ĐÂY! MỘT CÁCH THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CÀ PHÊ CỦA ĐẦU CƠ

Dưới đây là các bài trả lời cho bạn đọc trên Thời Báo kinh tế Sài Gòn Online ngày 02 và 03/07/2011 của tác giả Phạm Kỳ Anh. Xét thấy hay hay, đưa nó lên cho bạn bè đọc chơi. Đọc xong, xin đừng nói cà phê đắng hơn nhé!

CÂU HỎI:

Tại sao vậy?
Lê Đình Thăng
Tác giả viết: “Trong điều kiện bình thường, giá tháng gần nhất phải thấp hơn tháng kế tiếp nó bình quân từ 2,00 – 2,50 cts/lb.” Điều này có ý nghĩa gì? Tại sao trong điều kiện bình thường tháng sau thấp hơn tháng trước? Tại sao khác thường thì lại tháng trước cao hơn tháng sau? Tôi đã đi hỏi một vài anh em tại các công ty xuất khẩu, rồi một vài người ở các công ty nước ngoài, rồi hỏi một vài trang mạng, nhưng tất cả họ đều không muốn trả lời và hình như họ cũng không nắm chắc. Chắc trong này có gì bí mật, mưu mẹo gì mà thấy không ai trả lời. Cuối cùng mới tìm ra gốc bài báo. Mong có ai biết xin giải thích hay nhờ tác giả trả lời giúp.Trân trọng.
TRẢ LỜI:
Thắc mắc của anh Thăng quá “độc”!
Phạm Kỳ Anh

Anh Thăng mến, Thắc mắc của anh khó trả lời, nhưng hay và đúng lúc. Xin được trả lời anh từng phần và sau đây chỉ là phần 1.-Thí dụ trong thực tế cuộc sống: Giả sử anh ở TP HCM. Hôm nay, anh rất gấp phải bay đi Hà Nội. Bình thường anh đi vé hạng E (thường). Đến phòng vé, chị bán vé bảo tất cả các chuyến bay đề hết. Chỉ còn duy nhất 1 vé hạng C (thương gia). Trong trường này, bắt buộc anh phải mua vé hạng C, đắt hơn nhiều vì không thể chọn lựa tình huống khác.-Điều xảy ra trên TTKH arabica Ice New York (NY): Ta lấy bất ngờ giá NY ngày 08/06. Giá đóng cửa tháng 07/11 mức 263,85 và tháng 09/11 mức 266,50 cts/lb: cách biệt 2,45 cts/lb với tháng xa cao hơn tháng gần.

Tại thời điểm bài báo anh hỏi, cách biệt này chỉ là 0,25 cts/lb. Và tôi nói hình như có vấn đề lèo lái cho giá tháng sau cao hơn tháng trước. Tại sao? Lượng tồn kho arabica được xác nhận tại NY quá mỏng (trên 1,6 triệu bao) và tồn kho theo Hiệp Hội Cà phê Nhân toàn Mỹ thấp, tính đến 31/05, chỉ còn nhỉnh trên 4,4 triệu bao. Với mức này, thị trường cho rằng vậy là thiếu, và thiếu ngay cái bên cạnh, “sờ quanh hoài chẳng thấy” tức hàng hiện có tại các kho do TTKH arabica Ice chỉ định.

Đầu cơ đóng vai trò quan trọng trong chuyện này. Thường là họ tạo tình huống để “đục nước béo cò”. Giống trường hợp cái vé máy bay giải thích bên trên, ai tham gia vào thị trường đều phải mua vào không thôi sợ thiếu, kể cả những ai đã bán khống ở mức thấp, phải mua giá cao để tháo ra thoát hiểm…

Hiện tượng này tôi xin được gọi là “giá đảo” (tiếng Anh là backwardation hay invertion). Một khi hiện tượng này xảy ra, thiên hạ sẽ tuôn hàng thực (physicals) về TTKH vì trong trường hợp này giá tháng gần nhất là tháng thiếu hàng nhất và là tháng có giá cao nhất.

