Bất thường được hiểu là một hiện tượng xảy ra đột biến gây xáo trộn hoạt động hàng ngày. Nhưng khi bất thường cứ liên tục xuất hiện thì lại thành chuyện bình thường. Khi thấy được cảm giác bình thường, tức là đã tìm được cách sống chung với nghịch cảnh. Nhưng rồi cũng quen thôi!
Chống chọi với đại dịch chết người Covid-19 cả năm riết rồi cũng quen. Không thể chủ quan với nó, nhưng phải nói tâm lý hoang mang không còn như ban đầu. Nay dịch dù có bùng phát đợt hai hay đợt ba gì đi nữa, tâm lý con người ta cũng mau được trấn an nhờ đã dự liệu các biện pháp ngăn chặn, kể cả con coronavirus biến hóa mấy ngoai.
Những bất ngờ do dịch Covid-19 gây ra khiến vừa qua bạn bè tại nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Nhưng các bài toán khó trong năm cũ cho thấy hoàn cảnh sẽ không dành cho nhà kinh doanh tin vào may rủi. Lời giải chỉ đến với ai tập sống chung với nhiều bất thường xuất hiện ngay từ đầu năm 2021.
Sống chung với giá cả thất thường
Chưa khi nào người kinh doanh vàng phải đau đầu như bây giờ. Từ đầu tháng 11-2020 đến nay, giá vàng nhảy nhót liên hồi trên sàn phái sinh. Chỉ trong những ngày đầu năm 2021, giá vàng phái sinh có lúc giật lên trên 1.950 thì đến phiên 16-1 chỉ còn 1.827 đô la Mỹ/ounce. Nhiều người phát hiện và nghi ngờ rằng phải chăng khi các đồng tiền kỹ thuật số (ảo) như Bitcoin tỏa hào quang thì vàng bớt lóng lánh.
Ở đây, không bàn chuyện nên đầu tư vào kênh nào. Nhưng nhìn vào hiện tượng giảm nhanh và dao động thất thường của giá vàng, có thể thấy rằng giới đầu tư đang nghi ngờ vai trò của vàng hàng hóa, có lẽ không còn được sử dụng là nơi trú ẩn an toàn như trước.
Chỉ số giá trị đồng đô la Mỹ (DXY) giá vàng được mường tượng như hình ảnh hai con gà trống sống với nhau trong yên bình. Thường khi DXY giảm, giá vàng phái sinh tăng hay ngược lại. Nhưng khi “con gà mái” Bitcoin nhảy vào, chiến tranh xảy ra ngay. Lượng vốn đầu tư vào Bitcoin từ 50-70 tỷ đến gần đây tăng lên quanh 600 tỷ đô la Mỹ, đặc biệt tập trung vào những ngày đầu năm 2021.
Cần nghi rằng do tình hình kinh tế bấp bênh, ngay cả ôm vàng cũng chưa chắc bảo đảm, giới đầu tư quay sang Bitcoin, hoặc giả là họ muốn cho nó (Bitcoin) có một tương lai?
Vậy thì, ngay cả bản thân những nhà kinh doanh hàng hóa khác, nông sản chẳng hạn, cũng không nên bàng quan với mối tương tác này. Biết đâu một lúc nào đó các quỹ đầu tư tài chính lấy vốn từ các sàn nông sản qua “chơi” sàn Bitcoin hay ngược lại.
Trong năm qua, vì đại dịch, ngân hàng trung ương nhiều nước đã in không biết bao nhiêu tiền, tính đến trên chục ngàn tỷ đô la Mỹ để cứu vãn kinh tế. Nhưng không chừng Bitcoin lại trở thành một tác nhân mới ảnh hưởng đến giá nông sản nếu xem sàn kinh doanh tài chính là một “bình thông nhau” về vốn. Thấy trước hiện tượng này để khỏi bất ngờ về giá cả và thị trường hàng hóa nông sản sau này.
Sống chung với cước tàu biển cao
Qua một thời gian khá dài, hết thương chiến Mỹ-Trung Quốc đến dịch Covid-19, dễ đến ba năm. Luân chuyển, giao thương hàng hóa giảm. Nhiều hãng tàu phải thu gọn phương tiện để giảm chi phí và giảm lỗ.
Khỏi nói ai cũng biết giới kinh doanh xuất nhập khẩu trên toàn thế giới đều phải phát hoảng với tình trạng thiếu containers rỗng, đặt chỗ trên tàu không được và cước vận tải trên trời. Các nhà xuất nhập khẩu lớn như ở Mỹ, Ấn Độ rồi Thái Lan, kể cả Việt Nam đều yêu cầu chính quyền can thiệp để yêu cầu các hãng tàu minh bạch giá cước và phí, cung ứng đầy đủ containers và chỗ trên tàu…nhưng câu trả lời đến nay là một tiếng ậm ừ đến phải ấm ức.
