(TBKTSG Online) – Thế giới không đâu không có hàng quà rong. Quy mô nhỏ là gia đình, lớn là cả một cộng đồng dân tộc thường thích lấy cái ăn, cái tinh tế của thực phẩm của nhà mình, xứ mình làm niềm tự hào riêng vì không nơi nào có, có khi ẩm thực được nâng lên thành “quyền lực mềm” trong các mối quan hệ ngoại giao và thương mại.
Thức ăn đường phố cũng là nét văn hóa bản địa của từng địa phương. Ảnh: TL |
Đối với một nước ở khu vực châu Á gió mùa, nhiệt độ không khí ẩm thấp, thì ẩm thực vỉa hè không chỉ là một nét văn hóa mà còn là “một phần tất yếu của cuộc sống”!
Có lẽ tửu điếm, nhà hàng… chỉ là cách dịch vụ kinh doanh ăn uống được “nhập khẩu” từ những quốc gia bè bạn xứ lạnh vào Việt Nam thời gian sau này. Thử hỏi giữa một bầu không khí nóng hâm hấp, bước ra đường phố, kiếm một ly cà phê sữa đá, uống một hơi cho đã khát, giải tỏa hơi nóng ra khỏi thân tâm… thì cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng làm sao! Có lẽ vì điều này, tại nhiều nước trên thế giới, từ châu Âu đến Bắc Mỹ… đã du nhập kiểu uống ấy về và nay có người thưởng thức sành điệu đã sử dụng đúng cái từ “cà phê sữa đá” bằng tiếng Việt để kêu thức uống khoái khẩu ấy cho mình ngay tại trong quán ở đất nước họ.
Thức ăn đường phố là một phần tất yếu của cuộc sống dân Việt vì nếu nghĩ sâu hơn, gánh bún, xe bánh mì, thùng kem, thúng xôi, chén nước chè xanh… chính là sinh kế của biết bao nhiêu người và gia đình, có khi kéo dài cả mấy thế hệ. Gặp đúng cái thời công nghiệp hóa, do điều kiện sinh hoạt không cho phép, nhiều người phải đành “cơm đường cháo chợ” dù rất muốn tạo bữa cơm gia đình.
Hơn thế nữa, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn là một đầu ra quan trọng cho nhiều mặt hàng nông, ngư, lâm nghiệp và thổ sản với tư cách là một “ngành” chế biến và tiêu thụ tức thời và hiệu quả nhất.
Nhiều người tin rằng khủng hoảng đầu ra của một số mặt hàng nông sản như nải chuối, trái dưa, củ cà rốt trong thời gian qua sẽ càng tệ hơn… nếu như không có sự ra tay “cứu trợ” của nhóm “bán hàng rong”.
Tuy là một nước mạnh về nông nghiệp, chim muông cây trái quanh năm luôn luôn nảy nở sinh sôi tươi tốt, ngặt nỗi nằm trong vùng thời tiết khí hậu khắc nghiệt, chưa kịp chế biến bảo quản là sản phẩm đã nhanh hư thối. Giá cả mua bán nông sản lại bấp bênh do phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, trong khi phương tiện và công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch lại chưa được hiện đại, thì mảng kinh doanh và phục vụ thức ăn đường phố không “tất yếu” là gì!
Thức ăn đường phố người Việt quả thật đa dạng và phong phú. Vấn đề còn lại là cách tổ chức, quảng bá làm sao để thu hút được khách hàng tiêu thụ cuối cùng.
Vừa qua, phong trào nhượng quyền trong khu vực mua bán dịch vụ thức ăn đường phố tăng mạnh như các hợp đồng nhượng quyền chuỗi quán trà sữa, cà phê, phở, chả giò… Đấy là một tín hiệu vui vì đó chính là cơ sở ban đầu cho thức ăn đường phố nước nhà vươn xa ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Biết đâu nhờ hoạt động nhượng quyền, các chuỗi cung cấp thức ăn đường phố trở thành những thương hiệu lớn sẽ có tên và xuất xứ Việt Nam.
NGUYỄN QUANG BÌNH (Bài được đăng trên TC KTSG ngày 17/11/2017
Hits: 79