– Điều nhạy cảm: Phần trên chỉ là các kiến thức và hoạt động bình thường của TTKH, hầu như ít nhiều ai cũng biết. Nhưng thắc mắc của anh “tuyệt hay” ở chỗ này. Tin đồn sương giá tại Brazil! Rét đã làm hại cây, tuy rất rất ít và thị trường đã phản ứng vào các ngày thứ Ba trở đi trong tuần này (tuần viết bản tin). Nhưng nếu thực sự có sương giá ảnh hưởng xấu cây cà phê nước bạn, thì KHÔNG ở mùa vụ này mà vụ sau. Và giả sử thực sự sương giá ảnh hưởng (ngay tại thời điểm hiện tiền), giá các tháng sau, năm sau phải lên vù vù chứ đâu mà hiện tượng giá đảo lộ liễu thế này!

Hành động trên của giá giúp ta hiểu rằng, ngay tại thời điểm tôi viết tin và trả lời cho anh, sương giá không ảnh hưởng gì đến vụ sau. Giá đóng cửa thứ Sáu cũng nói lên điều đó rõ hơn vì nêu có tin trời lạnh vào cuối tuần, NY đã có giá dương rồi vì đầu cơ mua vào sẵn cho an toàn lỡ như có gì khi họ nghỉ cuối tuần.

Nói thế, tôi không chắc trong vòng mươi ngày nữa Brazil không bị rét đậm rét hại… Do đó, khi nhìn bảng giá đóng cửa, anh không cần phải nghĩ đến thời tiết cho các ngày thứ bảy, chủ nhật cuối tuần này…Và có ai đó nói rằng sương giá sẽ xảy ra tại Brazil vào ngày thứ bảy, đó chẳng qua là họ cố tình nói sai đi chiều hoạt động của giá.

Tóm lại, giá nói được thời tiết. Tôi nợ anh một vế phải trả lời nay mai. Chào anh, chúc cuối tuần ấm áp bên ly cà phê với người thân, anh Thăng nhé!

==
Trả lời thắc mắc của anh Lê Đình Thăng (tiếp)
Phạm Kỳ Anh

Anh Thăng thấy đó, đi chợ, cái quan trọng là giá. Giá nói được nhiều điều. Tôi xin quay về bảng giá arabica Ice New York (NY). Xin anh cùng đọc với tôi bảng giá đóng cửa arabica Ice NY hôm thứ sáu vừa qua: KCEN1 263.45 (tháng 07/11) KCEU1 263.65 (tháng 09/11) KCEZ1 267.15 (tháng 12/11) KCEH2 269.75 (tháng 03/12) KCEK2 271.50 (tháng 05/12) KCEN2 271.45 (tháng 07/12) KCEU2 269.65 (tháng 09/12) KCEZ2 269.55 (tháng 12/12) KCEH3 266.80 (tháng 03/13)…Thường thường, khi đọc bảng giá, ta cứ nhìn vào cái giá chớp lòe của các tháng gần nhất mà không thèm nhìn các tháng xa để luận về cung-cầu, đầu cơ, tồn kho, mạch thị trường…Như anh thấy bảng giá trên, khác với robusta London (LDN) mỗi năm có 6 tháng giao dịch, còn NY chỉ 5 tháng. Hai tháng gần nhất 07 và 09 so kè nhau.Các tháng sau cách nhau khá đều cao hơn 2.00+ cts/lb. Giá chỉ cao bình thường (chứ không cao chót vót) đến hết tháng 07 là tháng dự kiến thu hoạch xong, các hợp tác xã Brazil bán ra được rồi nên giá tháng 09 bắt đầu hạ xuống từ 271.45 còn 269.65 cts/lb.

Đọc bảng giá trên, anh có thấy dấu hiệu gì khác lạ, có dấu hiệu gì về có sương giá không? Như thế, anh nên hiểu rằng đến khi tôi viết cho anh sáng chủ nhật, anh nên tin rằng không có sương giá xảy ra tại Brazil. Nếu có, chẳng qua là đồn thổi. Và các bản tin khí tượng thủy văn của Mỹ và Brazil cũng đã khẳng định điều ấy trước khi NY đóng cửa thứ sáu.

Chính vì thế mà đầu cơ ung dung đi nghỉ cuối tuần để giá đóng cửa NY âm như đã giải thích hôm trước. Bây giờ, xin trả lời câu hỏi chính của anh.

