Lượm được bức tranh phiếm vẽ thảm cảnh doanh nghiệp chế biến (rang xay) cà phê trong nước mà cười ra nước mắt.
Thường ta hay quan niệm cứ ai đến mua nguyên liệu của mình để chế biến như trong cà phê để rang xay, bán quán…thì đều là đại gia cả. Quan niệm này không đúng cho tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp rang xay, chủ quán cà phê trong nước.
Xem thêm: CHUYỆN MỞ TIỆM CÀ PHÊ
Không như các đại gia nước ngoài, họ có thương hiệu, có sẵn chuỗi cung ứng chắc chắn và hùng hậu, có “tiền lực” (và tiềm lực) từ chính bản thân họ và ngân hàng, nên họ sẵn sàng thay thế nguồn cung cấp nguyên liệu thông qua một hệ thống các nhà kinh doanh trung gian. Thế mà trong thời buổi hiện nay, khi các thế lực tài chính đang giành quyền làm giá trên các sàn kỳ hạn, nhiều tập đoàn rang xay tại các nước tiêu thụ phải xấc bấc xang bang vì giá nguyên liệu đầu vào cao bất thường và khá vội vã…làm các đại gia ấy cũng luýnh quýnh.
Giá cà phê chất lượng “đẹp” năm 2022 bắt đầu chỉ từ 50-60 ngàn đồng/kg thì nay cao gấp đôi và có lúc trở thành “vô giá” vì nhiều nhà vườn hái cà phê khi chưa chín tới, còn xanh, nên lượng nguyên liệu cà phê “đẹp” để có ly cà phê ngon lại càng hiếm và vì thế mà đắt đỏ.
Nhiều doanh nghiệp rang xay và quán chân chính trong nước đang “ngộp thở” không chi do giá đầu vào tăng mạnh mà quan trọng hơn đối với họ là cà phê chất lượng tốt, tức hạt thu được phải từ hái trái chín đỏ từ 90-100% trở lên.
Thế thì tại sao cà phê kinh doanh thương mại, mua bán chất lượng tạp pí lù lại không xài cho đỡ? Người mua nước ngoài đâu chỉ mua cà phê để uống đâu. Cà phê càng sống có khi càng tốt, vì họ trích ly từ hạt cà phê sống các chất cafein và một số hoạt chất khác còn giá trị hơn gấp nhiều lần lấy bản thân cà phê để pha chế cà phê. Cà phê càng sống, hàm lượng cafein và hoạt chất quan trọng khác càng cao, để dùng trong các ngành công nghiệp khác như dược phẩm chẳng hạn. Họ có thể trộn cà phê tạp pí lú ấy với các chất phụ gia để khỏa lấp mùi vị cà phê ngon mà người tiêu thụ không hay biết, mà cứ tưởng đó là cà phê. Và buồn hơn nữa…khi có ai trách một lý cà phê dở thì…họ nói đó là cà phê của Việt Nam năm nay! Tức là chất lượng cà phê ta làm ra không ổn định, nên đó là cớ để chúng ta có giá thất thường về sau này.
Thế thì tại sao các nhà rang xay/quán trong nước không tăng giá? Dứt khoát là phải như thế chứ! Nhưng ai là người bắt đầu? Không ai dám tuyên bố “bắt đầu”. Vì thấy quán kia lên giá, quán khác không lên (nhưng có thể lại cho khách hàng uống bắp và đậu nành cháy), kèm đường sữa thật nhiều…vì rất nhiều người tiêu thụ cà phê chỉ nhìn vào giá, nơi nào rẻ, ghé uống mà thôi.
Nên chăng Nhà nước cần khuyến khích lập một hiệp hội các nhà rang xay chế biến cà phê trong nước, thậm chí cả một hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê…để dần dần ổn định chuỗi cung ứng cà phê trong nước và xuất khẩu.
Nhưng cái lớn hơn là để an toàn cho sinh kế nhà vườn cà phê vì…chẳng mấy chốc lại phải khóc theo câu được mùa mất giá và kể cả khi mất mùa cũng mất giá.
=
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài viết này hoàn toàn miễn phí với tâm niệm người viết nỗ lực chuyển tải những tin tức mới nhất về thị trường và những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong thời gian gần cũng như xa. Nên nó hoàn toàn không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 580