Cho đến giữa tuần này, giá kỳ hạn cà phê robusta giao dịch vẫn ở mức dưới 2000 đô la Mỹ/tấn. Cụ thể trong ngày 19-9, giá niêm yết sàn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng làm tham chiếu có lúc chỉ còn 1967 đô la/tấn. Nhớ dịp tháng 4 và 5-2017 giá sàn này lao xuống dưới 1900 đô la/tấn, thì những ngày qua bà con nhà vườn lại thêm một lần lo lắng vì giá quay về cận mức thấp nhất ấy khi chuẩn bị vào vụ mới.
Tuy nhiên, hồ nghi của giới kinh doanh tài chính trên các sàn giao dịch trước quyết định tăng hay không tăng lãi suất đồng USD, giá hai sàn kỳ hạn đã dao động mạnh cả phía lên lẫn phía xuống, để rồi ngày 20-9 tăng mạnh chạm 2038 đô la/tấn trên sàn London, nhưng mấy ngày cuối tuần dịu lại.
Niên vụ cà phê của Việt Nam hàng năm bắt đầu từ 1-10 năm này và kết thúc 30-9 năm sau.
Nếu thời tiết bình thường, phải đến tháng 11 hàng năm đây đó mới có cà phê thu hoạch nhưng vẫn chưa đại trà. Đỉnh điểm thu hoạch phải đợi đến giữa tháng 12 trở đi. Năm nay, nhiều nhà vườn cho rằng do mưa kéo dài trong đợt ra hoa năm ngoái, đã kích một số vườn cà phê ra hoa sớm nên niên vụ này có thể một số vườn bắt đầu thu hái vào nửa cuối tháng 10-2017 sắp tới.
Trước đây, mặc cho hàng hóa ra sớm hay muộn, điều ấy chẳng có gì quan trọng vì nhiều nhà xuất khẩu muốn bán là bán dù cà phê vẫn còn trên cây. Kinh nghiệm năm ngoái cho thấy càng mạnh tay bán hàng chất lượng cao, vào mùa càng không có hàng giao vì thời tiết thất thường mưa kéo dài đã làm hư một đợt chừng từ 15-20% sản lượng cà phê. Hệ quả là đua nhau trả giá cao để mua được hàng, không ít doanh nghiệp vẫn thiếu hàng giao, thậm chí dẫn đến thua lỗ.
Đến nay, tình hình cung ứng hàng hóa cuối vụ vẫn căng thẳng như thế nhưng lạ một điều giá cà phê trên sàn kỳ hạn và thị trường nội địa lại quay sang yếu.
“Tôi còn để lại ít hàng đẹp tưởng giáp mùa mới, giá lên sẽ bán, nhưng hiện nay các đại lý mua hàng chỉ trả chưa đến 44 triệu đồng/tấn,” chị Hồng, chủ một vườn cà phê tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắc Lắc cho biết.
Trong khi đó, nhiều nhà nhập khẩu trữ hàng trong kho tại trong nội địa Việt Nam vẫn còn lớn. “Vừa qua, tôi mua được vài ba trăm tấn cà phê từ kho của một nhà nhập khẩu, giá khá mềm, chừng 43,5 triệu đồng/tấn nhận hàng tại kho quanh cảng TPHCM,” một nhà kinh doanh cà phê cho hay.
“Chẳng mất công chở hàng từ vùng nguyên liệu xuống, nhiều rủi ro như hao hụt mất mác, mưa gió trên đường đi, giá lại cao, mua hàng của các nhà nhập khẩu quốc tịch nước ngoài để sẵn tại đây, vừa có số lượng, vừa an toàn,” nhà kinh doanh phát biểu.
Sau nhiều năm đình đám, năm nay hoạt động kinh doanh của các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam như co lại. Các nhà buôn cà phê nước ngoài nay đã lớn mạnh. Đến nay, họ vừa là nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và đang trở thành nhà cung ứng cho các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam.
Đóng cửa phiên cuối tuần ngày 22-9, London chốt mứa 2005$ trong khi đó New York ở mức 134.45 cts/lb-0.55. Nếu so với ngày 23-9-2016, London bấy giờ ở mức 2002$ nhưng New York 155.25 cts/lb. Giá cà phê nội địa quanh mức 44,3 triệu đồng/tấn vào dịp cuối tuần này.
Giá New York năm ngoái cao nên nhu cầu mua hàng robusta mạnh hơn. Năm nay giá arabica rẻ gần 20 cts/lb, giới rang xay đổ dồn mua arabica. Nên chẳng phải vô lý khi có người nghi ngờ Brazil và các nước sản xuất arabica nói mất mùa nhưng thật ra được mùa và bán mạnh.
Phản ánh qua giá trên thị trường nói lên sự thực dù nhiều người vẫn muốn nói khác đi để chặn hàng robusta lại bằng cách kích máu đầu cơ của những người nhẹ dạ để đục nước béo cò nhờ bán hàng tồn kho còn lớn.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Viber+Whatsapp+Tel: 094 9393 283
Xem thêm:
–(22-9-2017) Thực sự Fed đã làm gì ngày 20-9-2017?
–(21-9-2017) Thị trường cà phê: Giá cà phê đảo chiều tăng mạnh
–(22-9-2017) Thị trường cà phê: Giá cà phê “hoàn hồn” giảm lại
Hits: 61