19/2/2020 Corona đang “quậy tưng” kinh tế!

Ông bạn tôi, một hướng dẫn viên du lịch cho du khách nói tiếng Pháp, bỗng dưng mới đây khoe trên Facebook việc trổ tài nấu bún bò. “Giỏi hè!”, tôi khen. “Rảnh chứ giỏi cái quỷ gì!”, anh trả lời. Đang mùa cao điểm phục vụ khách du lịch “trốn lạnh”, nay phải thảnh thơi ở nhà bày trò nấu nướng.

Câu chuyện khác, một gia đình gồm ba anh chị em Việt kiều Mỹ về ăn Tết quê nhà. Họ định nán lại, rủ tôi cùng họ đi Buôn Ma Thuột xem tình hình sản xuất và chế biến cà phê hầu nối kết với thị trường Mỹ, bất ngờ đổi lịch bay về sớm hơn vì sợ con virus corona.

Tưởng từng việc là chuyện nhỏ, thuộc cá nhân, nhưng xem ra nhiều nơi, nhiều người đều đang bị ảnh hưởng, bị đình trệ công việc bởi dịch viêm phổi corona đang diễn ra.

Hèn chi mà ông Tập Cận Bình nói trong cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 28-1 với Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng “dịch bệnh này là một con quỷ và chúng ta không thể để con quỷ này ẩn náu”.

Tính đến 9 giờ sáng hôm nay, 13-2, cả thế giới đã có 60.017 ca nhiễm, số người tử vong là 1.353 người. Trung Quốc cũng như các nước trên thế giới đang làm mọi biện pháp phòng chống, dập dịch, nhưng bao lâu nữa mới chặn đứng con virus này thì hiện chưa có câu trả lời. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch đã khiến kinh tế của nhiều nước đang điêu đứng, khó khăn hiện ra từng ngày.

Như ngành nông nghiệp Việt Nam, ước tính xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc năm nay có thể giảm đến 800 triệu đô la Mỹ. Vấn đề là tình hình sẽ tốt hay xấu hơn còn phụ thuộc thời điểm nào dịch bệnh này được khống chế.

Rồi tới du lịch. Không chỉ ông hướng dẫn viên bạn tôi nói ở trên có thu nhập về “mo” mà cả ngành này đang sụt giảm doanh thu thấy thương, thiệt hại có thể đến hàng tỉ đô la chứ không ít.

Bản tin mới đây của một đài tiếng Anh đưa ra con số năm 2018, Trung Quốc có chừng 150 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài và chi tiêu 277 tỉ đô la Mỹ. Rõ ràng nếu nguồn khách này (và nguồn du khách nước khác) ngưng lại thì ngành du lịch nhiều nước bị tổn thất đáng kể.

Nước Úc ước tính năm nay mất chừng 14 tỉ đô la do vắng khách. Thái Lan ước tính đến tháng 6 năm nay, nếu dịch bệnh không chặn được, sẽ mất gần 10 tỉ đô la. Còn ở Mỹ, các chuyên gia kinh tế thấy trước mắt thu nhập du lịch từ khách Trung Quốc giảm 28%, tương đương với 6 tỉ đô la.

Hội đồng Lữ hành và Du lịch thế giới cho rằng phải mất 19 tháng mới lấy lại được lượng khách ban đầu; còn ngành du lịch Mỹ đoán phải chờ đến bốn năm sau mới phục hồi lượng khách Trung Quốc như trước đây.

Các chuyên gia kinh tế đã lo lắng thực sự. Nhiều vị cho rằng vai trò của nền kinh tế Trung Quốc đối với thế giới là rất lớn. Sự chi phối hàng hóa của Trung Quốc đến nay tăng gấp 4 lần, tương đương với 14.000 tỉ đô la chỉ sau 17 năm (2003).

Các hãng chế tạo ô tô ngoài Trung Quốc phải ngừng hoạt động vì không có phụ tùng phụ kiện đủ để lắp ráp. Riêng Mỹ, các hãng ô tô hàng năm phải nhập 15% linh kiện cho các bộ phận của xe. Những thiết bị điện tử gia dụng như máy tính, điện thoại thông minh, máy công nghiệp, thiết bị y tế… có đến 50% nhập từ Trung Quốc; nguyên vật liệu ngành dược phụ thuộc Trung Quốc đến 80%. Trên thị trường nội địa tại Trung Quốc, doanh thu hàng năm của Apple lên đến 44 tỉ đô la.

Nói vậy để thấy rằng nền kinh tế thế giới ngày nay nương tựa vào nhau là không thể tránh. Ông Tập đặt tên cho con virus này là con quỷ, ông ta hoàn toàn có lý vì nó làm hại nền kinh tế thế giới quá lớn.

Những phương án phục hồi nền kinh tế của từng nước đang được bàn rốt ráo. Nhưng các biện pháp tức thời nhằm làm liền mạch chuỗi cung ứng thì nhiều ngành nhiều nơi được cho là quá chậm.

Sản xuất kinh doanh hàng hóa và thâm nhập vào chuỗi cung ứng rất cần một hệ thống an toàn vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường…, thời nay hay gọi là “sản xuất bền vững”. Chắc chắn khách hàng sẽ tính toán lại liệu có nên đặt hết “trứng vào một rổ” khi mà dịch bệnh cứ làm “đứng chựng” dây chuyền sản xuất và cung ứng vốn vài năm lại nổi lên như có tính định kỳ: hết dịch SARS, cúm gà, dịch tả heo châu Phi, nay đến dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra…

Riêng về bản thân từng người và gia đình, trước con virus nguy hiểm này, một mặt cần bình tĩnh, một mặt phải thực hiện thật tốt các biện pháp phòng ngừa. Kể chuyện vui nhưng nghiêm túc: Cách nay mấy hôm, họp chung với nhiều người cao tuổi về phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, có người ho sù sụ nhưng vẫn thích cầm micro phát biểu.

Tôi ghé tai nói với người có trách nhiệm tổ chức họp rằng càng ham họp, ham nói, giành micro bao nhiêu thì khả năng lây nhiễm nhiều bấy nhiêu!

PHẠM KỲ ANH, trên TBKTSG số 7-2020

Hits: 37