Trên vườn cà phê đêm khuya nghe kể chuyện

Nguyễn Tấn Vinh, chuyên gia rang cà phê robusta cự phách

Mấy con chim lúc rúc trên cành cây bơ (avocado) như muốn tìm chỗ trú đêm. Lá bơ và những cụm hồ tiêu cao phủ trùm đám cà phê thấp lè tè. Cây lá trong vườn vẫn chưa kịp lại sức sau trận nắng nóng kéo từ Tết đến nay, dù vừa rồi đã có trận mưa được nhà vườn coi như một ân huệ trời ban.

Vinh lúi húi dưới cái chòi được thiết kế gọn gàng như một nhà sàn của đồng bào dân tộc trong vùng. Da anh bắt đầu sạm đen đến khó nhận ra đó là một chuyên gia rang cà phê vối (robusta) đẳng cấp số 1 thế giới được nhiều bậc thầy chế biến cà phê gán cho.

Hầu như giới chế biến cà phê rang xay thế hệ mới từ Nam chí Bắc không mấy ai không biết Nguyễn Tấn Vinh. Họ đều gọi anh là “thầy” dù có đến lớp với anh hay không. Thế mà anh chàng lúc ở thành phố không khác gì một thư sinh luôn khoác áo blue trắng như ông thầy thuốc hiền từ vào phòng mỗ mỗi khi vào xưởng rang xay của chính anh tại TP Thủ Đức, sạch tinh tươm như một phòng thí nghiệm, quyết định bỏ chốn phồn hoa lên rừng sản xuất và mày công tìm những loại cà phê ngon nhất.

Cả bốn tháng nay, từ trước Tết Nhâm Dần, anh lăn lộn trên miếng vườn để giúp bà chủ vườn “Hạt ngọc Cao Nguyên” (Highlands Pearl) tổ chức thu hái và sản xuất chế biến sao cho ra những hạt cà phê mà nhà vườn mong ước sẽ là những hạt cà phê vối thơm ngon nhất để phục vụ người tiêu dùng.

Cùng lúc đến vườn “Hạt ngọc Cao Nguyên”, tôi còn bất ngờ hơn khi có một nhóm ba bốn bạn trẻ, người báo có tiệm cà phê ở TPHCM muốn uống thử cà phê của chính mảnh vườn này, người hàng ngày chỉ biết uống cà phê ngon và sạch, lên tận khu vườn nhỏ thó 1,7 ha nằm khuất sâu trong xã Cư Suê thuộc huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc, cách trung tâm Buôn Ma Thuột chừng hơn 15 cây số . Tất cả khách không hẹn mà gặp, đều muốn thử ly cà phê xem vì sao bà chủ vườn lại cho là “hạt ngọc”.

Cà phê, rồi hồ tiêu đều đã qua mùa thu hoạch. Chỉ còn một số cây ăn quả trong vườn vẫn được hái lai rai mỗi khi trái chín. So với vườn chuyên canh, đó chẳng thua gì một vườn tạp. Có lẽ chủ vườn Lê Huỳnh Thanh Huệ cố ý trồng theo kiểu “thuận thiên”, nên cứ tưởng chủ nhà thiếu ngăn nắp. Mà thiệt vậy. Cả mấy năm nay, vườn không hề sử dụng phân bón hóa học hay bất kỳ một loại thuốc trừ sâu diệt cỏ nào, lá khô và cỏ giữ ẩm cho đất đầy vướn. “Tôi quê miền Tây. Cha mẹ từ Trà Vinh lên Buôn Ma Thuột sinh sống nên tôi ra đời và học hành tại phố núi cho đến lớn. Về TPHCM học đại học nông lâm. ra trường, đi kiểm định cà phê, rồi làm cho một công ty kinh doanh cà phê nước ngoài lương tháng vài ngàn đô la…Thời ấy, có lúc phải thử nếm mỗi năm hàng trăm tấn cà phê, hóa chất và những thứ độc hại có khi làm cháy cả cổ họng. Thế là từ đó, “máu” trong người thay đổi. Quê cha gọi hột lúa là hạt ngọc, và chén cơm sạch nhà trồng vào miệng ngọt lừ. Thế thì tại sao không làm cho hột cà phê Tây Nguyên trở thành “hạt ngọc” của đất, của trời và chính của đạo đức con người.” Vinh nói trong trăn trở.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần…”. Bà chủ vườn đệm thêm. “Thoạt đầu, anh Vinh giải thích phải sản xuất thu hái cà phê, hay bất kỳ một cây trái gì trong vườn, cũng nên xuất phát từ cái tâm. Anh không cho sử dụng bất kỳ loại phân hay hóa chất độc hại nào. Thu hoạch, anh bắt hái 100% trái chín. Thấy trái có lỗi, phải lượm ra. Cả mấy chục dàn phơi, mỗi ngày phải thuê năm sáu nhân công để đảo, có lúc có ông công nhân quá bực vì bắt đảo liền liền, đòi trả tiền lương rồi nghỉ ngay vì không bao giờ cho phép để nhiệt độ cà phê đang phơi trên 60 độ C…Rồi đến chọn kích cỡ hạt, rang một mẻ bao nhiêu lâu, độ nóng mấy thì vừa, cà phê nào thì rang cho uống phin, cái nào uống qua máy…Gu uống, người nói ngon theo cách này, người nói thơm theo cách khác, nhưng đó là định tính…Thế mà vị ngon vị ngọt cần phải được định lượng để sao cho cuối cùng người uống cà phê không trách đắng như thuốc kí-ninh (quinine) mà có hậu vị ngọt dịu chứ không nhất thiết trộn với đường ăn như thói quen nhiều người nay vẫn thường dùng,” chị kể.

Trái cà phê vốn là một loại quả, thực phẩm, các vị chua, ngọt, đắng, chát…phải là từ chính bản chất của chính loại cây trái ấy. Người sản xuất và chế biến cà phê ít được dịp kể tường tận công sức mình làm, đắng cay mình nhận. Nhưng ngay trên mảnh đất mình, bà chủ vườn nay ngồi bên ly cà phê, được dịp kể hết cho khách thăm nghe từ chuyện tỉ mẩn trong sản xuất đến niềm vui vỡ òa khi thưởng thức được ly cà phê thơm phức, vị ngọt nội tại của hạt cà phê lan trong miệng, tràn xuống cổ họng một cách chan hòa.

Đêm chùng xuống nhanh, chim đã ngủ say trên đất lành. Trong căn nhà sàn, bên ly cà phê chúng tôi nghe kể chuyện cà phê, khuya đến lúc nào chẳng hay.

NGUYỄN QUANG BÌNH,

Bài đã được đăng trên TC Kinh tế Sài Gòn bản in số 14-2022

Hits: 326