14/07/2022 Chạy theo arabica, giá robusta tăng mạnh

Cà phê robusta Di Linh 2021/22. Ảnh: Hoan Ta

Giá đóng cửa 2 sàn cà phê phái sinh 13/7/22

London tháng 09 và 11/22

1981+27(1992/1948)

1979+28(1990/1947)

New York tháng 09 và 12/22

207.35+2(209.85/205.25)

204.7+1.95(207.25/202.65)

Thông số ảnh hưởng giá cà phê

-Giá cách biệt 2 sàn arabica với robusta: 117.49 vs 116.71  cts/lb.

-Chỉ số DXY: 107,83 vs 107.98 điểm.

-Giá trị đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá UsdBrl: 5,40 vs 5,44 . Mức thấp kỷ lục 5,99 Brl lập 8/5/2020!

Lời bàn về thị trường:

-Trước mở cửa, sàn arabica vào vùng bán quá mức. Mở cửa giá tăng, New York kéo London lên đến 1970 nhưng New York chần chừ. Nhưng sau đó, New York chắc đường chỉnh tăng, London thẳng tiến lên đến 1992 để đóng cửa tại 1981.

-Giá cà phê nội địa loại 2 tối đa 5% đen vỡ hôm nay ước quanh mức 43,5 triệu đồng tại Tây Nguyên, 44 triệu đồng/tấn giao về kho quanh TPHCM. Giá tiêu đen tại vùng nguyên liệu ở mức 70-74 triệu đồng/tấn.

Bối cảnh địa chính trị và kinh tế vĩ mô

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá / Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Đó là lời thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài Cảnh nhàn. Người dân châu Âu đang chịu đựng một mùa hè cực nóng nhưng năm nay dân nhiều nước ở đó “hạ tắm ao” mà lại không phải trong cảnh nhàn. Họ đang lo cho một mùa đông “ăn giá” hiểu theo nghĩa “giá rét” vì chất đốt đâu để sưởi ấm đây nếu như…Nga cắt nguốn khí đốt thiên nhiên?

Trên một bài báo đâu đó tôi đọc ngày hôm qua có cho rằng lệnh trừng phạt không nhập khẩu năng lượng Nga của các nước Âu Mỹ nay quay đầu phạt lại dân chúng của châu Âu. Đâu đâu cũng đang lo “không có khí đốt Nga liệu mình có qua nổi mùa đông”. Ít nữa người ra lệnh trừng phạt Nga như tự trừng phạt mình, ít ra phải ngồi lo xoắn lòng. Dù giá hàng hóa và năng lượng đã xuống, dầu thô hôm qua xuống 96$/thùng, nhưng chắc gì không lên lại. Nội cái chuyện tâm lý bất an là có thể khiến giá dầu khí tăng rồi.

Trong khi đó, giá hàng hóa phái sinh nói chung mấy rày giảm mạnh. Qua đó Thống đốc Fed Atlanta Raphael Bostic tự tin cho rằng nền kinh tế Mỹ có đủ sức chống chọi nếu Fed tăng lãi suất trong thời gian tới, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của ông đối với phương án tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tới.

“Tôi hoàn toàn tự tin rằng nền kinh tế của chúng ta đủ sức vượt qua một đợt tăng lãi suất mạnh trong cuối tháng này. Tôi ủng hộ phương án tăng lãi suất thêm 0,75%”, ông nói.

Chỉ số tiêu dùng Mỹ tháng 06/22 được công bố cao hơn dự kiến, đạt 9,1%, là cớ để Fed tăng lãi suất mạnh. Tuy vậy, thị trường cho đó là đỉnh lạm phát vì giá hàng hóa đang dịu dần.

Dù ai có lạc quan đến mấy, cũng cần thấy rủi ro thị trường do thắt chặt tín dụng và tăng lãi suất điều hành. Hôm qua, một thư luân lưu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng đã có 75 ngân hàng trung ương – khoảng 3/4 trong tổng số NHTW do IMF có quan hệ, đã tăng lãi suất điều hành từ 7/21 với bình quân 3,8 lần tăng. Nói vậy để thấy rằng quản lý vốn và tiền mặt của doanh nghiệp là nhiệm vụ sống còn của chính mình.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 218