Tổng cục Thống kê cho biết xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 1,42 triệu tấn, giảm 20% so với năm 2016.
Xuất khẩu giảm gặp giá trong chu kỳ giảm, điều này cho thấy rằng ảnh hưởng của yếu tố cung-cầu lên giá kỳ hạn là không đáng kể so với các tác động khác như chính sách tiền tệ các nước nhất là đồng Usd, luồng vốn phân cho các sàn hàng hóa khác có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Hướng giá trong những tháng đầu năm 2018 có tăng lại hay không còn phụ thuộc các yếu tố giá trị đồng Usd có tiếp tục yếu hay không, giá dầu thô và kim loại có hấp dẫn để hút bớt vốn từ các sàn cà phê hay không.
Một điều hy vọng cho giá cà phê ở tuần đầu năm 2018 là các quỹ đầu tư tài chính trên sàn arabica New York đang có lượng dư bán cao kỷ lục. Theo lẽ thường, họ phải giải phóng bớt vị thế bán bằng cách mua bù. Nhờ vậy, giá sàn này sẽ tăng. Hy vọng khi giá sàn arabica lên, sàn robusta được nhờ.
Lấy cơ sở giá cuối năm 2017 ở mức 36-37 triệu đồng/tấn, nếu như sàn robusta chịu đi chung đường tăng với sàn arabica, hy vọng sẽ có cơ hội lên 37,5 triệu đồng/tấn. Sở dĩ không thể dự đoán lên cao hơn vì sức ép bán cà phê vụ mới 2017/18 đang còn lớn trong khi lực mua của các nhà nhập khẩu đang hết sức cầm chừng.
Nếu vì lý do gì đấy mà để vuột cơ hội, giá cà phê nội địa vẫn phải lẩn quẩn tại khu vực 35-36 triệu đồng mỗi tấn.
Tóm lại, khả năng giá nội địa tăng mạnh trong giai đoạn này là rất khiêm nhường.
Nguyễn Quang Bình
Hits: 58