/9/18
===
BÌNH LUẬN TRÊN TBKTSG ONLINE VỚI BÀI VIẾT TRÊN
Phương pháp dạy trẻ của GS Hồ Ngọc Đại không phải là tệ nhưng cũng không có gì là xuất chúng đến mức làm thay đổi được chất lượng giáo dục để rồi đề cao một cách thái quá. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của người Việt nên hễ ai là người Việt có khả năng nghe và nói được thì đều có thể sử dụng thành thạo tiếng Việt mà không cần trường lớp gì cả.
Vấn đề cần học là biến tiếng thành chữ (viết) và chuyển chữ thành tiếng (đọc). Cả hai sự biến đổi này về bản chất và đích cuối cùng là nhận diện ký tự. Tiếng này được thể hiện bằng chữ (ký tự) nào và ngược lại chữ (ký tự) này tương ứng với âm nào? Vậy làm thế nào để nhận diện được nhanh, chính xác và không bị quên? Bằng sự sáng tạo, từ xa xưa cho tới nay con người đã nghĩ ra được nhiều cách.
Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại cũng chỉ là một cách, nhưng xem chừng cách này đã làm phức tạp hoá vấn đề. Thay vì nhận diện trực tiếp âm-chữ và chữ-âm thì phương pháp của GS Đại lại phải qua các bước gián tiếp tưởng tượng thông qua hình vẽ và đếm số lượng âm (tiếng) rồi mới tiến dần tới nhận diện chữ viết.
Thêm nữa ý tưởng của CNGD là biến giáo viên thành cái máy dạy như là một loại công nghệ làm mất đi tính sáng tạo trong đội ngũ giáo viên. Thực ra GS Đại đã không nhận ra được đâu là nguyên nhân gốc rễ làm tan nát nền giáo dục nước nhà để tìm đúng chỗ cần thay đổi.
Cái gốc rễ làm tan nát nền giáo dục nước nhà nằm ở khâu tuyển dụng cán bộ.
Tôi biết mấy đứa con của vài người bạn thích kiểu mới này. Chúng nó biết đọc nhanh hơn, biết viết rõ ràng không lỗi chính tả, phát âm chuẩn. Chúng nó đầy sáng tạo và linh động hơn thời tôi.
Mỗi lần mạng xã hội (MXH) lên đồng như kiểu này nếu chú ý sẽ thấy được vài “khuôn mẫu” có ích để phân tích xã hội Việt Nam hiện đại.
Thứ nhất, cụ thể qua đợt này sẽ thấy là tâm lý phản ứng với “cái mới”, “cái lạ” còn cực kỳ nặng nề trong xã hội Việt Nam (thực ra CNGD cũng chả “mới” gì vì đã làm tới 40 năm nay nhưng giờ là “mới” với nhiều người). Đây sẽ là lực cản rất lớn trong mọi cải cách kinh tế-xã hội. Trước đây nhiều người cứ nghĩ là chỉ có tầng lớp quan chức được học kiến thức cũ, tư duy cũ, vì đặc quyền đặc lợi nên mới thường không thích cải cách. Nhưng nay nhiều người hiểu ra rằng tâm lý xã hội chung ở Việt Nam, kể cả nhiều người có học là họ “dị ứng” với cái mới, cái khác lạ so với “nhận thức chung” của họ.
Khi đã “dị ứng” rồi thì những lý do họ đưa ra cũng chỉ là để “biện minh” cho sự dị ứng đó mà thôi, không cần hợp lý hay hợp lẽ.
Thứ hai, sự “phân cực” trong xã hội Việt Nam về các chủ đề “nhạy cảm” vẫn còn rất sâu rộng.
Đó là căn bệnh do thế giới phẳng gây ra + 1 chút gì đó của người VN mình… Nghĩ rằng ở trong thế giới phẳng này, người có học = người không được học, ai cũng có “quyền lực” nên chửi, dè bỉu, thóa mạ… hết cỡ. Có thể đây cũng là hệ quả của nhiều năm qua “kỷ cương phép nước” bị buông lỏng?
Cảm ơn anh Bình. Hy vọng của dịp gặp anh ở toàn soạn để trao đổi thêm.
