14/04/2021 Nhận định giá cà phê thế giới từ 12-17/04/2021: Giá tăng khi đà bán khống có chiều hướng giảm.

Photo: NQ DISON - Iphone

Diễn biến thị trường cà phê tuần qua: Hai sàn cà phê đều có giá tăng   

Chỉ số chứng khoán Âu Mỹ tuần qua chứng kiến giá nhiều phiên đạt kỷ lục. Ngay cả tại châu Âu, trước đây ít sóng gió, thì tuần trước nhiều sàn chứng khoán cũng đạt đỉnh kỷ lục mới. Đó là nhờ niềm tin về tăng trưởng kinh tế thế giới khá mãnh liệt vào nửa cuối năm nay, mặt khác thị trường nhận được nhiều hứa hẹn bởi các chính sách tiền tệ cực kỳ hào phóng và uyển chuyển từ các ngân hàng trung ương. Ngoài ra, cũng cần ghi nhận rằng chương trình tiêm chủng vắc-xin chống Covid-19 của ít nhất bốn nước hàng đầu EU thực sự tăng tốc từng ngày, đến nay đã tiêm chích từ 13%-15% dân số, dĩ nhiên độ cách biệt về lượng người nhận mũi vắc-xin ở đây còn xa so với với Mỹ, Anh Quốc hay Israel.

Thống đốc Ngân hàng châu Âu Christine Lagarde dự đoán mức tăng trưởng kinh tế tại các nước sử dụng đồng Euro sẽ “rất nhanh”. Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt mức kỳ vọng rằng tăng trưởng cho vùng này là 4.4% ngay trong năm 2021.

Nhìn chung, lạc quan đi cùng chiều với chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, về mặt thị trường, dòng vốn hầu như đổ vào các sàn chứng khoán đang tăng nóng. Chính vì vậy, nhiều sàn hàng hóa đành phải nhường bước và chờ thời. Thị trường cà phê không ngoại lệ dù mười ngày đầu tháng có kết quả tăng sau một tháng Ba đầy sóng gió.

Giá trị chỉ số đồng Usd (DXY) quay xuống dưới 93 điểm cũng giúp giá hàng hóa không thể rớt sâu. Thật ra, giới kinh doanh đầu tư vào đồng Usd cũng tỏ ra lo ngại khi phát hiện vị thế đồng Usd yếu dần khi các ngân hàng trung ương nhiều nước giảm dùng nó trong giao dịch chuyển đổi. IMF cho biết tỷ lệ sử dụng Usd như một đồng tiền dự trữ giảm chỉ còn 59% tính đến cuối năm 2020, mức thấp nhất tính từ 1995. Người ta đang nghĩ do thâm hụt thương mại của Mỹ và tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc đã làm giảm uy lực của đồng Usd. Phải chăng vì vậy mà Mỹ cấp tập bung tiền để phát triển kinh tế nhằm điều chỉnh thực tế này.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Xuất khẩu cà phê Brazil tăng mạnh nhưng Việt Nam giảm

Thống kê từ chính phủ Brazil cho biết nước này đã xuất khẩu 241.589 tấn tăng 32,30% trong tháng 03/2021. Đây là một tháng Ba có lượng cà phê xuất khẩu cao nhất lịch sử nhờ năm 2020 được mùa lớn. , Xuất khẩu cà phê Việt Nam ước đạt 145.000 tấn giảm 21,10% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, ba tháng đầu 2021, Việt Nam chỉ xuất khẩu 428.000 tấn giảm 17% thu được 771 triệu Usd, giảm 11,3% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Các sàn giao dịch phái sinh mạnh tay cắt lượng hợp đồng mua

Sàn giao dịch phái sinh London mới đây tăng mức ký quỹ ban đầu (initial margin) thêm 132 Usd lên 1.045 Usd/hợp đồng kích thêm một đợt bán từ các nhà đầu tư để duy trì vị thế mua bán (1). Thật vậy, vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính trên sàn cà phê London tính đến 06/04 đã chuyển từ vị thế dư mua sang dư bán, tức từ 132.870 tấn mua khống qua 5.300 tấn bán khống. Trên sàn arabica, họ cũng cắt gần một nửa lượng hợp đồng dư mua để còn chừng 5 nghìn hợp đồng.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này: sàn arabica New York là 111.668 tấn so với tuần trước là 110.735 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London giảm còn 147.420 tấn so với tuần trước là 148.370 tấn.

Giá cả

Mười ngày đầu tiên của tháng 04/2021, dù dòng vốn bị hút qua các sàn giao dịch tài chính khác như chứng khoán và tiền ảo, giá hai sàn cà phê vẫn tăng nhẹ. Đặc biệt, các quỹ đầu tư trên sàn London đã chuyển sang vị thế bán khống, nhưng kết quả chung cuộc trong kỳ vẫn tăng.

