- (KTSG) – Cà phê – một ngành hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 4 tỉ đô la – thật xứng đáng góp một phần nhỏ của riêng mình làm nên “trụ đỡ” chung của nền kinh tế cả nước là nông nghiệp! Nhưng để cà phê Việt Nam thực sự “lấp lánh”, ngành này thực sự cần cải thiện hơn nữa.
Cả năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,61 triệu tấn với tổng kim ngạch 4,18 tỉ đô la Mỹ, giảm 9,6% về lượng nhưng tăng 3,1% về giá trị và đồng thời đấy là năm có kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục lịch sử. Giá bình quân xuất khẩu cả năm tăng 14,1% so với năm 2022. Một thành tích đầy ấn tượng và khó quên, nhất là sau những năm khó khăn hậu Covid-19 với nhiều khủng hoảng ảnh hưởng toàn cầu như chuỗi cung ứng hỗn loạn, địa chính trị căng thẳng, ngân hàng và tín dụng co bóp thất thường, thị trường tiêu thụ khó khăn…
Giá cà phê nguyên liệu tăng nhìn từ bản thân thị trường
Tổng cục Thống kê mới chỉ nói lên phần xuất khẩu. Ngành cà phê nên kiếm cách nghiên cứu cho ra doanh số kinh doanh cà phê và các sản phẩm phụ có yếu tố cà phê trong nước như mua bán qua các kênh phân phối bán lẻ tại các siêu thị (để uống tại nhà), các chuỗi quán và quán riêng lẻ, hàng rang xay nội địa tiêu thụ trong nước… thì mới thấy tròn trịa hơn vai trò kinh tế của ngành hàng.
Trong khi chưa có một nghiên cứu nghiêm túc, có thể tạm ước giá trị của vế kinh doanh nội địa cũng xấp xỉ từ 3-4 tỉ đô la, ngang bằng thậm chí hơn so với kim ngạch xuất khẩu chứ không hề kém cạnh. Thử nhẩm tính, hàng năm cả nước tiêu thụ chừng 250.000 tấn cà phê hạt rang tương đương với 11,25 tỉ ly cà phê. Giá trị mỗi ly cứ tính bình quân 7.000 đồng cho tiền phải trả cà phê uống tại nhà hay ra quán, vị chi tổng doanh thu trong nước có thể đạt trên 3,2 tỉ đô la, còn nếu tính mỗi ly bình quân 10.000 đồng ta đạt trên 4,5 tỉ đô la với tỉ giá hiện nay.
Thoạt nghe sẽ có người nghĩ rằng sao con số ‘lớn quá’ hay ‘có gì sai không’. Nhưng xin thưa trên cơ sở 11,25 tỉ ly cà phê mỗi năm cho cả nước, thì mỗi đầu người Việt Nam chỉ mới tiêu thụ chưa đến 0,31 ly/người/ngày.
Sở dĩ cần phải tính khối lượng và giá trị cà phê tiêu thụ trong nước vì mảng này chính là ánh đèn phía sau “cánh gà”, là cái phông lớn của một sân khấu, tạo cho màn trình diễn thêm phần “lấp lánh”(1) chứ đừng nên nghĩ đơn thuần giá cà phê tăng là nhờ sàn kỳ hạn London! Cũng sẽ là thiếu sót lớn nếu chỉ nhìn lên sân khấu duy nhất màn trình diễn xuất sắc mà quên đi các nỗ lực hậu trường như phông màn, ánh sáng thậm chí cả người nhắc tuồng.
Hoạt động kinh doanh cà phê nội địa mới chỉ nổi rõ lên từ năm năm trở lại với các phong trào học nghề chế biến hạt cà phê từ vườn đến ly (from farm to cup), nghề pha chế, từ đó phong trào liên kết hợp đồng giữa vườn với chuỗi (quán)… đã thực sự nâng giá trị cho hạt cà phê Việt Nam. Tuy không đại trà nhưng chỉ cần rải rác từng vùng, từng miền, doanh nghiệp rang xay và chủ quán không hề trả rẻ cho hạt cà phê trồng và thu hái đúng chất lượng ly cà phê ngon yêu cầu, họ thường mua cao hơn từ 20-40% so với giá trị thời điểm trên thị trường. Chính nhờ vậy mà phong trào làm ly cà phê ngon đã lôi cuốn một bộ phận nhà vườn. Người này khuyên người kia, chí ít tạo được một mặt bằng giá hấp dẫn hơn cà phê “xa cạ” bán cho thương lái và nhà xuất nhập khẩu thiên kinh doanh cà phê thương mại (commercial coffee/commodity).
Các đợt “sóng thần” trên sàn do đâu?
Tại Hội nghị Quốc tế Cà phê châu Á (Asia Coffee Outlook) diễn ra vào tháng 12-2023 tại TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam (Vicofa) Đỗ Hà Nam từng than niện vụ cà phê 2022-2023 là một năm kinh doanh “bất thường”, “chưa từng có” cả về giá (cao ngất) lẫn tồn kho khan hiếm đến đau đầu.
