Diễn biến giá cà phê tuần từ 26/05-02/06/2018: Dao động khá mạnh trong điều kiện giá kỳ hạn thấp
Hình 1
Dao động 35 Usd từ mức cao đến thấp nhất cho cả một tuần là không nhiều (giữa 1762-1727), nhưng đối với thực tế của một thị trường giá thấp trên sàn kỳ hạn và trầm vắng trên thị trường xuất khẩu và hàng thực, thì khung trượt ấy cũng đáng kể.
Đóng cửa vào ngày 01/06/18 sau một tuần, giá robusta London mất 2 Usd chốt tại 1750 trong khi đó giá arabica New York lại tăng 2.35 cts/lb chốt tại 122.75 cts/lb, tương đương với dương 52 Usd/tấn (xem hình 1).
Giá arabica tăng so với robusta giảm đã giúp cho giá cách biệt giữa hai sàn New York với London giãn ra đáng kể có lợi cho thị phần robusta, từ 37.40 cts/lb cách đây một tháng thì nay 43.36 cts/lb tức từ 824 Usd tăng lên 956 Usd/tấn .
Chỉ số đồng Usd tăng mạnh, cuối tuần trước giao dịch tại 94.19 điểm là bất lợi cho giá hàng hóa thương phẩm nào lấy đồng Usd làm phương tiện giao dịch và thanh toán, trong đó có cà phê. Cộng thêm một đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) yếu so với Usd (1 Usd ăn 3,76 Brl), kích thích nông dân Brazil bán mạnh. Hiện tượng này thường làm giá yếu trên các sàn kỳ hạn.
Nhìn kết quả giá kỳ hạn cà phê tuần qua, hình như thị trường không chịu chi phối bởi chính sách tiền tệ (đồng Usd và Brl). Giá “đứng được” trong giai đoạn vừa qua có thể nói rằng đó là sự thận trọng của giới đầu tư và kinh doanh cà phê khi Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê số 1 thế giới, vào mùa đông. Thời gian này, chỉ cần còn tin trời Brazil “trở rét”, là giá có điều kiện vững dù cường độ rét bao nhiêu chưa cần biết.
Giá cà phê nội địa dao động trong khu vực 36,7 triệu đồng tại các tỉnh Tây nguyên và 37,2 triệu đồng mỗi tấn giao về các kho cảng quanh TP. HCM.
Dự báo tuần từ 04-08/06/18: Hàng rào kỹ thuật quá chặt cả hướng lên lẫn xuống
Hình 2
Suốt tuần qua, dù có tin Brazil trở rét, giá kỳ hạn London chỉ chạm đỉnh khu vực 1760-1762 rồi lại quay đầu. Nhìn vào đồ thị trên, London có 5 ngày liên tiếp cố vượt hàng rào 1760-1762 nhưng không lên nổi để đóng cửa cuối tuần còn 1750 Usd/tấn.
Phiên cuối tuần, London đã chạm 1762 cũng là đỉnh của tuần trước, nhưng không đứng được ở đó. Mức 1760/1761 chính là các mức bình quân động (BQĐ) của 20/50 ngày. Không vượt được rào cản để lên 1770 (BQĐ 100 ngày), mất luôn chốt 1760, London tỏ ra yếu về kỹ thuật cho thời gian trước mắt. Nếu như ngày 04/06 mất mốc 1745 (BQĐ 5 ngày), London sẽ càng yếu và dễ về khu vực 1720 (xem hình 2).
Khu vực (+/-) 1720 cũng là một vùng khá cứng. Đã nhiều lần giá London về đấy nhưng rồi lại bật tăng trở lại.
Nếu như chạm 1720, London chọn hướng tăng thì phải vượt 1760/1770, còn nếu chọn hướng giảm, sẽ về 1700 và 1671 (xem hình 2).
Đồ thị thiên về hướng xuống, nhưng biết đâu tin thời tiết Brazil sẽ cứu giá cà phê! Dù sao, các yếu tố kỹ thuật của sàn London đang khá tiêu cực.
Thị trường cà phê trong nước: Mua bán trầm vắng
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phát hành giữa tháng 05/2018 cho thấy rằng thị trường cà phê chưa có vấn đề gì về cung-cầu. ICO cho rằng sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2017/18 ước đạt 159,66 triệu bao (60 kg x bao), 1,2% nhiều hơn so với niên vụ trước. Nếu như sản lượng cà phê vùng Nam Mỹ chỉ đạt 70,59 triệu bao, giảm 6,1% thì các nước khác có thể bù cho sự thiếu hụt ấy. Sản lượng cà phê châu Phi tăng 3,2% đạt 17,66 triệu bao, châu Á và châu Đại dương tăng 10% đạt 49,49 triệu bao, các nước Trung Mỹ và Mexico tăng 7,1% đạt 21,92%.
Trong 6 tháng đầu niên vụ 2017/18 tính từ 01/10/17, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm không đáng kể ở mức 0,6% để đạt 59,96 triệu bao.
Trong khi đó, tồn kho cà phê tại các nước sản xuất đang ở mức an toàn với 1.236.189 tấn gồm tại vùng Bắc Mỹ còn 403.954 tấn (30/04/18), châu Âu 650.994 tấn (31/03/18), Nhật Bản 181.241 tấn (31/12/17).
Như vậy, tình trạng trì trệ trong mua bán cà phê trên toàn thế giới hiện nay được cho là do lãi suất tiền vay kinh doanh tăng kéo theo tình hình khó khăn về vốn như các công ty kinh doanh tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn, thủ tục thanh toan khắc khe hơn.
Brazil đã vào mùa đông. Thường thì đây là thời gian thị trường hay có những biến động về giá thất thường do các luồng tin khác nhau vì muốn “ăn theo thời tiết”. Các cơ quan khí tượng thủy văn dự báo rằng giữa tuần này sẽ có một luồng không khí lạnh vào các vùng trồng cà phê ở bang Parana, tuy nhiên không gây rét đậm rét hại.
Giá cà phê nội địa không thay đổi nhiều. Đến sáng 04/06, giá cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ ở một số nơi tại Tây nguyên quanh mức 36,5-36,8 triệu đồng, hàng giao về các kho cảng xuất khẩu cho hàng cùng loại quanh 37,2-37,5 triệu đồng mỗi tấn.
Thị trường mua bán hàng xuất khẩu khá trầm vắng, hàng trao tay không nhiều. Dù có đột biến chăng, giả sử khi có tin rét đậm rét hại cho cà phê Brazil, giá cà phê nội địa khó lên 38 triệu đồng mỗi tấn vì mới đây đã có khi có tin như vậy, giá cà phê nội địa khá bình tĩnh. Lên không cao, xuống sẽ không sâu vì tới mức 36 triệu, hàng rất ít ra thị trường.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF ngày 04/06/2018
Hits: 128
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.