22/7/2019 Dự báo giá cà phê nội địa tuần đến 26/7/19

thitruongcaphe.net,nguyenquangbinh

Giá nội địa khó tăng mạnh.

Công ty môi giới kinh doanh cà phê Brazil Safras & Mercado (S&M) ước vụ mùa 2019/20 của Brazil đạt chừng 58,9 triệu bao (60 kg=bao) gồm arabica 40,6 triệu bao và robusta 18,3 triệu bao. Tính đến cuối tuần trước, S&M cho rằng nước này đã hoàn thành thu hoạch trên 75% trong đó arabica 27,6 triệu bao và robusta 16,5 triệu bao. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã lớn nhất thế giới của Brazil là Cooxupé cho rằng sản lượng cà phê vụ 2019/20 sẽ giảm 9,2% hay -7,6 triệu bao so với năm trước do mất mùa theo chu kỳ năm được năm mất.

Như vậy, hàng robusta của Brazil đã rất sẵn sàng. Với khối lượng gần bằng 2/3 tổng sản lượng bình quân hàng năm của Việt Nam, robusta Brazil đang ‘làm giá’ trên sàn London. Giá nội địa cao, cà phê Việt Nam lại ở giai đoạn cuối vụ, tồn kho không còn nhiều, nên áp lực bán trên sàn robusta London chủ yếu từ Brazil, nước có sản lượng robusta lớn thứ hai thế giới. Một lợi thế khác của Brazil là khi giá arabica thấp, họ sẽ bán robusta và để lại arabica loại chất lượng thấp nhằm tiêu thụ trong nước.

Giả sử có lúc nào đó đồng nội tệ Brazil (Brl) mất giá so với Usd và giá arabica rẻ, chắc chắn nông dân Brazil không ngần ngại bán robusta. Chính vì thế, có thể thấy trước rằng giá kỳ hạn robusta khó tăng mạnh. Đặc biệt, mới đây, khi một số quỹ đầu tư hàng hóa như Deutch Bank quyết định ngưng hoạt động cung ứng vốn kinh doanh hàng hóa trong đó có các mặt hàng nông sản kể cả cà phê, sức mua của các công ty kinh doanh cà phê quốc tế cũng có phần nào chịu ảnh hưởng (về tín dụng).

Tính đến đầu tuần này, giá cà phê xuất khẩu giao về các cảng vẫn còn ở mức 34,7 triệu đồng mỗi tấn chưa tính phí tài chính và lợi nhuận. Điều này cho thấy rằng cà phê được giao dịch trong nước chỉ là các thương vụ ‘tay trao tay’ và tách rời phần nào các hoạt động xuất khẩu.

Giá cà phê nội địa có thể còn dâng cao nếu như giá kỳ hạn tăng. Tuy nhiên, mức tăng sẽ rất hạn chế vì áp lực bán robusta từ Brazil như trên đã nói.

Cũng có thể thấy rằng nếu như có một kỳ vọng nào đó để giá London tăng, thì chỉ còn sức mua bù thiếu (short covering) hàng giấy của các quỹ đầu tư trên sàn này. Tuy nhiên, nếu tăng mạnh, lại sẽ gặp lực chốt bán hàng thực (xuất khẩu) của Brazil.

Như vậy, một kỳ vọng cho giá xuất khẩu cà phê robusta Việt Nam lên 35,5 triệu đồng mỗi tấn xảy ra trong tuần này xem ra không phải dễ.

Nên xem thêm:

22/7/2019 Thị trường cà phê: Một tuần nhìn lại

15/7/2019 Xu hướng giá kỳ hạn cà phê tuần từ 15-19/7/19

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283

Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đang, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283, xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên bất kỳ mạng xã hội nào như Zalo, FB, Viber..

Hits: 286