Đi học hay đi mua điểm số?

Khi nhà trường “bị” xã hội hóa, cha mẹ học sinh muốn được đối xử như là khách hàng của nhà trường: thích con mình được điểm cao, muốn con mình được lên lớp thẳng, thậm chí ở các bậc học cao cấp, nhiều người vì muốn được trọng vọng đã trích tiền trích quỹ gia đình, cơ quan để mua bằng mua danh mua phận… 

(TBKTSG) – Ông bạn người Canada dạy tại một trường quốc tế nổi tiếng ở TPHCM kể về buổi gặp gỡ cha mẹ học sinh được tổ chức mới đây.

Tại trường này, mỗi thầy cô giảng dạy bộ môn có một phòng độc lập và xếp đặt sao cho phù hợp với nhu cầu dạy học, nghiên cứu và hỗ trợ học trò. Có thể mỗi thầy cô phụ trách nhiều lớp trong năm học, khi nào đến giờ học bộ môn, học trò phải đến phòng của thầy cô chứ không theo kiểu thầy bộ môn đến lớp tìm trò như ta từng biết, tức là mỗi lớp có riêng một phòng và đến giờ dạy bộ môn nào, thầy cô đến dạy ở địa điểm đã định của lớp ấy trong suốt năm học.

Cách họp là phụ huynh nào có nhu cầu, quan tâm đến bộ môn nào của con cái mình, cứ theo lịch của từng lớp đăng ký thời gian để gặp giáo viên phụ trách môn học chứ không gặp chung thầy cô chủ nhiệm lớp như các trường chúng ta thường làm hiện nay. Gặp người phụ trách môn này xong, phụ huynh chuyển qua phòng của một thầy cô bộ môn khác theo thời gian đăng ký trước đó.

Nội dung của cuộc họp là để giáo viên trình bày cách làm việc, giảng dạy, đánh giá và yêu cầu học tập của họ đối với học trò mình… đồng thời thông báo cho phụ huynh biết cách liên hệ với giáo viên để cùng với họ chăm sóc con mình ở nhà.

Nhiều thầy cô tự hào trưng dẫn công trình do chính con em của các bậc phụ huynh đến dự họp ngay trên bàn học. Tuy nhiên, ông thầy giáo người nước ngoài đã thắc mắc rằng có rất nhiều phụ huynh không mấy quan tâm đến công trình con mình đã làm, cách hướng dẫn của người thầy trong việc khai thác đề bài, mục đích của môn học do thầy cô dạy, kiến thức chúng có được sẽ sử dụng thế nào, vào đâu, đặc biệt cách tạo thói quen làm việc cho từng học sinh để sau này các em làm việc khi rời trường, nghiên cứu một cách độc lập… Cha mẹ chỉ chăm chăm hỏi kết quả đánh giá của thầy cô, con mình được mấy điểm, đạt điểm 10 không… Họ làm như mục đích được mời tới họp là nghe báo cáo điểm số của con mình và… điểm số như là cứu cánh của bài học!

Ngồi bên ly cà phê sáng, ông kỳ vọng được giải đáp một phần thắc mắc vì sao phụ huynh học sinh ở Việt Nam quan tâm điểm “10” đến độ xem nhẹ quá trình làm việc, khả năng giải quyết vấn đề của chính con mình.

Nhưng… đành chia vị đắng cà phê, ông bạn thầy giáo “ngoại” không bao giờ được thỏa mãn vì tôi chẳng thể nào giải thích nổi vì sao.

Sở dĩ phải dông dài về cách thức họp phụ huynh, cách làm của nhà trường “quốc tế” để thấy rằng quan niệm về hoạt động của một lớp học “nhập khẩu” khác với cách nhìn của nhiều bậc cha mẹ học sinh trong nước.

Thực ra mình cũng đã từng dạy học nên hiểu thế nào về áp lực điểm số, thi đua… của một lớp đối với từng trường, của một trường đối với mấy chục trường trong từng tỉnh hay thành phố.

Khi nhà trường “bị” xã hội hóa, cha mẹ học sinh muốn được đối xử như là khách hàng của nhà trường: thích con mình được điểm cao, muốn con mình được lên lớp thẳng, thậm chí ở các bậc học cao cấp, nhiều người vì muốn được trọng vọng đã trích tiền trích quỹ gia đình, cơ quan để mua bằng mua danh mua phận… thì chuyện mong ngóng vào điểm số trở thành chuyện đương nhiên, rất nhiều trường hợp cho và nhận điểm cao đều dễ dàng được trao đổi bằng tiền nếu không thì cũng bằng “bằng lòng”…

Nói cho vui chứ thử gán các thứ trong lớp học thành các sản phẩm hàng hóa có thể mua bán trao đổi được như trên thị trường (thời buổi kinh tế thị trường mà lị!) nào là món “rèn luyện tư duy độc lập”, “khơi thông tính sáng tạo”, “cổ vũ tính phản biện”… thì có loại hàng hóa nào dễ mua bán trao đổi như món “điểm số cao”. Nhất là khách mua sản phẩm “điểm cao” thường là khách hàng rộng tay và dễ tính, không quan tâm đến chất lượng!

Mua bán điểm số được thì cớ sao không mua bán bằng cấp được? Trong số gần 900.000 thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông năm học vừa qua, tuyệt đại bộ phận đều đậu. Trong số này có 50% thí sinh được trúng tuyển vào đại học, nửa còn lại không được nhận vào đại học, các em sẽ đi đâu, làm gì? Không ít các em trong quá trình đi học bị cột trong đống dây thừng điểm số hơn là được rèn luyện kỹ năng học tập và làm việc, độc lập suy nghĩ để ứng xử với đời chứ không dám nói tạo lập cuộc sống cho chính mình! Chưa hết, hàng trăm ngàn sinh viên học xong đại học ra trường mỗi năm, nói như ông Phạm Vũ Luận khi còn đương chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, hết 65% không có việc làm và 50% sinh viên sư phạm than mình chọn sai nghề!

Không dám trách nhà trường nhưng liệu đã đến lúc các bậc cha mẹ xem lại quan niệm của mình về lớp học. Lợi lạc của giáo dục không phải ở điểm số, không phải từ tấm bằng… mà làm sao định hướng cho con em mình một nghề nuôi sống bản thân chứ chưa dám bàn đến “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xồng xộc đến”!

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG 5-10-2017

Hits: 48