Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 29/10-03/11/2018: Thị trường đầy rủi ro
Hình 1
Một tuần giá đóng cửa hai sàn kỳ hạn cà phê có kết quả chung cuộc hầu như không khác mấy so với tuần trước đó, giá robusta London chốt ở 1729 Usd/tấn (02/11/19) so với bảy ngày trước đó là 1730, giá arabica New York tăng nhẹ ở 120.05 cts/lb so với cùng kỳ với robusta là 119.65 (xem hình 1). Tuy nhiên, đấy là một tuần giá 2 sàn cà phê đầy sóng gió.
Quả thật, giá tăng giảm rất thất thường. Dao động giữa mức cao/thấp nhất tại London là 79 Usd (1740-1661) và New York là 10.45 cts/lb (122.80-112.35). Như ngay tại ngày đầu tuần trước (29/10), cách biệt giữa đỉnh và đáy trong ngày đến 75 Usd (1740-1675) để đóng cửa London âm đậm và chốt tại 1687, đóng cửa trong ngày giảm 43 Usd so với hôm trước đó. Sàn kỳ hạn arabica cũng có những ngày dao động thất thường và cực đoan không kém nếu như chỉ cần nhìn vào mức các biệt giữa đỉnh và đáy trong tuần với sức càng lướt đến 10.45 cts/lb hay 230 Usd/tấn.
Rõ ràng trong tuần qua sóng gió trên hai sàn kỳ hạn cà phê không xuất phát từ các yếu tố sản lượng và cung ứng. Thông tin đã được thị trường cập nhật thường xuyên về một thế giới được mùa cà phê tại niên vụ này với sản lượng cà phê Brazil xấp xỉ 60 triệu bao (60 kg x bao) và Việt Nam chừng 30 triệu bao, nhiều nước khác cũng đều tăng sản lượng…Yếu tố này đã được ‘’cấy’’ trong giá nên đã có lúc giá arabica New York giảm xuống 95 cts/lb và robusta London 1465 Usd/tấn.
Có lẽ hoạt động đặt và rút cược quá mức của giới đầu tư tài chính trên hai sàn cà phê đã làm cho giá nhảy nhót thất thường và khó đoán như hiện nay.
Sau một thời gian dài các quỹ đầu tư bán khống liên tục, sáu tuần trở lại đây họ quay sang mua bù để New York từ mức cao kỷ lục dư bán 113.412 hợp đồng (gần 1,95 triệu tấn) và London 36.340 hợp đồng (363.400 tấn) nay lượng hợp đồng dư bán New York giảm gần 2/3 và London còn 1/8 theo báo cáo 30/10. Phải chăng do thanh lý quá nhanh bằng cách mua bù, họ nay lại rộng đường bán khống trở lại, làm giá tăng giảm một cách cực đoan trong tuần qua như thế?
Giá cà phê nguyên liệu tại vùng Tây Nguyên, vùng sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam, giá theo sàn kỳ hạn, tăng/giảm trong tuần cũng rất mạnh, dao động trong vùng 36-37 triệu đồng mỗi tấn.
Thị trường cà phê trong nước: Còn tăng nhưng không quá mạnh.
Ảnh hưởng giá kỳ hạn robusta giảm xuống đáy trong tuần tại 1661 lập ngày 31/10 đã đưa giá cà phê nội địa về 36 triệu đồng mỗi tấn. Tuy nhiên, hai ngày cuối tuần trước, giá London đã tăng mạnh và phục hồi lên 1730 đã kéo giá cà phê trong nước lên nhanh hơn. Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ đầu tuần này đã lên 37,3 triệu đồng mỗi tấn. Như vậy, giá cà phê cùng loại giao về các kho quanh cảnh TP. HCM đã lên xấp xỉ 37,6 triệu đồng, cao hơn cuối tuần 0,3 triệu đồng nhờ tâm lý cho rằng giá tuần này sẽ tăng.
Đúng vậy, giá cà phê hai sàn kỳ hạn đang trong thế đang lên nên giúp giá nội địa tăng nhanh, tạo áp lực mua hàng đối với ai đã có hợp đồng xuất khẩu chưa mua kịp phải nâng giá để gom hàng.
Một số nhà cung ứng đang đặt kỳ vọng mỗi tấn 40 triệu đồng, nhưng xem ra còn xa vì các yếu tố kỹ thuật chưa cho phép và các quỹ đầu cơ vẫn có thể rộng tay bán khống trở lại sau 6 tuần liên tiếp mua bù.
Kỳ vọng giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ cho 38,3-38,5 xem ra thực tế hơn nhưng sẽ gặp lực bán mạnh từ phía các nhà cung ứng hàng thực từ 38 triệu đồng mỗi tấn trở lên.
Có lẽ một lúc nào đó, giá cà phê nội địa cũng đạt 40 triệu đồng mỗi tấn, nhưng chưa phải trong tuần này (đến 10/11/28). Nói là như vậy, nhưng có nên đợi cho đến khi giá lên 40 triệu đồng mới bán?
Cà phê niên vụ mới đang ra dần, gặp phải sức bán khống của giới đầu tư tài chính trên sàn có khả năng mạnh lại bất cứ khi nào, nên cần tính toán hai đầu vào và ra, miễn cứ cân đối được có lời là bán, đó mới là cách mua bán của một thị trường kinh doanh hàng hoá hữu hiệu.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF 5/11/2018
Hits: 240