Cục Phát triển Cà phê Uganda, nước sản xuất cà phê robusta số 1 tại châu Phi hiện nay quyết định không tham gia Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) từ ngày 01/02/2022. Lý do rời tổ chức này chưa được tiết lộ. Trước đây Tanzania cũng đã chính thức làm đơn rời tổ chức này. Colombia đã từng bóng gió rằng họ cũng không thiết tham gia ICO. Người ta đang lo ngại một khi Uganda rời tổ chức ngành hàng quan trọng trực thuộc Liên hiệp quốc, sẽ kéo theo nhiều nước sản xuất và xuất khẩu cà phê tại châu Phi.
Có lẽ lý do sâu xa là đã rất nhiều lần ICO không thành công trong điều hướng giá cà phê thế giới, ít ra là đủ để bảo đảm sinh kế cho nông dân cà phê cho một nước, khu vực nào đó chứ chưa dám nói toàn cầu. So với Tổ chức Các nước sản xuất dầu thô thế giới (OPEC), vai trò và uy lực của tổ chức bạn vẫn còn rất tốt và hữu ích cho các nước sản xuất và xuất khẩu mặt hàng dầu thô dù thế giới đang chuyển sang thời kỳ phát triển kinh tế “giảm khí thải”, tức ít sử dụng dầu thô hơn.
Tuy nhiên, lý do trực tiếp nhất có thể là Uganda và một số nước muốn tập trung nguồn lực để phát triển cà phê bền vững và đặc sản. Thành viên ICO hàng năm phải đóng niên liễm dựa trên khối lượng xuất khẩu. Là thành viên ICO, mỗi năm nước ta phải đóng trên dưới mươi tỷ đồng. Tuy nhiên, đã từ lâu, nông dân không mấy khi được tiếp cận các thông tin, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và kinh doanh cà phê từ ICO thông qua đại diện của ngành cà phê là Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) . Trong khi đó, phát triển cà phê đặc sản hiện là một hướng đi được nhiều nước chọn lựa kể cả Brazil để tăng tính bền vững và nâng cao giá trị hạt cà phê của từng nước.
Trong khi sinh kế người trồng cà phê quá bấp bênh trong một thời gian rất dài do giá thị trường rớt mạnh và đại dịch Covid-19, thay vì dùng tiền đóng góp của nông dân qua xuất khẩu để nộp niên liễm cho ICO, cần chăng Việt Nam tạm thời nên tính chuyện rút khỏi ICO để tập trung nguồn lực phát triển cà phê đặc sản và các chương trình sản xuất bền vững thiết thân hơn cho nông dân.
Thiết nghĩ đóng góp vì sự phát triển chung cho toàn ngành cà phê thế giới là cần thiết. Nhưng qua hàng chục năm có đi nhưng không có lại, người làm ra hạt cà phê càng ngày càng mất quyền quản lý giá cả thị trường, thậm chí có lúc còn tạo nguy cơ cho sinh kế của người trồng cà phê, thì nên xem lại việc tham gia vào ICO để hàng năm đóng niên liễm cả chục tỷ đồng mà nông dân không hưởng được gì thì có nên tiếp tục hay không.
==
NGUYỄN QUANG BÌNH
0949393283
Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đăng, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả. Bài này không có dụng ý sử dụng để kinh doanh dù bất kỳ dưới hình thức nào.
Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283. Xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên các mạng xã hội như Zalo, FB, Viber…
Hits: 630