Chủ doanh nghiệp: Gia tài nào để lại?

Có mấy ai ngờ ngôn ngữ cuộc sống đi nhanh đến vậy!

Để ý một chút, có thể thấy trong sinh hoạt đời thường bây giờ, người ta bớt sử dụng từ “thế hệ”, dù âm vọng “thế hệ chống Pháp”, “thế hệ chống Mỹ”… vẫn còn đó tính hào hùng của chúng. Thay vào đó, người ta thích gọi lớp trẻ theo từng “lứa”, như lứa 8x, 9x…, nghe có vẻ thời thượng, “du kích” và “cục bộ” hơn. Chắc là do trong từng lứa tuổi, trong quãng thời gian chỉ chừng mươi năm cũng đã có quá nhiều sự thay đổi, trong khi nghĩa của từ “thế hệ” biểu thị khoảng thời gian khá dài, 20-25 năm.

Điều này càng rõ đối với một đất nước áp dụng chính sách đổi mới sau mấy cuộc chiến tranh. Cứ vài ba năm mới quay lại một nơi nào đó, người ta có thể lạc đường vì nhiều thứ đã khác xa. Vả lại, mỗi lứa có cách suy nghĩ và hành động khác nhau, tùy dấu ấn kinh tế – văn hóa thời kỳ ấy tạo ảnh hưởng lên cuộc sống, đặc biệt là cách làm ăn của họ sau này.

“Gặp thời thế, thế thời phải thế” chứ sao bây giờ! Có hôm, một chủ nông trại kinh doanh nông sản tại Lâm Đồng than vãn rằng thời trai trẻ ông khổ cực gắn với thửa đất, miếng ruộng không rời nửa bước, cố lao động, mua bán kiếm tiền nuôi con cái ăn học, nay tạm gọi có của ăn của để thì con cái học xong chỉ muốn ở lại thành phố. Ông muốn buông mà chẳng đứa nào muốn nối nghiệp!

Nghe thật đắng lòng nhưng ý thức được như vị chủ nông trại ấy là quá tiến bộ! Do tất bật làm ăn, đối phó với hoàn cảnh, vật lộn với khủng hoảng kinh tế, không có nhiều chủ doanh nghiệp để ý đến chuyện chuyển giao “quyền lực”. Một số muốn chuyển giao nhưng lại lúng túng, không biết phải “xử sự” thế nào.

Sách vở về quản trị rất nhiều nhưng không có mấy tài liệu bàn việc chuyển giao. Mỗi chủ doanh nghiệp đều có cách quản lý và cách chọn người nối nghiệp theo ý riêng. Lối chọn “thái tử” phản ánh trung thành với cách lãnh đạo của chủ. Còn với những vị chủ doanh nghiệp chỉ chăm chăm giữ của, ít muốn giao việc lớn cho người khác thử thách, kể cả con cái, chắc hẳn dự nguồn nối nghiệp càng nhỏ. Những người quan tâm đến phát triển tài nguyên con người sẽ có cái nhìn thoáng hơn, cách chọn người nối nghiệp vì vậy sẽ chú trọng đến mục tiêu mở rộng và phát triển hơn.

Tuy nhiên, trước tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới với nhiều rủi ro trên thương trường, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp càng hiếm, lớp nối nghiệp từ mấy năm nay thường nằm dưới bóng che của cha mẹ. Có thể vì vậy mà thế hệ sau thiếu tính mạo hiểm và lý tưởng làm giàu như thế hệ trước chăng?

Tại nhiều quốc gia đã có truyền thống kinh doanh, việc nghiên cứu tình huống và ghi nhận các kinh nghiệm thương trường để làm bài học cho lớp người sau là rất quan trọng. Đáng tiếc, việc này không được chú ý tại nước ta, đặc biệt khi mà các trường dạy doanh thương dường như quên hẳn vai trò của các chủ doanh nghiệp. Rất nhiều trường đã “khóa cổng” đối với doanh nhân có kinh nghiệm – dù thành công hay thất bại.

Một núi bài học thực tiễn về khởi nghiệp trong thời kỳ đổi mới đang bị bỏ phí, không được ghi lại và khai thác. Đã nhiều đời nay, do xem nhẹ việc ghi lại kiến thức và kinh nghiệm khởi nghiệp, kinh doanh trên thương trường, cơ sở để xây dựng truyền thống doanh nhân nước nhà hết sức rời rạc.

Đã ba thập kỷ trôi qua tính từ ngày kinh tế đất nước mở cửa. Những ai khởi nghiệp thời bấy giờ? Nay các ông bà chủ ấy có khi đã “lục thập nhi nhĩ thuận”, đã về hưu! Trong thời kỳ đầu của một nền kinh tế với hàng loạt chính sách kinh doanh được xem là “cởi trói”, chắc hẳn họ cũng có không ít lúng túng, đã phải đối phó với bao nhiêu thứ, có những thứ đâu đó còn tồn tại đến ngày nay. Đó là chưa nói đến những cuộc đối đầu cân não trên thương trường khi trong tay không có một “tấc sắt”, chỉ có lý tưởng làm giàu và sự liều lĩnh.

Những bài học xương máu trong kinh doanh gạo, nhiều loại hàng hóa nông sản… đáng phải được ghi lại và truyền bá thì nay giống như trong tình trạng “sống để dạ, chết mang theo”. Không ai biết trên thương trường quốc tế, doanh nhân ta đã ra trận với những trận thắng vang dội thế nào hay thất bại ê chề ra sao…

Cái gia tài ấy đang bị thời gian bào mòn không khác gì đền đài, lăng tẩm bị bỏ lơ, không ai đoái hoài.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trên TBKTSG 15/2/2015

Hits: 43