Do nước ta là nước xuất khẩu robusta hàng đầu, tôi xin lấy thí dụ của LDN có lẽ sẽ giúp mọi người dễ hiểu hơn. Anh thông cảm không!? Xin cùng tôi điểm lại bảng giá đóng cửa LDN khuya thứ sáu 01/07 LRCN1 2427 (tháng 07/11) LRCU1 2472 (tháng 09/11) LRCX1 2497 (tháng 11/11) LRCF2 2493 (tháng 01/12) LRCH2 2496 (tháng 03/12) LRCK2 2500 (tháng 05/12) LRCN2 2505 (tháng 07/12) LRCU2 2477 (tháng 09/12) LRCX2 2477 (tháng 11/12).

Khi nhìn kỹ vào bảng giá tương đối đầy đủ cho một năm rưỡi giao dịch, anh sẽ thấy thị trường cho đến tháng 07/12 diễn ra bình thường và giá theo từng cặp. cách biệt giũa các tháng từ 01/12 trở đi không cách đều vì lý do: Việt Nam chưa bán trước hàng giao sau, giao xa, trên cơ sở giá chênh lệch với LDN và bấy giờ chắc lượng tồn kho mới chưa nhập vào nhiều trong kho đầu cơ (sau này, anh thử nghiệm xem, khi các nhà xuất khẩu Việt Nam bán ra, các mức này thay đổi ngay lập tức).

Tháng 09/11 cách giá tháng 11/11 thấp hơn 25 đô la, trong khi giá tháng 07/11 thấp hơn tháng 09/11 đến 45 đô la. Các mức cách biệt này có nhiều ý nghĩa. Cách biệt càng cao, chứng tỏ tồn kho của đầu cơ càng lớn (tồn kho đầu cơ thường là hàng chưa bán tại các kho Liffe và hàng găm tại các kho ngoại quan chờ đi chủ yếu cho Liffe; ai cần mua thật cao họ mới bán để nhằm triệt tiêu dần người vừa là bạn hàng lúc ấy vừa là đối thủ cạnh tranh sau khi trả tiền!).

Nếu như anh có 100.000 tấn trong kho thì giá chênh cao về tháng sau là rất có lợi! Thế mà, giá chênh 2 tháng 07/11 đến 09/11 đến 45 đô la! Giá chênh này (spread) được người có hàng tồn kho lớn triệt để tận dụng vì chính nó là món tiền giúp trang trải chi phí tồn kho. Khi nói đến chi phí, tôi tin anh nghĩ đến phi lưu kho, nhân công, hao hụt, lãi suất ngân hàng, phí quản lý…

Cho nên, giá chênh này cũng được người có hàng tồn kho giao dịch nhiều trên LDN và NY. Họ đặt cược giá chênh (spread betting) sao cho giá chênh thấp họ mua, giá chênh cao họ bán trên các TTKH. Anh có tin không, với giao dịch giá chênh này mà có công ty đầu tư nước ngoài lời nuôi cả bộ máy hàng chục người lương cao tại Việt Nam chứ chưa nói tới lời trên sản phẩm xuát khẩu.

Anh thấy, trước đây, khi giá LDN còn thấp và đầu cơ chưa mạnh tay mua hàng trữ trong kho ngoại quan, thì giá chênh này chừng 15 – 20 đô la/tấn. Nay thì giá chênh này nhảy nhót mạnh hết biết. Và nếu lượng tồn kho nằm tại kho ngoại quan Việt Nam nhiều, giá chênh này “mềm” hơn, còn nếu hàng qua nằm tại các kho Liffe tại châu Âu, giá dịch vụ rất đắt nên mới có chênh lệch nhiều đến thế.

Ngoài ra, giá cao nhiều về sau cũng được hiểu hàng trở nên khan hiếm. Và thường thường, họ bán ra theo giá chênh lệch với Liffe (trừ lùi) nên khi chốt cũng được lợi. Giá chênh dạng này ta thường gọi là “giá chiều thuận” (forwardation) ngược lại với “giá đảo” (backwardation/invertion như giải thích hôm trước).

Xin lỗi anh Thăng, bài đã quá dài. Chào anh nhé.

