Tâm chấn thị trường tuần qua
Tuần trước, nhiều ngân hàng trung ương Âu Mỹ đồng loạt tăng lãi suất điều hành, Mỹ tăng 0,25%, Thụy Sỹ 0,50%, ECB 0,50%, Vương Quốc Anh 0,25%…như muốn làm ngơ trước mấy ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ phá sản. Thị trường rúng động, nhưng ngay sau đó được trấn an do những gói giải cứu ấn tượng. Không giải cứu sao được vì một khi khủng hoảng lan dây chuyền, thì thị trường tiền tệ chỉ tay về phía ngân hàng trung ương và nói ngay “do mấy ông mấy bà cả”!.
Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất nhưng chỉ ở mức 0,25%. Họ không có nhiều lựa chọn khi lạm phát tăng mạnh với tỷ lệ 10,4% trong tháng 2/23 so với tháng 1/23 là 10,1%. Phải chăng hàm ý rằng lạm phát là ưu tiên số 1?
Thụy Sĩ đã tăng lãi suất thêm 0,5% bất chấp khủng hoảng ngân hàng và thực tế là lạm phát của họ chỉ ở mức 3,4%.
Thật vậy, Fed báo ngày 23/3 khoản vay tăng đột biến lên tới 60 tỷ USD, giúp cung cấp USD cho các ngân hàng trung ương ở nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp. Mặc dù không có xác nhận về bất kỳ kết nối nào, nhưng trong báo cáo ấy đề cập đến thỏa thuận vội vàng để hợp nhất Credit Suisse với UBS.
Tuy nhiên, cổ phiếu của UBS đã sụt giảm phiên cuối tuần 24/3 sau khi Bloomberg báo rằng cả công ty này và thương vụ mua lại mới của họ đang bị Mỹ điều tra vì nghi ngờ đã giúp các nhà tài phiệt Nga lách lệnh trừng phạt của phương Tây. Thị trường đặt nghi vấn là phải.
Tăng vì lạm phát chưa nguôi, tăng thì phải hy sinh tăng trưởng kinh tế.
“Thời gian tới, bao lâu các điều kiện tài chính thắt chặt càng dài thì rủi ro căng thẳng lan ra ngoài lĩnh vực ngân hàng càng lớn, gây ra thiệt hại tài chính và kinh tế lớn hơn người ta dự đoán,” Moody’s nói trong báo cáo điều kiện tín dụng mới nhất. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết các cơ quan quản lý đã sẵn sàng thực hiện các hành động bổ sung để đảm bảo tiền gửi của người Mỹ được an toàn, trừ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng Mỹ. Khoản vay khẩn cấp theo hai cơ sở hỗ trợ của Fed (Cho vay theo thời hạn chiết khấu + Chương trình tài trợ có kỳ hạn của ngân hàng) cũng đạt mức khổng lồ khác là 163,9 tỷ đô la trong tuần này, tương tự như mức 164,8 tỷ đô la được ghi nhận vào tuần trước (thường vay theo kênh chiết khấu hàng tuần chỉ dưới 10 tỷ đô la).
Khó ai dám nói rằng một thị trường hàng hóa hay xuất khẩu nào đó sẽ nhộn nhịp trong hoàn cảnh nước tiêu thụ suy thoái kinh tế. Suy thoái, người ta lo cơm áo hàng ngày trước. Cà phê chưa chắc là ưu tiên một của các gia đình. Chính vì thế, những đợt tăng hay giảm trên các sàn cà phê mang tính chất tình thế hơn là vì cung-cầu mà tăng bền vững. Nói vậy để tránh mua trữ đầu cơ giá lên, để khỏi vào “”rọ””.
Tình hình thị trường cà phê
Giá vàng sau khi bật tăng trên 2000 USD/ounce đã về yên vị tại vùng 1980 USD/ounce. Mua quá mức chăng? Thừa cơ hội vàng và dầu thô giảm ngày cuối tuần, giá cà phê bốc lên mạnh mẽ. Mừng!
