Nhận định giá cà phê thế giới từ 05-10/08/2019: Bức tranh kinh tế vĩ mô phức tạp ảnh hưởng xấu đến giá cà phê

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 29/07-03/08/19: Giá cà phê rớt trên nền một bức tranh kinh tế vĩ mô nặng màu tối.

Hình 1

Theo lẽ thường, giá trên các sàn phái sinh hàng hóa trong đó có nông sản phải khá hơn khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất cơ bản đồng Usd. Nhưng giá cà phê không theo đúng như qui luật thường thấy.

Sau hơn 11 năm, Fed đã quyết định giảm giảm 25 điểm phần trăm đối với lãi suất cơ bản đồng Usd xuống còn 2-2,25%. Giới kinh doanh cà phê kỳ vọng giá tăng, nhưng thực tế ngược lại.

Cuộc thương chiến Mỹ-TQ chưa tìm ra một giải pháp hòa dịu nào sau vòng đàm phán của 2 bên ở Thượng Hải trong tuần qua. Mỹ quyết định áp 10% thuế nhập khẩu trên 300 tỷ Usd giá trị hàng hóa từ TQ, có hiệu lực bắt đầu từ 01/09/19, trước đây đã một lần áp tăng 25% đối với 250 tỷ Usd giá trị hàng hóa nhập khẩu từ TQ. Tin ấy đã gây áp lực mạnh trên các sàn chứng khoán và phái sinh hàng hóa thế giới với hệ lụy của nó có thể còn lâu dài.

Đồng nội tệ Brazil giảm dần xuống còn 3,89 Brl ăn 1 Usd kích thích nông dân nước này đang có hàng sẵn mới thu hoạch bán mạnh để tranh thủ giá cao nhờ đồng Brl rẻ (hình 1).

Những yếu tố ấy tác động mạnh đến giá cà phê và kết cục là giá cà phê yếu dần.

Tuần trước, giá đóng cửa kỳ hạn cà phê tiếp tục giảm: London mất 32 Usd/tấn chốt tại 1.312, New York rớt 1.60 cts/lb tức 35 Usd/tấn đứng tại 98.15 cts/lb tương đương với 2.164 Usd/tấn. Phiên giao dịch cuối tuần trước, hai sàn chứng kiến một đợt củng cố sau khi London giảm xuống mức sâu nhất tính từ 11 tuần nay, còn ngày 01/08/19 New York chạm mức thấp nhất tính từ một tháng rưỡi đổ lại (hình 1).

So với thế cân bằng, chênh lệch giữa giá arabica với robusta quá hẹp, robusta đắt hơn, khiến Brazil bán mạnh robusta (hình 1).

Dù sàn kỳ hạn robusta có giá thấp, giá cà phê nội địa cả tuần trước vẫn đứng ở mức cao, từ 33-34,5 triệu đồng mỗi tấn, không giảm mấy so với tuần trước đó dù có tin xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 07/19 ước đạt 165.000 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, hàng chủ yếu đi từ các kho ngoại quan nên con số không phản ánh đúng với thực tế mua bán: rất chậm do tồn kho cuối niên vụ không còn mấy.

Dự báo tuần từ 29/07-03/08/2019: Củng cố tăng, nhưng hướng lên chưa rõ ràng.

Hình 2

Đứng trên cơ sở ngày giao dịch gần nhất (02/08) với giá kỳ hạn robusta London đóng cửa tại 1.312 (cao/thấp nhất 1.325/1.292) mà đoán cho diễn biến tuần này, có thể thấy rằng thị trường chủ yếu theo hướng xuống. Tuần trước, có khi London để mất chốt quan trọng như 1.311, 1.300, 1.294 để chạm 1.292 , đó như là một báo trước giá còn rớt nữa.

Trong tuần này, nếu như lúc nào đó London mất 1.284, đấy là dấu hiệu tìm về 1.267 (đáy tháng 07/19). Kênh xuống có thể kéo dài đến khu vực +/-1.250 (hình 2).

Hướng lên, London phải lội ngược dòng với các mức cao ở rất xa như 1.359/1.369 (điểm chuyển hướng từ thấp lên cao), rồi các đỉnh cũ 1.373-1.376 (hình 2) trong khi đó mức để kích các quỹ đầu tư mua phải ở mức 1.388 (MA 20 ngày).

Một số yếu tố tích cực có thể xuất hiện ngay đầu tuần khi lượng dư bán của các quỹ đầu tư tài chính phình ra lớn, từ 300.550 tấn lên 366.150 tấn tương đương với 36.615 hợp đồng (10 tấn = 1 hợp đồng) tính để ngày khóa sổ 30/07/2019.

Biên độ dao động dự kiến của sàn London giữa cao và thấp nhất cho tuần này là 1.365-1.270.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Chỉ giảm nếu giá đóng cửa London mất đáy tuần trước.

Như phần 1 đã nói, giá London giảm, thị trường nội địa vẫn vững nhờ lực bán không mạnh. Giá London yếu đa phần là do lực bán mạnh từ Brazil vì giá cách biệt giữa 2 sàn quá hẹp và đồng nội tệ Brazil xuống, bất lợi cho giá robusta.

Nếu như London có dịp tăng nhờ các quỹ đầu tư mua bù mạnh, giá nội địa có thể không chỉ dừng lại đỉnh 34,5 triệu đồng mỗi tấn như tuần trước mà có thể lên 35 triệu.

Nhưng một khi London quay về dưới 1.292 Usd/tấn, đó là dấu hiệu cho một đợt xuống sâu hơn. Bấy giờ sẻ ảnh hưởng mạnh về tâm lý. Khi ấy, giá kỳ hạn robusta có thể xuống sâu nhưng không dưới 33 triệu đồng mỗi tấn.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 389