02/3/2023 Xuất khẩu cà phê và nhiều nông sản khác giảm. Do đâu?

Bộ NN-PTNT cho biết bức tranh hàng hóa xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay tăng giảm đan xen, có nhiều mặt hàng tăng nhưng cũng có rất nhiều mặt hàng giảm. Những mặt hàng tăng như: chè, rau quả (tăng 17,8%), sắn (tăng 32,7%), sữa (tăng 10,2%), thịt và phụ phẩm (tăng 14,2%); và giảm là: cà phê, cao su, gạo, hạt điều, hạt tiêu, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre… với mức giảm từ 10 đến 64%.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản cả nước tháng 2/23 đạt trên 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ 2022 và tăng 18,1% so với tháng 1-2023. Trong đó, nhóm nông sản chính là 1,79 tỷ USD (tăng 25,9%); chăn nuôi 29 triệu USD (tăng 46,5%); lâm sản chính chỉ đạt gần 872,1 triệu USD (giảm 10,7%); thủy sản đạt 550 triệu USD (giảm 13,1%).

Như vậy, “cà phê, cao su, gạo, hạt điều, hạt tiêu, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, sản phẩm mây tre… với mức giảm từ 10 đến 64%…”. Một nước mạnh về xuất khẩu nông sản, càng ngày càng có vai trò lớn đối với thị trường thế giới, nhưng tại sao lại để nhiều nông sản giảm cả về khối lượng lẫn kim ngạch đáng ngại như thế.

Vai trò ngân hàng và lãi suất ngân hàng cao chính là một cản trở, không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận vốn để thu mua, chế biến để xuất khẩu.

Nhìn qua Indonesia, lãi suất điều hàng hiện nay vẫn dừng tại mức 5,75%/năm trong khi tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp cho rằng phải vay với lãi suất 12%/năm. Hôm qua, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia cho rằng từ tháng 8/22 đến nay, lãi suất tại Indonesia đã tăng 2,25% và vậy là đủ để ổn định cho hoạt động kinh tế và chính sách tiền tệ dù Fed có thể tăng lãi suất đến tháng 6/23.

Nông sản là những mặt hàng chịu áp lực cạnh tranh và thị trường dễ bị thay thế. Nếu không có một chính sách tiền tệ ủng hộ và bảo vệ với lãi suất vừa phải để giúp doanh nghiệp và nông dân “thở đủ”, thì không mấy chốc nhường sân cho các nước cạnh tranh khác và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bấy lâu nay biến khỏi thị trường, lấy đâu mà mơ nông nghiệp là “bệ đỡ cho nền kinh tế”?

Chính vì vậy, đã có tiếng kêu từ hội nghị giữa doanh nghiệp với ngành ngân hàng mới đây tại TPHCM như sau:…”làm sao doanh nghiệp trong nước có thể tồn tại, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài khi mức lãi suất vay trung và dài hạn ở ngưỡng 7%-16%/năm (tùy từng thời điểm)? Trong khi đó, các doanh nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… chỉ phải vay vốn với mức lãi suất 2%- 5%/năm.

Lấy cớ chống lạm phát dù năm rồi, theo Tổng cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,15% so với năm trước, lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%, ngân hàng trong nước “pha” nguyên tắc lãi suất thực dương. Báo Kinh tế Sài gòn 02/3/23 trong bài “Chung quy cũng vì…lãi suất” rất có lý khi nói:

“Từng có chuyên gia kinh tế khẳng định, không doanh nghiệp nào có thể sống nổi với lãi suất cho vay đến 15-16%/năm. Và như thế, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các khoản vay từ bên ngoài bằng ngoại tệ có lãi suất thấp hơn nhiều, sẽ ngày càng lấn lướt khu vực doanh nghiệp nội địa. Người dân cũng không mặn mà bỏ vốn làm ăn khi họ có thể để tiền nhàn rỗi trong ngân hàng hưởng lãi cao.”

Nhìn từ xuất khẩu nông sản giảm, nói thẳng rằng không phải doanh nghiệp tồi, nông dân tệ, mà xuất phát từ vấn đề lãi suất để tình hình xuất khẩu nông sản ra nông nổi này.

==

NGUYỄN QUANG BÌNH

0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài viết này hoàn toàn miễn phí với tâm niệm người viết nỗ lực chuyển tải những tin tức mới nhất về thị trường và những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường cà phê trong thời gian gần cũng như xa. Nên nó hoàn toàn không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…

Hits: 524