27/9/19 Nhận định giá cà phê thế giới từ 23-28/09/2019: Chiều giảm đang thắng thế.

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 16-20/09/19: Đầu tuần tăng, cuối tuần giảm

Hình 1

Hãy lấy ngày thứ Tư 18/09 làm trung tâm. Diễn biến giá kỳ hạn cà phê tuần trước được chia thành 2 phần rõ rệt,  nửa đầu tuần tăng và tạo đỉnh tại 1.337, nửa sau giảm và lập đáy 1.287 Usd/tấn ngay ngày cuối tuần.

Cả tuần, giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, mất 14 Usd để chốt tại 1.304 Usd/tấn. Sàn arabica New York mất nhiều hơn, đóng cửa tại 98.40 cts/lb -4.35 cts/lb hay -96 Usd/tấn (hình 1 – phía phải).

Biên độ dao động giữa cao/thấp nhất trên sàn London là 50 (+/-)Usd, còn New York 6.90 (+/-) cts/lb hay 152 (+/-) Usd/tấn.

Trước ngày 18/09/19 giá cà phê tăng do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất đồng Usd với tỷ lệ cao như -0,50%. Nhưng khi có quyết định chính thức – Fed chỉ hạ         -0,25% – bao nhiêu lực mua giúp giá tăng trước đó, bị trút ra lại do dưới mức kỳ vọng. Sàn New York chịu tác động nhiều hơn nên trước ngày 18/09 tăng bao nhiêu, sau ngày quyết định của Fed mất bấy nhiêu, thậm chí còn nhiều hơn. Nay mức lãi suất cơ bản đồng Usd tại Mỹ được Fed ấn định từ 1,75%-2%.

Sàn London có vẻ chịu ảnh hưởng quyết định của Fed ít hơn nên biên độ dao động giá trong tuần chỉ vừa phải. Tuy nhiên, giới kinh doanh trên các sàn tài chính, trong đó có sàn phái sinh robusta đang lo ngại tình hình bất ổn do Brexit gây ra.

Các nguồn tin nước ngoài dự đoán Thủ tướng VQ Anh vẫn theo chủ trương rời khỏi EU với ngày hạn chót được ấn định 31/10/19 dù có hay không có thỏa thuận. Nếu vậy, có thể đi đến việc quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson. Khả năng VQ Anh sẽ có tổng tuyển cử. Nếu đảng cầm quyền thất bại, có thể đi đến trường hợp VQ Anh lại có một cuộc trưng cầu ý dân quyết định lại ‘ra hay không ra khỏi’ EU.

Hình 2

Có vẻ tâm lý bất an ấy thể hiện trên khối lượng hợp đồng giao dịch hàng ngày trong tuần trên sàn London. Tháng 11 hiện nay là tháng giao dịch chính. Bình thường lượng hợp đồng giao dịch phải lên đến 10.000-15.000 lô nhưng nay rất yếu (hình 3).

Như vậy, giá kỳ hạn cà phê tuần qua giảm chủ yếu do bức tranh kinh tế vĩ mô còn nhiều tiêu cực và Fed hạ lãi suất dưới mức kỳ vọng của giới đầu tư tài chính.

Thị trường cà phê trong nước không chịu ảnh hưởng mấy đến giá kỳ hạn. Dù các sàn cà phê thế giới giảm, giá trong nước vẫn chung quanh mức 33,5-34,5 triệu đồng mỗi tấn. Giá chào cà phê loại 2, tối đa 5% den vỡ đang quanh mức +190/+200 Usd/tấn FOB cao hơn giá niêm yết của sàn London. Trong khi đó, giá cà phê loại tốt, được hái chọn 90-95% quả chín trở lên, hai bên mua bán với các hợp đồng nhỏ, có liên kết, ở mức 65+ triệu đồng mỗi tấn. Các hợp đồng giữa các nhà cung ứng cà phê sạch và rang xay trong nước với giá cao ấy đã được cam kết giao hàng đến tháng 02/2020.

Dự báo tuần từ 23-27/09/2019: Kỳ vọng giá sẽ hoạt động trong miền tích lũy cũ.

Hình 3

Đồ thị giá trên sàn cà phê robusta tuần qua cho thấy không vượt khỏi đỉnh tuần trước đó (kết thúc 13/09) dù được kích thích bởi lần hạ lãi suất của Fed. Đỉnh chỉ chạm 1.337 rồi quay đầu nhưng lại phá mức tâm lý quan trọng 1.300 để phạm 1.287. Phiên cuối tuần đóng cửa tại 1.304, là mức thấp trong miền giao dịch tích lũy 1.304-1.339.

