(2-9-2017) Thị trường cà phê: Mua bán vẫn ế ẩm

Thị trường cà phê nội địa tại các tỉnh Tây nguyên có một tháng 8-2017 đầy sóng gió dù tháng 9-2017, tháng cuối cùng của niên vụ cũ 2016/17 mới bắt đầu.

Nhìn lại diễn biến tháng qua, dù tồn kho vụ cũ trong tay nhà vườn không còn mấy vì đã cuối mùa, giá cà phê trong nước chưa bao giờ lên được 47 triệu đồng/tấn như kỳ vọng của chính người có hàng đặt ra. Nhưng ngược lại mua bán sang tay cà phê nội địa với nhau đã có lúc chạm 43 triệu đồng/tấn. Hầu hết trong tháng giá quanh từ mức 44-46 triệu đồng/tấn.

Trên sàn kỳ hạn, tháng 8-2017 vừa qua vẫn còn trong thời gian nghỉ hè của nhiều công ty kinh doanh cà phê chuyên nghiệp trên thế giới, giá vẫn sôi động cả hướng tăng lẫn giảm.

Nếu như khởi đầu bằng mức đóng cửa 2104 và ngày 1-8 thì ngày 31-8 giá kỳ hạn robusta London chốt tại 2059 đô la/tấn. Tuy nhiên, dao động giữa mức cao và thấp nhất trong tháng trên 100 đô la/tấn giữa mức 2157 và 2053 đô la/tấn. Dù mỗi tháng chỉ có 4 tuần, mỗi tuần chỉ giao dịch 5 ngày, giá kỳ hạn cà phê London tháng qua nhún nhảy từ cao qua mức thấp và ngược lại đến 7 lần. Rõ ràng dao động như thế là rất bất thường giữa một tháng gần hết vụ và là tháng nghỉ hè.

Đóng cửa hai sàn kỳ hạn ngày cuối tháng robusta chốt mức 2059$/tấn và arabica New York 129.05 cts/lb. London cận mức thấp nhất trong tháng là 2053$ và New York mất gần 12 cts/lb so với đầu tháng.

Một điều đáng lưu ý khác trên thị trường cà phê thời gian qua là thông tin thiếu hàng được các hãng thông tấn và báo chí phát đi quá nhiều, nhưng giá kỳ hạn và giá nội địa cà phê vẫn loay hoay ở mức thấp. Đến ngày 1-9, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh sản xuất ở Tây nguyên vẫn quanh khu vực 44 triệu đồng/tấn, còn xa kỳ vọng đến 3 triệu đồng/tấn.

Lý do giá không tăng mạnh có thể do sức mua nhập khẩu của khách nước ngoài yếu trong khi hàng cà phê niên vụ mới ở Brazil đã ra rộ từ hơn hai tháng nay và hàng vụ mới của Việt Nam cũng gần kề đến thời gian thu hái.

Có nhận xét rằng rất có thể hiện tượng “bán dồn hàng cà phê vào trong tay một vài người có tiềm lực và khả năng tài chính để họ xây thành đắp lũy tồn kho, rồi một khi lượng tồn kho có đủ trong tay, chính họ là người kêu giá trong khi các nước xuất khẩu cứ tưởng thị trường nội địa khô hàng, chờ giá lên để bán lượng hàng còn mỏng trong tay và cứ tưởng mất mùa là được giá…” thì cách làm này cần được mỗ xẻ để tránh được các rủi ro về giá và về thị trường sau này, một chuyên gia ngành hàng nói vậy.

Thật thế, thị trường cà phê tại các nước sản xuất đang bị lèo lái bởi nhiều tay đầu cơ quốc tế. Song chính bản thân các nước xuất khẩu lại cứ tưởng đấy là do hoạt động của thị trường hàng hóa tự do, thì coi chừng nhầm to. Chính quan chức ngành hàng và các doanh nghiệp từng nước xuất khẩu phải bàn bạc bán cho ai, và không nên bán cho ai mới tránh được các bất cập ảnh hưởng không những đến chén cơm manh áo của nông dân mà còn tạo được cho ngành cà phê một thị trường người mua bền vững.

“Không nên đưa trứng vào một rỗ để giúp bạn hàng mình đầu cơ trên giá và thậm chí có thể gây nguy hạn cho thị phần của mình,” ông kết luận.

NGUYỄN QUANG BÌNH

Viber+Whatsapp+Tel: 094 9393 283

Xem thêm:

(1-9-2017)  Bình luận nhanh kỹ thuật giá cà phê trước mở cửa

(28-8-2017) Thị trường cà phê: Giá có khó đoán về kỹ thuật?

Nhận định giá cà phê thế giới tuần từ 28/08/2017 tới 02/09/2017

 

 

 

Hits: 112