17/6/19 Thị trường cà phê từ 10-14/06/19: Mất giá tuần thứ hai liên tiếp.

Thị trường cà phê trong nước tuần qua không thể đứng vững trước hai sàn kỳ hạn cà phê robusta và arabica đi theo chiều giảm mạnh. Đến cuối tuần trước kéo sang tuần này, giá trị cà phê tại nhiều nơi ở vùng sản xuất trọng điểm Tây Nguyên mất chừng 1,5 triệu đồng mỗi tấn so với tuần kết thúc ngày 07/06/19, đứng chung quanh mức từ 31,1-32,7 triệu đồng mỗi tấn.

Giá robusta xuất khẩu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao về các kho cảng quanh TP. HCM và tỉnh Bình Dương chừng 33,1 đến 33,5 triệu đồng mỗi tấn. Như vậy, bình quân giá cà phê xuất khẩu nói trên đạt mức 1.431 Usd/tấn (tỷ giá Vietcombank: VndUsd 23.265), cao hơn mức đóng cửa sàn kỳ hạn ngày 14/06 đến 39 Usd/tấn cơ sở giao dịch tháng 09/19. Nếu so với giá chào xuất khẩu thực tế (+80/+90 Usd/tấn FOB so với giá niêm yết London), mức này là hoàn toàn hợp lý vì phải cộng với chi phí làm hàng, tài chính và lợi nhuận dự kiến thu được.

Trên các sàn kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York, bảy ngày qua là tuần thứ hai liên tiếp chứng kiến giá giảm. Tính theo giá đóng cửa, sàn robusta, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, cả tuần kết thúc 14/06 mất 63 Usd chốt tại 1.392 Usd/tấn với dao động trong biên độ cao/thấp nhất 1.468/1.388 (+/-80 Usd). Cùng thời gian ấy, sàn arabica mất 5.55 cts/lb hay 122 Usd/tấn chốt tại 98.05 cts/lb với biên độ cao/thấp nhất 105.75/97.95 (xem hình 1).

Giá kỳ hạn yếu do thị trường đang chuyển tháng giao dịch chính từ 07/19 sang 09/19. Hạn chốt giá các hợp đồng xuất khẩu arabica cơ sở giao dịch kỳ hạn tháng 07/19  theo sàn New York là ngày 20/06, còn robusta tham chiếu sàn London vào ngày 25/06/19. Thường thời gian trước ngày hết quyền chốt giá theo từng kỳ hạn đã định, những hợp đồng treo mua (long position) phải tất toán bằng cách bán ra. Sức bán trong kỳ mạnh hơn ngày thường, nên giá kỳ hạn chịu áp lực giảm là chuyện đã được đoán trước.

Mặt khác, chỉ số đồng Usd tuần qua từ khu vực đáy 96,50 tăng dần lên 97,58 trong ngày 14/06 để đóng cửa mức 97,57 điểm (hình 1 – phía trái) cũng tạo áp lực cho các quỹ đầu tư tài chính trên sàn bán ra, mạnh nhất trong hai ngày giao dịch cuối tuần trước. Khi giá trị Usd tăng, chi phí tài chính tăng, sức mua giảm, nhiều nhà đầu tư phải bán bớt tồn kho để cân bằng vị thế giữa hàng và tiền. Đó có thể là 2 lý do chính để giá kỳ hạn cà phê rớt giá tuần thứ hai liên tiếp.

Ngoài ra, thời tiết Brazil tỏ ra thuận lợi cho đợt thu hái arabica trong những ngày cuối tháng 06 và đầu tháng 07/19, mùa cao điểm thu hoạch tại nước sản xuất và xuất khẩu số một thế giới.

NGUYỄN QUANG BÌNH, trích từ NCIF 17/6/19

Hits: 217