Khối lượng hợp đồng giao dịch hàng ngày theo hướng giảm (hình 2). Bản quyết toán vị thế kinh doanh tính đến ngày khóa sổ 17/09 tăng hợp đồng dư bán. Sàn London cho biết lượng dư bán tổng hợp đã lên đến mức kỷ lục mới là -47.357 lô. Như vậy, tính từ 27/08 đến nay, các quỹ đầu tư liên tục tăng lượng hợp đồng bán khống (shorts). Điều ấy được hiểu rằng họ chưa có ý định đầu cơ giá lên.

Đồ thị (hình 3) cho thấy giá London vẫn trong kênh giảm. Đỉnh và đáy lập về sau thấp hơn các phiên giao dịch trước. Lượng hợp đồng giao dịch hàng ngày và bản quyết toán vị thế kinh doanh phản ánh đúng hướng giá hiện nay trên sàn.

Dù tuần trước, diễn biến giá trên sàn vẫn cho thấy theo cách giao dịch tích lũy trong khung 1.304-1.339. Nhưng phạm đáy 1.287 ngày 20/09 có thể là một báo hiệu giá trước mắt còn yếu. Trong tuần này, một khi giá quay về chạm lại 1.287, khả năng sẽ xuống vùng 1.281 và đi xa hơn như 1.262. Nếu như có giá đóng cửa dưới 1.262, giá còn mất thêm 50 Usd nữa.

Hướng tăng không mạnh vì đỉnh tuần trước chỉ chạm 1.337 (dưới mức cao 1.339 của miền tích lũy). Sàn robusta cần vượt ra khỏi 1.339-1.343 với lượng giao dịch thật lớn mới được cho là đảo hướng để đi lên.

Tóm lại, rủi ro giá xuống trong tuần này vẫn lớn. Chỉ bao lâu bật khỏi 1.343 và đóng cửa trên 1.368, bấy giờ mới hy vọng theo hướng tăng vững. Nhưng đường lên 1.368 xem ra còn dài. Vì lực kéo trì xuống mới đây (1.287) đang còn sức hút. Dựa trên lượng giao dịch hàng ngày mỏng, báo cáo quyết toán kinh doanh tăng lượng dư bán hàng tuần, hướng giảm mạnh thế hơn. Giá tuần này chỉ cần dao động trong miền tích lũy cũ 1.304-1.339 là có thể nói đạt kỳ vọng.

Các điểm kích tăng/giảm trong tuần cần lưu ý:

-Theo hướng tăng: 1.320 / 1.337 / 1.343 / 1.359 / 1.368 / 1.382

-Theo hướng giảm: 1.296 / 1.287 / 1.281 / 1.262 / 1.250 / 1.212

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Khả năng giá tăng ít, giảm nhiều.

Yếu tố kỹ thuật yếu, giá chưa có đột biến dù theo hướng tăng hay giảm, nên thị trường cà phê trong nước dao động không mạnh. Chưa vượt khỏi miền tích lũy, giá cà phê trong nước vẫn sẽ nằm trong biên độ giao dịch tuần trước 33,5-34,5 triệu đồng mỗi tấn. Nhưng nếu như qua khỏi biên độ của miền tích lũy, giá cà phê nội địa có thể sẽ -0,5 triệu và +0,2 triệu tính trên giá trị đã giao dịch tuần trước.

Yếu tố cung-cầu chưa thay đổi mấy. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước tiêu thụ cà phê toàn cầu trong niên vụ 2018/19 tăng 2,1% đạt 164,77 triệu bao (bao = 60kg). Như vậy, mức độ biến động không nhiều vì suốt 2 thập kỷ qua tiêu thụ toàn cầu được ICO ghi nhận 2,2% bình quân hàng năm.

Nếu như vùng tiêu thụ truyền thống hầu như bão hòa (đường màu đen), thì tại các nước mới nổi (màu xanh) và sản xuất cà phê (màu vàng) tăng mạnh (hình 1 – phía trái). Báo cáo định kỳ mới nhất của ICO ước tiêu thụ các vùng tăng như sau:

Hình 4

So với sản lượng cà phê toàn cầu, ICO ước thế giới thặng dư 4,96 triệu bao cà phê trong niên vụ 2018/19. Cộng với tồn kho đầu kỳ (từ 2017/18), tồn kho cuối kỳ 2018/19 còn chừng 7 triệu bao.

Nếu thời tiết Brazil trong tháng 10/19 không mưa, tình hình cung-cầu cà phê có thể thay đổi giúp giá kỳ hạn tốt hơn nhờ giảm tồn kho. Ngược lại, tin có mưa ở Brazil sẽ kích nông dân nước này bán mạnh. Bấy giờ, gặp thêm Việt Nam vào mùa thu hái mới 2019/20, giá cà phê thế giới khó có hướng cải thiện.

Như thế, giá cà phê quay lại phụ thuộc vào quyết định của giới đầu tư tài chính trên sàn phái sinh – tùy theo họ muốn đầu cơ giá lên hay giá xuống.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 523