Chữ Việt là đơn âm, một từ một âm. Trong khi xứ người ta dùng các hình đó để nhấn âm vì ngôn ngữ nước ngoài là đa âm tiết. Vd: Apple là một từ 2 âm, hoặc tiếng Nhật cũng thế. Ông gì đó chỉ copy sao chép một cách rập khuôn chứ không hiểu ý nghĩa thật và cũng không dẫn nguồn tham khảo theo quy tắc Harvard Referencing Standard. Có thể gọi là đạo văn.
12/09/2018 – Lan HaPh
==
Tôi thích cách viết của tác giả. Tôi cũng thấy rất quá đáng khi mà nhiều người thóa mạ hai ông thầy già. Một ông đưa ra ý tưởng cải cách Tiếng Việt là đề tài khoa học, có nghĩa chỉ là đề xuất của ổng thôi, còn duyệt cho “xài” hay không là chuyện của Nhà nước.
Trước hết tôi thấy cần khen cái tư tưởng tìm tòi, phát minh của ông Bùi Hiển, dù cái tác phẩm đó không sử dụng được.
Cái thứ hai là một trong những phương pháp dạy tiếng Việt – không – bắt – buộc. Có nghĩa để học tiếng Việt thì có cả phương pháp truyền thống và phương pháp của ông Đại. Mỗi cái có một ưu điểm riêng, trường nào thấy cái nào phù hợp thì chọn xài cái đó. Ví như đi từ Sài Gòn ra HN, người chọn xe đò, xe lửa, nhưng có người chọn máy bay. Đây không phải là chọn “phe ta” hay “phe địch”, như kiểu coi phim tình báo của Liên Xô ngày xưa, để rồi xông vào “bênh phe ta” hay “đánh phe địch”.
Cuối cùng theo tôi thì nhiều người cần coi lại văn hóa phản biện của mình. Tự do ngôn luận là được tự do trình bày ý kiến của mình, nó rất khác với tự do chửi bới – dù đó là trên các trang mạng
Chào Dân Trí. Sao bạn nóng thế! Xin lỗi bạn vì đã làm bạn bực mình. Một nước mạnh về kinh tế đâu phải do các vấn đề ngôn ngữ và câu cú ngữ pháp như mình đang bàn! Hay ý bạn muốn nước mình chuyển sang xài tiếng Anh quách cho xong, khỏi học tiếng Việt! Như lãnh đạo Thái Anh Văn của Đài Loan đòi đưa tiếng Anh là ngôn ngữ 2? Thật tình tôi không hiểu bạn muốn bàn về chuyện gì vì tự nhiên đang nói chuyện ngôn ngữ Việt qua tiếng Anh rồi kinh tế? Đang chờ bạn những câu hỏi cụ thể hơn. Cám ơn bạn.
Thực ra có 1 mâu thuẫn cốt lõi ở đây. Đó là bác này học “công nghệ” Liên Xô cũ với đội ngũ giáo viên người Liên Xô thời đó, mà áp dụng ở Việt Nam với đội ngũ đội ngũ giáo viên VN tôi e không phù hợp.
Nhân nói về các câu chuyên giáo dục cho trẻ em trong sách này. Theo tôi, những bài học giáo dục cho trẻ phải thực sự thực sự trong sáng, chứ kiểu “cô giáo phải giải thích để trẻ hiểu theo nghĩa tích cực, còn không giải thích thì trẻ dễ bắt chước theo”, cách dạy đó cho trẻ thơ trẻ dại là không được.
Trần Linh Linh: Bạn không nên né tránh vế 2: “Ngôn ngữ họ có vô cũng nhiều ngoại lệ hơn VN mà kinh tế họ vẫn đứng nhất nhì thế giới và chả bao giờ tư tưởng như ông thầy Đại này cả”. (Chưa chắc bạn đã hơn người khác về tiếng Anh đâu ạ! Xin lỗi phải nói thế vì bạn giải thích nửa sự thật mà cho mình là đúng sự thật)
Người Việt tranh luận về tiếng Việt, cùng lúc người Pháp và cộng đồng tiếng Pháp cũng dậy sóng không kém cũng về vấn đề ngôn ngữ. Rất nhiều người học tiếng Pháp và đương nhiên người Pháp và cộng đồng nói tiếng Pháp vẫn tin rằng tiếng Pháp là thứ tiếng rõ ràng, trong sáng, đẹp đẽ và lịch sự. Nhưng, trong khi trên mạng xã hội tại VN, nhiều người tranh luận về các trường hợp Hồ Ngọc Đại và Bùi Hiền, thì tại VQ Bỉ và cộng đồng người nói tiếng Pháp (francophonie) lại dậy sóng vì có một số thầy giáo tại Bỉ (vùng nói tiếng Pháp) đòi bỏ qui luật hợp giống và số khi ”túc từ trực tiếp (COD)” đứng trước ”quá khứ phân từ (participe passé”). Như trong ”les pommes que j’ ai mangées=theo luật” và nay đòi phá luật vì quá phức tạp (có thể do phát âm như nhau (!) thành ”les pommes que j’ ai mangé.”
