12/11/2019 Người trồng tiêu than thở

thị trường cà phê
vườn hồ tiên Dak r'moan Daknong . Ảnh NQB

Cứ tưởng hồ tiêu không có sàn phái sinh lấy đô la Mỹ làm đồng tiền giao dịch thì chắc giá cả thị trường thế giới và trong nước sẽ có phần ổn định hơn. Suy nghĩ ấy đến nay rõ ràng không đứng vững. Giá còn phiêu lưu và yếu hơn cả cà phê.

Điều chỉnh cung-cầu chưa có tác dụng

Việt Nam vẫn là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xuất khẩu chừng 237 ngàn tấn cả tiêu đen và tiêu trắng, chiếm 58% thị phần toàn cầu.

Dù diện tích hồ tiêu đang trên đà giảm rất mạnh, từ 152 ngàn héc-ta năm 2018 (nguồn Tổng cục Thống kê), đến nay VPA cho biết Việt Nam chỉ còn chừng 140 ngàn héc-ta. Xảy ra nghịch lý là lượng xuất khẩu vẫn tăng 43 ngàn tấn (+22%), nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 603 triệu đô la Mỹ (-6,7%) so với cùng kỳ năm 2018 (1), nguy cơ rớt hạng khỏi câu lạc bộ xuất khẩu trên 1 tỷ đô la như những năm trước.

Điều này cho thấy rằng cán cân cung-cầu sẽ cân đối và giảm cung nhanh về sau này. Còn lượng xuất khẩu tăng thời gian qua có thể được giải thích do tồn kho lớn dồn lại từ các niên vụ cũ khi người người ồ ạt tăng diện tích nhờ giá hồ tiêu cao ngất ngưởng.

Về giá nội địa, nếu như đầu năm nay, giá còn tại mức 48-49 triệu đồng mỗi tấn, thì  giá hồ tiêu thương phẩm xuất khẩu hiện nay tại nhiều nơi trong nước quanh mức 40 triệu đồng/tấn. Nhìn vào hướng giảm, nhà vườn không khỏi “phát hoảng” vì ở thời hoàng kim 200-220 triệu đồng/tấn, xuống “một thôi” 40 triệu, nhưng không ai dám chắc rằng đà rớt “phanh” tại đây.

Hoang mang cung cầu

Đắk Nông là tỉnh mới thành lập sau khi tách khỏi Đắk Lắk. Lúc chuyển thành đơn vị hành chánh mới cũng là khi giá hồ tiêu “vượn”. Nhiều địa phương trong tỉnh đã đầu tư trồng hồ tiêu rất mạnh để biến hồ tiêu thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nhiều huyện thị như Đắk Song, Gia Nghĩa đã phát triển ồ ạt cây “tỷ đô” này. Nhưng đến nay, nhiều nhà vườn tỏ ra đuối sức vì nợ nần chồng chất, nợ vay ngân hàng để trồng hồ tiêu sợ không đủ trả lãi chứ chưa nói đến choàng vốn.

Anh Tâm, một nhà vườn tại xã Đắk R’ Moan đã vay ngân hàng trên 400 triệu đồng để trồng hơn 1 héc-ta hồ tiêu. Nay phải gởi hai đứa con về quê nội ở xứ Quảng vì giá kiểu này “chạy cơm” không đủ cho chúng. Vừa qua, có người cùng quê bị tai nạn xe, anh muốn kiếm chút tiền góp chung cùng bà con trong xóm đưa đồng hương đi bệnh viện ở TP. HCM cấp cứu, nhưng không thể kiếm đâu ra vài trăm ngàn. Giá xuống đều đã tạo nên những tình huống éo le, nhưng anh vẫn nói: “Mình làm mình chịu”.

Chỉ còn vài ba tháng nữa, mùa thu hái hồ tiêu trong vùng lại bắt đầu. “Giờ này mà giá cả thế này, thì huống hồ khi vào vụ,” anh chắc lưỡi ngao ngán. Anh Tâm đã nghĩ tới chuyện trước khi và lúc vào chính vụ, thương lái có thể trả 36-38 triệu đồng mỗi tấn. “Người trên ngân hàng đã tính việc giúp tôi và đồng nghiệp qua khỏi cơn khó khăn. Nhưng đã xem trồng hồ tiêu là các nghề cái nghiệp, sao anh em chúng tôi bỏ được! Bỏ nghề thì lấy gì ăn!”, anh giãi bày.

Nhưng cái lo lớn của nhà vườn trong vùng và bản thân anh Tâm chưa phải là giá mà chính là thị trường chung.

Dù biết bao lần được dự hội nghị, nhà vườn như anh đều được nghe báo cáo cung vượt xa cầu, nên về đường dài giá hồ tiêu còn giảm nữa!

Cung nhiều cầu ít, giá giảm là đúng rồi. Nhưng giá thấp mà thương nhân và các nhà xuất khẩu giữ cho được thị trường, phát triển mạng lưới bán mạnh, thì nhà vườn cũng bớt phần nào tâm lý lo sợ hàng mình làm ra không ai mua.

Một điều ước…

Khi hỏi một điều ước về thị trường tiêu dựa trên thực tế giá cả hiện nay, anh Tâm nói thẳng rằng: “Giá thấp thì đã thấp rồi. Chỉ mong các nhà xuất khẩu đừng bán khống trước một lượng lớn như mặt hàng cà phê trước đây. Hiện nay giá hồ tiêu được xem như ở đáy tính từ mức trên 200 triệu đồng/tấn xuống tận mức này. Chính do bán khống trước với giá hôm nay, áp lực lên giá hồ tiêu khi vào chính vụ sẽ rất lớn theo hướng tiêu cực”.

Nên chăng, điều ước của nhà vườn là mong Nhà nước làm cách sao đó ngồi lại với năm, bảy doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất, tìm phương cách hỗ trợ tín dụng, lãi vay ngân hàng…Khi cần là họ có tiền ngay để mua bán ngay, và khuyên họ đừng bán khống như những năm trước. Hệ lụy là giá hồ tiêu sẽ bị áp theo mức bán thấp với lượng lớn, giá khó “thăng” trong khi vườn hồ tiêu chung quanh đang…tiêu do thiếu vốn chăm sóc.

Điều ước của nhà vườn chắc đúng. Diện tích hồ tiêu Việt Nam đang giảm dần. Với mức giá hiện nay, hồ tiêu chỉ còn 140 héc-ta. Nếu thị trường cứ như thế này, không bao lâu diện tích hồ tiêu cả nước chỉ còn 100.000 héc-ta. Bấy giờ, cung-cầu được điều chỉnh. Nhưng “nếu cung-cầu đã tương đối cân bằng mà giá cứ thấp lè tè như vầy, thì đó chỉ có do cách mua bán như hiện nay”, anh Tâm đưa cái lý cho điều ước của mình.

==

(1) http://peppervietnam.com/so-lieu-xuat-khau-ho-tieu-tu-thang-1-den-thang-9-2019/

NGUYỄN QUANG BÌNH, bài đăng trên
THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN 31/10/19

Hits: 88