(30-12-2017) Thị trường cà phê: Một năm nhìn lại

Năm 2017, ai mua trữ cà phê đầu năm để cuối năm bán, đều phải chịu lỗ.

Thật vậy, giá kỳ hạn hai sàn sau một năm hoạt động: cà phê robusta giảm gần 20% và arabica mất 26%

Điều đáng ngạc nhiên là khối lượng xuất khẩu của hai nước hàng đầu thế giới là Brazil và Việt Nam đều giảm nhưng giá vẫn đi xuống.

Diễn biến giá thế giới

Kết quả giá đóng của ngày cuối năm 2017, cả năm 2017, giá trên sàn kỳ hạn robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu giảm 406 đô la Mỹ và sàn arabica New York mất 11.20 cts/lb hay 247 đô la mỗi tấn. Giá hai sàn cà phê đua nhau rớt dù có tin Brazil và Việt Nam mất mùa nặng.

Giá cách biệt giữa hai sàn co lại một cách bất lợi cho robusta sau khi giãn mạnh trong năm trước đó.

Trên thị trường cà phê, người ta sử dụng chỉ số giá cách biệt nói lên tính cạnh tranh của hai loại cà phê. Khi chênh lệch giữa hai sàn co lại, có nghĩa rằng giá arabica rẻ, khi giãn ra giá robusta hấp dẫn hơn. Như đến ngày 29-12, giá cách biệt giữa hai sàn cà phê là 48.26 cts/lb hay 1.063 đô la nhưng năm 2016 trước đó có lúc 1.764 đô la mỗi tấn hay 80 cts/lb. Giá cách biệt này cải thiện có lợi cho robusta vào những ngày năm cùng tháng tận 2017 so với đầu kỳ là 41.84 (xem đồ thị).

Đấy cũng là lý do tại sao trong năm 2017, khối lượng xuất khẩu cà phê robusta của Việt Nam giảm, chỉ chừng 1,42 triệu tấn so với năm 2016 là 1,7 triệu tấn do giá không hấp dẫn so với arabica.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) cho biết rằng tổng sản lượng so với tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2017 có nhỉnh hơn, gần 159 triệu 60 kg x bao so với 158 triệu bao, thừa 1 triệu bao. Khối lượng cà phê xuất khẩu niên vụ 2016-2017 đạt 120 triệu so với năm trước là 117 triệu tăng 3 triệu bao. Khi hai nước lớn là Brazil và Việt Nam không bán, các nước khác bán mạnh như các trường hợp của Colombia, Honduras (arabica) và Uganda (robusta).

Thị trường trong nước

Diễn biến đầu năm giá cao cuối năm giá thấp còn phản ánh trên thị trường cà phê nội địa. Ở những tháng đầu năm 2017, có lúc giá đạt đỉnh 46-47 triệu đồng như cuối năm chỉ còn 35,5 triệu đồng mỗi tấn. Đến đầu tuần cuối năm, giá cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây nguyên, vùng cà phê trọng điểm của Việt Nam ở quanh mức 36 triệu đồng mỗi tấn.

Năm 2017 cũng là năm chứng kiến hiện tượng biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng cà phê Việt Nam. Mưa bão trong thời kỳ thu hoạch tháng 12-2016 đã làm cho chất lượng giảm, cà phê phế phẩm nhiều, ít nhất cũng chừng 15-20% không xuất khẩu được để sử dụng nội địa.

Giá cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2 tối đa 5% đen bể từ trừ 45 đô la mỗi tấn so với giá niêm yết sàn robusta London thì đến cuối năm tuy giá thấp người mua đòi trừ thấp hơn, xuống trừ 65-70 đô la mỗi tấn.

Về hoạt động xuất khẩu, Nescafé, hãng công nghiệp thực phẩm quan trọng có cơ sở đầu tư lớn và bộ phận mua nguyên liệu cho hệ thống toàn cầu của họ tại Việt Nam đã quyết định không mua trực tiếp từ các nhà cung ứng Việt Nam mà chọn cách mua qua trung gian các công ty kinh doanh cà phê có gốc gác nước ngoài. Có thể do năng lực chế biến của Việt Nam chưa đạt yêu cầu trước tình hình biến đổi khí hậu và khả năng ứng biến thiếu linh hoạt của doanh nghiệp khi hàng không đạt yêu cầu, như mua từ nước khác để thay thế chẳng hạn, nên Nescafé đã chọn cách mua an toàn như họ đã từng làm cách nay chừng mươi năm.

Nhìn trước cho năm 2018

Tác động lên giá cả cà phê không chỉ do cung-cầu. Vả lại tin cung-cầu trên thị trường đến từ nhiều phía , cả bên mua lẫn bên bán, đôi khi rất trái chiều và càng lúc càng không đáng tin. Về cung-cầu, rõ ràng năm vừa qua cũng chưa có gì lo ngại dù nhiều người cho rằng tồn kho tại các nước sản xuất đã giảm thảm hại. Tuy nhiên, nhà sản xuất và kinh doanh cà phê cũng chưa tin vội vào điều này mà họ đang quan sát kỹ từ các góc độ khác.