Hai phe, một bên thuận một bên chống đang ì xèo tại châu Âu. Bạn nào biết tiếng Pháp, xin tìm các bài có đề tài sau đây để biết thêm: ”Grammaire: vers la fin de l’accord du participe passé avec l’auxiliaire avoir chez nous?” ”Grammaire: les Belges veulent s’affranchir de l’accord du participe passé” xuất bản ngày 3-9-2018.
Hoá ra một ngôn ngữ tồn tại lâu đến mấy cũng có những vấn đề của nó. Cho nên, tranh luận để tìm cách làm cho tiếng Việt tốt hơn. Muốn tốt hơn mà không tìm ra điều tệ, thì sao biết tốt?
Chữ Việt đơn âm nên không cần mấy cái hình tượng trưng cho âm tiết. Ông chỉ chôm chỉa, đạo văn phương pháp của tiếng Nhật mà thôi (Tiếng Nhật là đa âm, tức một từ có 2 âm tiết trở lên). Rập khuôn mà không hiểu gì.
Chào bạn Dân Trí, Nếu lật từ điển tiếng Anh, sau mỗi từ chúng ta sẽ thấy ngay phần phiên âm quốc tế (phonetic transcription), theo tôi hiểu đó là cách giúp ta đánh vần đó bạn. Còn phần mà ta gọi là ”đánh vần” (spelling) theo tôi thấy nên giải thích là đọc các con chữ tạo nên từ đó trong tiếng Anh vì ”vần” trong tiếng Việt có vẻ thuộc âm học nhiều hơn. Nhưng cần lưu ý rằng tiếng Việt là loại tiếng đơn âm, mà hình thái chữ viết thường không thể hiện sự khác biệt ngữ pháp như chữ ”S”cuối các từ số nhiều chẳng hạn… giải thích vấn đề này rất dài và phức tạp, xin bạn tìm hiểu thêm tại các sách ngữ pháp và ngữ âm… (xin lỗi phải nói thế vì không có cách gì khác).
Bạn có thể đánh vần tiếng Anh tiếng Mỹ được không? Ngôn ngữ họ có vô cũng nhiều ngoại lệ hơn VN mà kinh tế họ vẫn đứng nhất nhì thế giới và chả bao giờ tư tưởng như ông thầy Đại này cả.
Bạn có biết gì về Ferdinand de Saussure không? Tôi chưa rõ nên chúng ta cùng lên Wikipedia, hy vọng khỏi bị hớ khi đưa phản hồi.
Theo tôi hiểu, tác giả muốn nói về phương pháp dạy tiếng. Trong khoa học giáo dục, mới một chút cũng là tiến bộ chứ bạn. Về khuất tất tiền bạc ăn chia trong in sách giáo khoa nói chung và sách cải cách nói riêng, mình tin tác giả không đủ cơ sở để nói nên có thể bạn thông qua vấn đề này kẻo tội tác giả.
Xin trả lời sự thật là không huê hồng gì ở đây. Phương pháp sư phạm là một chuyện, làm tiền nhờ in sách giáo khoa là chuyện khác. Hai chuyện tách bạch. Duy ý chí có chăng trong bài là mong sự tách bạch ấy. Cám ơn bạn góp ý.
Xin hỏi tác giả bài báo này có ăn chia hoa hồng không? Vui lòng nhìn sự thật, đừng có duy ý chí kiểu đó.
Nhiều giáo viên trực tiếp giảng day nói “công nghệ” cũ vẫn phát huy tốt, công nghệ mới không hơn cũ bao nhiêu, tại sao phải tốn 1 con số 7 và 13 con số 0 hoang phí của nhân dân vậy?
Hits: 145