12/8/2019 Thị trường cà phê: Nhìn lại tuần trước, đoán hướng tuần này

Tuần từ 05-10/08/19: Giá cà phê đi về hướng thấp.

Phiên giao dịch ngày 10/08/19 là lần thứ năm liên tiếp giá London có kết quả cuối tuần giảm sau khi chạm đỉnh cao nhất 1.493 và đóng cửa mức 1.444 Usd/tấn vào ngày thứ Sáu 05/07/19.

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê robusta London và arabica New York tuần trước đều mất giá. Cả tuần, robusta mất 12 Usd chốt tại 1.296 và lập đáy tại 1.289, đấy cũng là mức thấp nhất tính từ gần 3 tháng nay. Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng, sàn này mất trên dưới 200 Usd/tấn (hình 1 – phía phải).

Giá arabica cả tuần giảm 0.85 cts/lb hay 19 Usd/tấn chốt tại 97.30 cts/lb, thoát mức thấp nhất tính từ hai tháng rưỡi nay được lập trong tuần là 94.30 cts/lb (hình 1 – phía phải).

Thị trường tài chính thế giới có một phen hoảng loạn khi Ngân hàng nhà nước Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) để 1 Usd ăn trên 7 CNY lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ tính từ 2008. Dòng vốn trên thị trường đổ về sàn kim loại vàng và một số đồng tiền mạnh để tìm đường trú ẩn, giá cổ phiếu và nhiều sàn phái sinh nông sản rớt mạnh, hai sàn cà phê không được hưởng biệt lệ.

Cùng lúc đó đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) rớt mạnh so với Usd, từ 3,7 Brl ăn 1 Usd xuống gần 4 Brl (hình 1 – phía trái). Đồng Brl mất giá giữa lúc cà phê Brazil đang vào chính vụ. Safras&Mercado, hãng phân tích thị trường cà phê Brazil ước niên vụ 2019-2020 của nước này đạt trên 3,53 triệu tấn cà phê trong đó có 1,1 triệu tấn robusta. Theo họ, đến cuối tuần trước, tổng diện tích thu hoạch đạt 93% và robusta xem như đã hoàn thành. Đồng Brl yếu thúc đẩy lực bán xuất khẩu tăng nhất là khi cà phê vụ mới đang đầy kho.

Mặt khác, do bất ổn về kinh tế toàn cầu bị qui do thương chiến Mỹ-TQ nay có khả năng đi đến chiến tranh tiền tệ, các quỹ đầu tư tài chính trên sàn cà phê tranh thủ bán thanh lý và bán mới, đưa lượng dư bán (net short) của sàn robusta London lên mức cao kỷ lục, tính đến ngày kết sổ vị thế kinh doanh hàng tuần ngày 06/08/19, họ đã nâng lượng dư bán lên 43.814 hợp đồng tức 438.140 tấn so với kỷ lục trước đây là 41.336 hợp đồng.

Cũng cần biết rằng ngày 27/08/19 sẽ là ngày thông báo giao hàng đầu tiên cho tháng giao ngày 09/19. Các quỹ đầu tư đã bắt đầu bán thoát (chuyển từ tháng 09/19 sang các tháng sau) trong khi áp lực chốt bán các hợp đồng giao sau của các nước sản xuất chỉ mới bắt đầu. Như vậy, lực bán trên sàn London sẽ xuất phát từ 3 ‘mũi giáp công’: các quỹ đầu tư theo dòng vốn, Brazil vào chính vụ và bán thoát các hợp đồng ‘treo’ trên sàn.

Dù giá các sàn kỳ hạn cà phê giảm, giá cà phê nội địa vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng 33,5-34 triệu đồng mỗi tấn. Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ được chào bán xuất khẩu ở mức cộng bình quân 150 Usd/tấn trên giá niêm yết sàn London. Đây là mức cao hiếm thấy từ trước tới nay cho loại cà phê robusta chất lượng trung bình của Việt Nam.

Thị trường cà phê nội địa không thể rớt sâu dù khả năng giá kỳ hạn còn xấu hơn.

Tuần trước, giá cà phê trong nước đứng vững trong vùng 33,5-34 triệu đồng mỗi tấn. Có được vậy là nhờ giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ được bán rất cao, cộng 150 Usd/tấn trên giá niêm yết.

Nhu cầu bán không mạnh, nhất là khi giá kỳ hạn quá thấp, cộng với giá đầu vào cao, nên giá kỳ hạn càng thấp càng không có hàng ra.

Tình trạng ấy có thể vẫn tiếp tục xảy ra trên thị trường cà phê trong nước tuần này. Giả sử có lúc giá về 1.250 đi nữa, giá cà phê nội địa khó xuống dưới mức hỗ trợ ‘cứng’ hiện nay là 33,5 triệu đồng mỗi tấn. Vả lại, nếu như London xuống 1.250 chẳng hạn, giá xuất khẩu sẽ được chào với mức cộng cao hơn, như từ +150 lên +170/180 kể cả khả năng +200 Usd/tấn trên giá niêm yết sàn London chẳng hạn.

Như vậy, dù giá kỳ hạn tăng hay giảm, giá cà phê nội địa sẽ có hướng từ đứng giá và tăng. Nhưng một khi London có cơ hội lên 1.350-1.370, tại sao không tính chuyện giá cà phê nội địa lên 35 triệu đồng mỗi tấn?

Nguyễn Quang Bình

0949393283

Lưu ý bạn không được quyền trích đăng bài vở trên trang này vì đã có bản quyền. Muốn trích đăng, chép lại, mong bạn lịch sự xin phép tác giả. Một khi trích đang, sao chép, nhất thiết phải ghi nguồn và tên tác giả.

Mọi thắc mắc xin gọi cho điện thoại theo số 0949393283, xin lỗi không sử dụng tin nhắn và hội thoại trên bất kỳ mạng xã hội nào như Zalo, FB, Viber..

Hits: 429