Ngày | 1 tuần | 1 tháng | Từ 01/1 | 1 năm | |
Arabica NY | +2.8% | +2.85% | -4.14% | 7.02% | -16.07% |
Robusta LD | +3.90% | +5.40% | +1.31% | 23.08% | +3.59% |
Vàng | -0.75% | 0.38% | 9.50% | 8.48% | 1.37% |
Dầu thô WTI | -1.09% | +3.69% | -9.33% | -14.01% | -39.24% |
Tồn kho đạt chuẩn | 23/3/23 | Tuần trước | |||
Arabica (tấn) | 44996 | 47335 | |||
Robusta (tấn) | 75,960 | 76,300 | |||
Tồn kho khả dụng | 2/23 | 1/23 | 2/22 | ||
GCA (A+R) | 6,1 | 6,26 | 5,77 | triệu bao | |
Vị thế kinh doanh | 21/3/23 | +/- | |||
Arabica | 13368 | +4550 | |||
Robusta | 17771 | -3436 |
Tồn kho đạt chuẩn robusta tăng rất ấn tượng nhưng arabica thì rớt mạnh bạo. Nên không thể nói nhờ lượng cà phê đạt chuẩn mà giá tăng. Vả lại, tồn kho đạt chuẩn đâu phải từ các nước xuất khẩu sang trực tiếp mà từ kho cất giấu của các nhà kinh doanh đưa vào. Họ muốn bao nhiêu cũng được, kể cả rút tồn kho ra. Nên giá chỉ ảnh hưởng khi chạm một vài con số tế nhị như khi robusta về dưới 60.000 tấn, giá bùng. Khi các nhà kinh doanh muốn giá hạ, cũng dễ. Họ chỉ cần đẩy vào 15-20 ngàn tấn nữa, thì thấy liền chứ gì đâu! Do vậy, nên hiểu tồn kho đạt chuẩn hiện nay không như xưa, khả năng làm giá hàng ngày là ít nhưng tạo đột biến để các nhà kinh doanh trên sàn hốt bạc là nhiều.
Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn arabica đã có đầy đủ và đúng lịch. Ngày khóa sổ, arabica tăng 4550 hợp đồng mua khống. Robusta giảm 3436 lô là lớn. Hay vì thế mà họ mua rốt ráo trước khi mở cửa tuần sau?
Vài nét kỹ thuật về giá cà phê tuần tới
New York arabica:
Lập đỉnh tại 178.30 và đóng cửa ở 178.80 cts/lb. Xét về đà mua, còn. Nhưng giao dịch tuần trước sàn này hoàn toàn nằm trong khung “”tích lũy”” giữa 182.60 và 170.45. Bao lâu chưa thoát khỏi hai nút quan trọng này, New York vẫn theo cách tích lũy tuy trong từng phiên dao động có thể dữ dội. Với vị thế kinh doanh lượng dư mua đang cao dần, ắt hẳn 17-18 ngàn lô mua khống chẳng đủ “”xỉa răng””. Nhưng sàn arabica sẽ khựng một khi chạm cừng 19-20 ngàn lô, nhất là tuần trước đã có con số dương về dư mua khá lớn.
London robusta:
Các nút 2175-2177 là quan trọng đối với giá tháng 7/23 của sàn này. Rõ ràng London muốn vượt vũ môn này nhưng chỉ dừng lại tại đỉnh 2170 để đóng cửa ít hơn 5 USD tại 2165. Qua được vùng ấy thì sẽ rướn nhanh lên 2192. Nếu thành công, sẽ vượt mức tâm lý quan trọng 2200 để chạm đỉnh tháng 5 đã lập. Mức 2015/2001 là những thử thách cho hướng xuống, nhưng phải nói trước để phòng hờ.
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài viết này hoàn toàn miễn phí với tâm niệm người viết nỗ lực chuyển tải những tin tức mới nhất về thị trường và những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong thời gian gần cũng như xa. Nên nó hoàn toàn không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 588
3 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.