Tồn kho cà phê tại các nước tiêu thụ đến nay vẫn còn 1,5 triệu tấn, tương đương với chừng 4 tháng hàng sử dụng cho chế biến, trong đó Bắc Mỹ còn 405 ngàn tấn, vẫn ở mức cao nhất tính từ trên 20 năm nay (xem hình 1). Tồn kho tại các nước xuất khẩu vẫn là dấu hỏi lớn mà thị trường thường gọi là tồn kho “giấu mặt” (invisible). Tồn kho này thường không tập trung, chỉ khi nào có điều kiện giá tăng hay biến động các đồng tiền nội tệ tại các nước xuất khẩu mới thấy tồn kho này ra thị trường.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất đồng đô la Mỹ lên lần thứ ba trong năm 2017 và dự kiến năm 2018 sẽ có ba đợt tăng nữa. Lãi suất đô la Mỹ tăng làm chi phí tài chính trong kinh doanh hàng hóa tăng, khả năng “chạy” tiền mua hàng khó nên thị trường thiên về bán, giảm trữ hàng.

Đồng nội tệ Reais của Brazil (BRL) càng về cuối năm càng giảm, mới đây tỷ giá VN đồng cũng giảm so với đồng đô la Mỹ, đấy cũng nên được tính tới vì nông dân bán hàng ra sẽ có thu nhập bằng đồng nội tệ tốt hơn.

Các quỹ đầu tư tài chính trên các sàn kỳ hạn cà phê đang trong đợt bán tháo khá mạnh. Lượng dư bán “hàng giấy” trên sàn arabica năm qua đi từ kỷ lục này sang kỷ lục, ước đến nay trên 55.000 lô hay gần 1 triệu tấn, trên sàn robusta cũng chừng trên 200.000 tấn. Đấy là các sức ép làm cho giá kỳ hạn hai sàn cà phê giảm trong dịp cuối năm 2017.

Dù sản lượng robusta Việt Nam có thể giảm mạnh trong những năm qua do giá một số nông sản khác hấp dẫn hơn như hồ tiêu, đào lộn hột, các loại cây ăn trái như sầu riêng, chanh dây…một diện tích không nhỏ của cây cà phê đã nhường đất canh tác cho các cây nói trên. Hiện tượng La Nina đang quay về hoạt động đầu năm 2018 sẽ tiếp tục gây khó khăn cho các nước trồng cà phê.

Tuy nhiên, sản lượng giảm không có nghĩa là giá phải tăng. Cần lưu ý rằng sàn kỳ hạn robusta London vừa qua đã quyết định chuyển điều kiện giao hàng từ FOB hay giao hàng qua lan can tàu sang FOT giao hàng lên xe/tàu lửa bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5-2018. Chi phí cho điều kiện giao hàng mới ước chừng 50 đô la mỗi tấn.

Người mua đang do dự chưa mua hàng vì đang muốn chuyền “quả bóng” hoặc chia chi phí trên cho người bán. Chính vì thế, cà phê vụ mới 2017-2018 đang ra hàng chưa bán được nhiều. Đây cũng chính là áp lực cho thị trường cà phê sắp tới, ít nhất trong nửa năm đầu 2018.

Có thể xảy ra trò chơi như thế này trên thị trường: khi hàng chưa xuất bán được, các quỹ đầu tư tài chính bán khống trên sàn hàng giấy, khi hàng thực bán ồ ạt đó chính là lúc họ mua vào. Nhìn chung, sức ép lên giá kỳ hạn còn khá dài ngày trong khi tài chính và lãi suất càng lúc càng khó khăn, gây cản trở cho hoạt động mua vào để kinh doanh xuất nhập khẩu.

Nên, nếu nhìn trên cơ sở mức giá hiện nay quanh 1.700 đô la mỗi tấn, dám nói rằng mức này vẫn chưa phải là đáy. Đồng thời, giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch với giá niêm yết của London chắc chắn theo hướng giãn ra hơn co lại, tức giá bán xuất khẩu may lắm ở mức hiện tại nhưng rất có thể bị trừ nhiều hơn. Giá dầu thô tăng đã đưa cước phí vận tải đường biển tăng cũng là một yếu tố cần tính tới vì ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán xuất khẩu.

Vậy, giả sử có một đợt phục hồi đáng kể nào đi chăng nữa cho giá cà phê kỳ hạn hay xuất khẩu, chắc phải đợi về cuối năm 2018 khi các nhà kinh doanh đã làm quen với khung giá mới.

Nguyễn Quang Bình

 

 

Hits: 50