Từ nay, nhận định sẽ dựa trên giá giao dịch cơ sở tháng 07/2021 vì các hợp đồng tháng 05/2021 đã chuẩn bị vào kỳ thông báo giao hàng.

-Giá robusta London tăng 13 chốt tại 1.363 Usd/tấn trong biên độ dao động cao/thấp nhất 1.379/1.341.

-Sàn arabica New York tăng 5.60 cts/lb hay 123 Usd/tấn với biên độ dao động 130.70/122.50.

Giá phái sinh tăng, thị trường cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ trong nước lên quanh mức 32,5  triệu đồng/tấn, tăng 0,5 triệu đồng.

Giá xuất khẩu cùng loại được bên mua chào mức +80/+100 Usd/tấn FOB (bao đay), từ vững đến tăng nhẹ so với tuần trước đó.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 12-16/04/2021: Liệu có phục hồi từ vùng này?

Hình như sau khi phát hiện bán thanh lý quá mạnh tay, các quỹ đầu tư trên sàn London đã giảm ngay trong thời điểm khóa sổ vị thế kinh doanh của mình vì ngày 06/04, khi chạm đáy 1.341, một đợt mua lại đã giúp cho giá tăng mạnh ngay hôm ấy.

Vả lại, trên sàn arabica New York, lực mua trong tuần trước đã trở lại khi không phá được vùng hỗ trợ 122.50 cts/lb để lên trên 130 cts/lb.

Đó cũng là cơ sở để có thể tin rằng giá robusta London có khá nhiều khả năng phục hồi từ khu vực này. Dù cách đáy chỉ 22 Usd (1.363-1.341), nếu dựa vào các biểu hiện trên, hiện nay mất 1.341 là khó.

Tuy nhiên, để lấy được đà tăng, những ngày đầu tuần, London cần phải vượt khỏi khu vực 1.370-1.375 mới kích được các quỹ đầu tư tài chính mua lại. Nhưng họ chỉ thực sự mua mạnh để chống lỗ khi vượt khỏi 1.400-1.406. Trường hợp không vượt 1.395 mà quay đầu, thì nên hiểu rằng thị trường chỉ loanh quanh trong vùng tích lũy 1.345-1.395. Như vậy, có thể nói rằng hai mốc 1.345 và 1.400 là rất quan trọng trong tuần này. Nếu lúc nào đó giá đóng cửa London cơ sở tháng 07/2021 qua khỏi 1.345 và 1.400, sẽ còn đi thêm 40 Usd nữa.

Các quỹ đầu tư đã giảm hợp đồng dư mua liên hồi nay chuyển sang vị thế dư bán, chỉ số DXY dịu lại, dòng vốn trên các sàn chứng khoán hình như đã ắp sức mua, hướng phục hồi và tăng trên London trong tuần này xem ra đầy hứa hẹn.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Nhìn trước một số hệ lụy khi hàng không đi khỏi cảng

Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của thị trường xuất khẩu là giá cước vận tải cao. Các nhà nhập khẩu chỉ mua vừa đủ cho các hợp đồng để giao hàng cần kíp. Chính vì vậy, thị trường cà phê hàng thực trong nước không mấy sôi động vì có muốn bán cũng không mấy ai dám mua. Lượng tồn kho cà phê robusta tại châu Âu vơi khá nhiều, kể cả hàng trên sàn. Trong khi đó, lượng arabica từ Brazil mỗi lúc một nhiều, nhất là arabica chế biến khô. Điều này cho thấy thách thức đối với thị phần robusta của Việt Nam trong khi vụ robusta mới từ hai nước sản xuất robusta lớn nhì là Brazil và ba tức Indonesia sau Việt Nam đang chuẩn bị thu hái.

Thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển cao nằm ngoài tầm kiểm soát của từng doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng nếu không được giải quyết ở tầm cao hơn, có thể đoán sẽ xảy ra nhiều hệ lụy như:

-Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu giảm và không mua hàng, nông dân “tắc” đường bán để có tiền tái đầu tư vụ mới. Vì chưng, hàng mua vào không đi được, doanh nghiệp không kham nổi gánh nặng của lãi suất ngân hàng.

-Thị phần cà phê Việt Nam sẽ giảm, nhường bước cho các nước sản xuất khác cạnh tranh.

-Điều đáng lo nhất là một khi thấy không có hàng robusta đều đặn tại các nước tiêu thụ, một số nhà rang xay sẽ tính đến chuyện thay thế robusta bằng arabica chế biến khô giá rẻ. Một khi công thức chế biến của các nhà rang xay được thay đổi, thì cà phê robusta Việt Nam không chỉ tắc dường ra một năm mà phải tính đến cả chục năm sau.

Giá cà phê trong nước tuần qua vẫn được giữ vững và tăng nhẹ, nhưng lượng bán không nhiều.

Dự kiến giá cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ tuần này dao động trong vùng 32-33 triệu đồng/tấn, 0,5 triệu cao hơn so với tuần trước.

Nguyễn Quang Bình

Hits: 91