Thật ra, xét về tâm lý kinh doanh, không ai dại gì giá đang bốc tới trời bỗng nghe người kêu phải hạ. Cần hiểu rằng tuy cùng một “hệ”, nhưng chủ tàu và nhà khai thác kinh doanh, rồi môi giới tàu biển có vai trò khác nhau. Nhiều chủ tàu đã nói thẳng rằng do tình hình kinh tế và địa chính trị bấp bênh, họ không đặt kịp tàu mới để thỏa mãn nhu cầu chuyên chở hàng hóa tự nhiên lớn bất ngờ sau đại dịch. Có ông bảo sớm nhất phải đến năm 2022, có hãng nói phải đến 2024 các hãng đóng tàu mới giao tàu mới! Còn những nhà khai thác và môi giới tàu biển lại trông vào doanh thu, nhất là sau một thời kỳ dài thua lỗ do giá cước giảm sâu vì cung lớn hơn cầu trước 2018.
Một cuộc phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch nhất là cuối năm 2021, khi mà hầu hết các nước đã tiêm chủng vaccin chống dịch cho đa số người dân và có thể đạt mức miễn dịch cộng đồng thấy trước rất rõ. Nhưng niềm tin này của các nước thiên hướng xuất khẩu hàng hóa rất dễ bị ngành vận tải biển thả trôi.
Cước vận tải một container 20’ hành trình Đông Nam Á – châu Âu cách nay nửa năm chỉ 800-1000 đô la Mỹ/thùng thì nay gấp bốn gấp năm lần. Thế mà vẫn có nhiều hãng tàu cho biết tiền cước phí chưa dừng ở đây! Nên xem đó không phải là câu nói thách nhưng là một cảnh báo, coi chừng!
Hàng chục triệu tấn hàng hóa nông sản bán xuất khẩu phải làm sao đây khi cước quá cao? Một anh bạn Việt kiều Úc than trị giá hàng hóa trong container chỉ năm bảy ngàn nhưng giá cước bằng hoặc hơn giá hàng hóa…thì chẳng bằng nghỉ còn hơn! Trước đây, chỉ cần một vài lứa dưa khoai được mùa nhưng không có người mua, chính phủ và người dân đã phải ra tay giải cứu. Nay giả sử hàng tuôn ra, không đủ tàu kéo đi…ai giải cứu cho nổi!
Biết là không nên vẽ bức tranh màu xám, nhưng cần thấy trước vận tải biển là một trở lực thực sự, cước tàu biển cao…và còn cao nữa. Đấy sẽ là chuyện bình thường trong năm nay và không khéo còn thêm một vài năm tới.
Nhiều dự đoán cho rằng con thuyền thị trường hàng hóa phái sinh kể cả nông sản đã nhổ neo. Ra khơi nhờ con nước nổi, chính là nhờ tổng cộng gần hai chục nghìn tỷ đô la Mỹ được ngân hàng trung ương các nước đã và đang in tiền tung ra. Như vậy, gió chắc sẽ thuận cho giá nông sản xuất khẩu nhưng đôi khi chỉ thuận trên sàn phái sinh tức chủ yếu có lợi cho giới kinh doanh tài chính, chưa chắc cho nhà vườn làm ra sản phẩm.
Giá vàng và đồng tiền ảo có khi đi cùng và có khi đi nghịch chiều. Nhưng diễn biến đã xảy ra cho thấy giới đầu tư đang muốn tạo cho Bitcoin cơ hội, thị trường vàng sẽ có lúc dao động dữ dội. Cơ hội cho nhà kinh doanh vàng năm ăn năm thua.
Về phần nhà vườn sản xuất nông sản xuất khẩu, phần đáng hưởng chắc sẽ không nhận được mấy…cho đến khi thị trường tài chính thế giới và giá cước tìm được thăng bằng và ổn định. Khơi thông thị trường tiêu thụ nội địa có lẽ là ưu tiên hàng đầu để tránh các bất lợi có thể xảy ra.
Chuyện bất thường của năm 2020 đã qua và nhiều bạn bè kinh doanh khẳng định đã rút kinh nghiệm sâu sắc. Nhưng để gặp bất thường một lần nữa thì…giải cứu hay những gì như thế sẽ là chuyện bình thường.
NGUYỄN QUANG BÌNH (bài được đăng trên TBKTSG bản in số 4-2021)
Hits: 108