(TBKTSG Online) – Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã được trình với Quốc Hội ngày 29-5-2019 để chờ phê duyệt. Trong đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu đang được cộng đồng quan tâm. Tùy quyết định của các dân biểu đang nhóm họp tại Hà Nội, lộ trình được đề nghị cho nam nếu mỗi năm tăng thêm hoặc 3 hay 4 tháng, thì đến năm 2028 hay 2026 sẽ áp dụng đại trà, tương ứng với nữ 4 hoặc 6 tháng với 2035 hay 2030.
Thật ra, chuyện nâng tuổi hưu trước sau rồi cũng phải xem xét. Hãy xem bảng kê trên, từ lâu rất nhiều nước đã nâng tuổi về hưu thường được dựa trên dự báo tốc độ già hoá của dân số quốc gia và tuổi thọ bình quân của người dân.
Từ cuối thập niên 2000, rất nhiều nước phương Tây đã nâng tuổi nghỉ hưu lên 63 đến 67, nhưng còn vài nước, có thể vì ỷ lại vào độ trẻ dài lâu của dân số hay sao đó, đến nay họ vẫn còn giữ mức tuổi hưu 60 cho nam và 55 cho nữ như Việt Nam hiện nay.
Đã đành tuổi thọ bình quân người Việt Nam nay đã được nâng lên rất nhiều, tới 76,6 tuổi, nhưng vẫn chưa hết ái ngại rằng cấu trúc việc làm và tiền lương vẫn còn theo kiểu ‘’bênh phú phụ bần’’.
Trong một nền kinh tế mà các doanh nghiệp tư nhân, thường là nơi thu hút lượng lao động phổ thông, lao động tay chân nhiều nhất, vẫn chưa được thể chế bảo vệ và bênh vực đầy đủ, việc kiếm tiền chân chính còn rất chua, thì làm sao tránh khỏi trường hợp lương công nhân chỉ ‘’dăm cọc ba đồng’’.
Biết lao động là vinh quang, nhưng lương tháng của công nhân nhiều ngành như xây dựng, may mặc… ngay đến cả nhân viên văn phòng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ… chưa tiêu đã hết. Có nhiều nơi còn ‘’động viên’’ công nhân làm ngoài giờ quá sức nhưng họ chỉ trả lương giờ phụ trội rẻ mạt… thì xin nói thật khi ‘’vinh quang’’ còn ngời ngời ra đó, đời đã rõ khổ. Đi làm lương thấp không đủ ăn, tiền học cho con không đủ đóng, có khi đếm lui đếm tới rách cả tờ tiền, lương làm thêm giờ bị chặn trước chặn sau, nay kéo dài tuổi làm việc mới nghe là đã nghĩ đến một thứ khổ khác. Đó là chưa nói đến những lao động làm công việc nặng nhọc và trong một môi trường độc hại… đôi khi chưa sờ được lương hưu đã phải tạ thế, “quỷ chưa ra mà ma đã bắt’’ là vậy! Đến hết tuổi lao động, liệu lương hưu còm cõi do thu nhập thấp, đóng bảo hiểm ít, liệu có cơ sở để tin nghỉ hưu là ‘’cải được số khổ’’, tìm được hạnh phúc khi về già… hay chỉ kéo dài thêm năm tháng lo toan?
Đối với người lao động có thu nhập thấp, nghĩ đến cái ăn khi về hưu dễ khiến họ rùng mình. Nhưng cái lo nhất của họ là bảo hiểm y tế! Liệu bấy giờ tiền hưu nhỏ nhoi của họ có đủ để trang trải khi đau ốm, khi cả ngành y tế quốc gia hiện nay đang chạy theo thị trường dưới cái ‘’mác’’ xã hội hoá?
Suy cho cùng, bao lâu các doanh nghiệp tư nhân chưa được tạo điều kiện làm ăn, chưa được tự do theo ý nghĩa đúng đắn và trân trọng của từ này, thì lương người làm, công nhân sao mà cải thiện? Khi cấu trúc tiền lương chưa coi trọng người lao động chân tay, thì khi về hưu khó có một tuổi già ‘’sống vui quầy cùng con cháu’’.
Xem ra người lao động lương thấp khi về hưu khó hưởng được cuộc đời còn lại an tâm, công bằng theo như kỳ vọng lúc họ còn làm việc.
NGUYỄN QUANG BINH, TBKTSG 30/5/19
Hits: 19