==
Lời khuyên là không nên đầu cơ
Phạm Kỳ Anh

Anh Thăng mến, đầu cơ khi cầm trong tay một lượng hàng lớn, như hiện nay tại các kho Liffe ở châu Âu đã trên 410 ngàn tấn, và còn rải rác trong các kho ngoại quan ở các nơi nữa, nếu như thời tiết không có gì xảy ra, họ sẽ tạo tình huống giả để đẩy giá tháng dòng thứ 2 trên bảng giá (như hiện nay là tháng 09) lên cao hơn tháng gần nhất (spot hay front month) để “vặn” giá (squeezing) tháng gần nhất.Khi giá tháng gần nhất có giá cao và đã vậy thì họ xiết lên thật cao bằng cách hô hoán lên đại loại như “thiếu hàng”, “do các công ty nước XYZ xù không giao hàng”, “mưa bão làm thủng trần nhà (như cách đây chừng 2 tuần tại Bỉ và các đây 3,4 năm gì đó tại Italia)…để kéo hàng qua, bán trên Liffe hưởng lợi. Thực sự, đã 3,4 năm nay, hầu như năm nào cũng có hiện tượng này. Thế cho nên tổng thống Pháp mới yêu cầu Liffe ngăn chặn đầu cơ tài chính là vậy.Nhờ Liffe tiếp tay, đầu cơ đã phất lên như diều và nay bài của họ đã nhiều người biết. Chưa biết chiêu mới của họ sẽ sắp tới như thế nào, nhưng giới rang xay vừa rồi bắn tiếng với Liffe (xin xem bài “Thị trường nông sản đang bị thao túng”) để như “năn nỉ” họ đừng làm thế nữa.

Thị trường robusta Liffe đã bị thao túng nhãn tiền với lượng hàng tồn kho lớn không thể chối cãi. Còn arabica? Hiện nay, tiêu chuẩn chất lượng hàng arabica Ice rất khó nên hàng arabica không dễ vào Ice.

Trước đây, chất lượng robusta trên Liffe thời còn 1 lô 5 tấn cũng khó khăn lắm. Thế thì anh biết ai đã khuyến dụ arabica Ice hạ phẩm chất để hàng loại phẩm chất thường của Brazil vào không? Chắc anh đã có câu trả lời. Vừa qua, anh không thấy các nước Mỹ Latinh và Colombia kêu ca rằng không nên cho hàng xấu arabica vào sàn Ice, có thể họ đã thấy được điều đó như trên sàn robusta Liffe.

Chính các tay đầu nậu tại Ice và đầu cơ tài chính quốc tế đang thông đồng với nhau để thống soái 2 TTKH cà phê và các thị trường cà phê các nước (và không chỉ TTKH cà phê!). Giàu như rang xay cũng khóc. Huống gì là anh và tôi, ở nước sản xuất. Hiện nay, Ice đang áp dụng khung chất lượng cũ, khó, nên chưa chắc đầu cơ nhúng tay. Hơn nữa, giá arabica Ice đang rất cao, cần nhiều tiền để thao túng, liệu họ có huy động được tiền không? Đó là các yếu tố hãm lực của đầu cơ trên arabica Ice.

Song, mới sáng chủ nhật, đọc điểm tin, nghe rằng Goldman Sachs đang hạ mức giá, lượng tiền mặt vào các mặt hàng bắp (ngô) và lúa mì…do được mùa và diện tích tăng tại Mỹ, không biết đó có phải là một chuẩn bị cho cuộc chinh chiến của họ ở thị trường arabica Ice không, chu chuyển tiền qua TTKH arabica không?

Anh Thăng, rất tiếc các bản tin thị trường cà phê trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của ta thường được dịch mà không được chọn lọc kỹ từ các hãng thông tấn báo chí nước ngoài, Khuynh hướng đầu cơ tại thị trường nước ta vẫn còn quá mạnh cho nên, lượng tin đúng đắn ít nhiều bị “hớt” đi và tạo cho thị trường những nhận định không chuẩn.

Chính qua hiện tượng này, đầu cơ khai thác và dùng nó để mua bán khôn khéo với mình để kiếm lời lớn.

Để kết thúc, xin khuyên anh một câu, không nên đầu cơ. Thị trường “hàng giấy” đang còn nhiều đỏ đen, tạm thời tránh. Ông cha mình nói: “Tránh voi không xấu mặt nào” là thế!

Chào anh nhé!

Hits: 104