Nhiều người tham gia hội nghị cố tránh nói do kinh doanh cà phê dựa trên giá “kim chỉ nam” của hai sàn kỳ hạn robusta London và arabica New York quá thấp, nhiều nhà vườn đã tìm cách tăng giá trị hạt cà phê của mình bằng cách sản xuất bền vững, liên kết với các nhà rang xay, chủ quán nội địa, chịu khó chăm chút một chút, thu hái thật kỹ và bán với mức giá cao hơn giá thị trường chừng từ 20-40% và có lúc căng còn cao hơn thế nữa.
Do giá cà phê nguyên liệu trong nước quá căng, luôn cao hơn giá niêm yết của sàn kỳ hạn, nhiều nhà xuất nhập khẩu không thể kiếm đâu ra cà phê để giao hàng theo cam kết mà phải thương lượng giao trễ. Một khi không nhận được hàng giao đúng hẹn, các nhà nhập khẩu phải mua bù từ nơi khác hay mua hàng giấy trên sàn. Việc này kích giá trên sàn càng lên cao. Hệ quả là ước còn đến 80.000-150.000 tấn cà phê đã ký từ niên vụ trước phải đợi đến mùa mới mới có thể giao được(2).
Cần phải thấy rằng giao hàng trễ hẹn là ngọn nguồn của những đợt sóng thần trên sàn kỳ hạn dù ai có giải thích thế nào. Vì nhà nhập khẩu và người mua cuối cùng phải mua hàng nơi khác hay phải mua trên sàn với giá cao hơn, mua hàng giấy nhiều hơn để bù khoản lỗ do hàng trễ hẹn.
Đồ thị diễn biến giá trên sàn kỳ hạn robusta London cho thấy giai đoạn đầu khi chưa nhận được thông báo giao hàng trễ, “sóng yên biển lặng”. Khi bước vào niên vụ mới, sàn tạo nên hai đợt “sóng thần” phá băng các trật tự, tạo nên hỗn loạn trên thị trường trong và ngoài nước.
Trên thị trường nội địa, giá nhảy từng ngày, từ dưới 50.000 đồng có lúc lên 70.000 đồng/ki lô gam, nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên so với niên vụ 2022-2023 cao hơn từ 35-40%. Nhiều đại lý cung ứng và nhà xuất khẩu “bể kèo” do giá bán thấp, chạy không kịp với nhịp tăng giá trên sàn, tạo lung lay luôn cho cả chuỗi cung ứng “ly cà phê ngon” trong nước. Làn sóng vỡ nợ của các đại lý cà phê đang tạo hiệu ứng “domino” tại Tây Nguyên(1).
Để ngành cà phê là một trụ đỡ đáng tin cậy
Nói đến đây, ta thấy chuỗi cung ứng xuất khẩu cà phê tự trong bản thân ngành kinh tế này đang có vấn đề. Nên chăng cần ngồi lại để phân tích kỹ vì sàn làm ta chạy chợ không kịp, dẫn đến hệ lụy là uy tín ngành có thể giảm lóng lánh ngay giữa lúc giá sàn kỳ hạn và trong nước lấp lánh muôn phần.
Phải giải thích thế nào đây khi hiệu suất kinh doanh cả năm 2023 của sàn robusta đạt 61% nhưng giá bình quân xuất khẩu chỉ chưa đến một phần tư, tức 14,1% trong khi giá cà phê nguyên liệu trong nước tăng 30-40%?
Dù thế nào, ngành cà phê, xét về con số thống kê, là một phần của toàn thể “trụ đỡ” của nền kinh tế. Nhưng để trụ đỡ khỏi lung lay, nó rất cần các phương tiện “đỡ trụ”.
Tại các nước như Brazil và Colombia, hàng năm người ta đều công bố phần tín dụng “đỡ trụ” cho ngành hàng cà phê, thường ít nhất vài ba trăm triệu đô la do Bộ Nông nghiệp và ngành hàng căn cứ vào sản lượng, giá cả và thị phần để đề xuất. Ngân hàng nước ta chưa có thói quen sử dụng hạn ngạch đó, thiết nghĩ rất cần thiết ngay từ từng đầu vụ để các nhà xuất nhập khẩu yên tâm thực hiện các cam kết, theo điều kiện, chỉ dẫn sử dụng hạn ngạch của ngân hàng trung ương.
Không có cái để đỡ trụ này thì thị trường sẽ bị thả nổi và uy tín ngành hàng cũng xuôi theo như tình huống xảy ra từ giữa niên vụ cũ kéo sang năm kinh doanh mới hiện nay.
(1) https://tuoitre.vn/gia-dat-dinh-lich-su-ca-phe-viet-tro-nen-lap-lanh-20231217004143848.htm
(2) https://trungtamwto.vn/chuyen-de/25273-xuat-khau-ca-phe-khoi-dau-nien-vu-moi-voi-nhieu-noi-lo
Nguyễn Quang Bình
bài đã đăng trên TC KTSG số 1-2024 bản in ra ngày 04/1/2024
Hits: 126