Diễn biến giá cà phê tuần từ 19-24/03/2018: Một tuần thị trường hội tụ nhiều yếu tố tiêu cực
Chỉ đến ngày cuối tuần 23/03, giá kỳ hạn cà phê London và New York mới suy sụp hoàn toàn. Chính quyền Mỹ quyết định áp thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung quốc trị giá ước đến 60 tỉ Usd. Trung quốc cũng không vừa, đáp trả với một danh sách hàng hóa Mỹ chịu thuế nhập khẩu để trả đũa.
Trước đó, vào ngày 21/03, vị chủ tịch mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng Usd thêm 25 điểm phần trăm, mức hiện thời trong khoảng 1,50-1,75%. Thị trường và quan chức thuộc Fed dự kiến năm nay còn từ 2 đến 3 lần tăng, năm 2019 thêm 3 lần và năm 2020 với 2 lần tăng, để còn cả thảy từ 7 đến 8 lần. Chắc chắn về lâu về dài, giá hàng hóa nông sản sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Theo lẽ thường, khi lãi suất Usd tăng, chi phí tài chính và khả năng tiếp cận tín dụng của các nhà kinh doanh và đầu tư giảm, người trữ hàng thường phải bán ra để giảm gánh nặng chi phí tài chính, đó là lý do chủ yếu để giải thích vì sao khi đồng Usd tăng, giá hàng hóa nông sản thường chịu “lép vế”.
Chỉ số Usd cuối tuần trước giao dịch quanh mức 89-90 điểm so với cuối năm 2017 quanh mức 94-95 điểm (xem hình 1).
Nghe lãi suất đồng Usd tăng, đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) tức tốc xuống, từ 3,20 Brl ăn 1 Usd thì tuần qua có lúc 3,31 Brl. Đấy cũng là yếu tố làm giá cà phê arabica xuống vì nông dân Brazil bán ra thu hồi đồng tiền nội tệ nhiều hơn, gây sức ép lên sàn kỳ hạn New York. Sàn này vốn thường có sự tương tác rất chặt chẽ với sàn robusta London.
Cà phê là mặt hàng nhạy cảm với tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ, nay gặp phải cảnh này, dù cố gắng trụ đến ngày thứ Năm 22/03, bấy giờ giá đóng cửa sàn robusta còn 1742 Usd mỗi tấn, thì đến phiên cuối tuần trước giá robusta London hoàn toàn suy sụp với mức thấp nhất 1671 Usd để đóng cửa chốt 1690 Usd, giảm so với tuần trước đó 45 Usd (xem hình 1).
Giá cà phê robusta yếu còn do giá kỳ hạn arabica tại New York mất các mốc hