Giá cà phê robusta loại 2 tối đa 5% đen bể một số nơi ở Tây nguyên, vùng sản xuất cà phê trọng điểm của Việt Nam được chào bán quanh mức 45,5 triệu đồng/tấn, cao hơn tuần trước 1 triệu đồng/tấn. Như vậy, giá loại này giao tại các kho quanh khu vực cảng xuất khẩu như TPHCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai chừng 46 triệu đồng/tấn vào cuối tuần này (17-06-2017).
Trên sàn kỳ hạn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê mua từ Việt Nam thường sử dụng làm giá tham chiếu, vượt được qua mức tâm lý quan trọng 2.000 đô la Mỹ/tấn, giá kỳ hạn London thực sự có một cuộc bùng nổ tuần qua để có lúc lên 2149 đô la và phiên cuối tuần chốt mức 2125 đô la/tấn cơ sở tháng 9-2017.
Trong khi đó, giá kỳ hạn arabica chuyển qua thế yếu để cả tuần mất 2.9 cts/lb hay 64 đô la/tấn chốt tại 125.95 cts/lb, biểu lộ kỹ thuật giá sàn này tiếp tục xấu.
Tin xuất khẩu cà phê robusta của Brazil trong tháng 5-2017 vừa qua giảm trầm trọng, chỉ đạt chưa đến 1.180 tấn, giảm 71,2% so với cùng kỳ năm trước, cộng với tin cho rằng hiện tượng các nhà xuất khẩu Việt Nam đang thiếu hàng giao, phải mua từ trong kho các nhà nhập khẩu nước ngoài đang cất trữ hàng trong nội địa nước Việt Nam, đã làm thị trường lo lắng.
Giá chào cà phê robusta loại 2 xuất khẩu giao tại kho người bán quanh khu vực các cảng giao hàng chừng cộng 10/20 đô la/tấn điều kiện giao hàng qua lan can tàu FOB, so với giá mua vào khi đầu niên vụ mới 2016/17 bắt đầu từ 1-10-2016 là trừ 80/100 đô la/tấn, mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra chừng 100/120 đô la/tấn.
Có một số thông tin cho rằng rất nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam cần mua hàng giá cao để giao vì đã đến hạn và trên thị trường nội địa lượng tồn kho trong tay nông dân không mấy.
Tuy nhiên, một chuyên gia ngành hàng cho rằng tin ấy chưa chuẩn. “Đúng là một số nhà xuất khẩu đang thiếu hàng loại tốt, chất lượng đòi hỏi không mốc và tỷ lệ phần trăm đen bể ít. Họ bán khống loại cà phê tốt ấy đầu mùa vì nghĩ rằng thời tiết không tệ. Nhưng thật không may mắn. Mưa kéo dài ở thời điểm thu hái rộ làm chất lượng cà phê năm nay không đồng đều. Thiếu là thiếu hàng loại đó,” vị chuyên gia nói.
Cũng theo ông, “xuất khẩu ngược” từ kho ngoại quan vào lại thị trường nội địa chẳng qua là một hình thức kinh doanh dựa trên chênh lệch giá, tức là ở đâu nhà kinh doanh thấy có lời là bán chứ chẳng quan trọng gì đến tác nghiệp xuất nhập khẩu. “Thay vì chở qua kho thuộc sàn kỳ hạn ở châu Âu với chi phí chuyên chở, giá bán loại 2 theo qui định của sàn là trừ 30 đô la/tấn điều kiện giao hàng vào kho tại cảng đến cộng phí bảo hiểm hàng hóa (CIF), thì người ta bán trao tay ở đây, không tốn phí mà lời to, khỏi vướng thủ tập nhập xuất kho châu Âu rườm rà.
Đã từ vài năm nay, hình thức mua bán cà phê dựa trên chênh lệch giá phát triển rất mạnh. Thường chúng ta tưởng hàng cà phê Việt Nam bán vào kho ngoại quan rồi là giống như đã xuất khẩu, là đương nhiên đi khỏi Việt Nam. “Nói về thủ tục, qui trình, lý thuyết, đúng nó là như thế. Nhưng hàng ‘xuất khẩu’ ấy không đi xa, chỉ quanh quẩn trong nước, hễ thuận giá và có lời đôi chút, người mua nước ngoài có tiền và biết sử dụng công cụ kinh doanh, sẽ đổ ngược bán lại cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Hình thức mua bán này hoàn toàn không có lợi cho một nước xuất khẩu nông sản cà phê như Việt Nam, đặc biệt với tư cách là nhà cung ứng lớn loại cà phê robusta” vị chuyên gia nói.
Tóm lại, qua một tuần, giá cà phê kỳ hạn London tăng thêm trên 100 đô la/tấn (2021-2125), giá nội địa đã vươn lên lại mức 46 triệu đồng/tấn. Có lẽ từ mức này trở lên, thị trường nhộn nhịp trở lại.
NGUYỄN QUANG BÌNH
Hits: 117
1 Trackback / Pingback
Comments are closed.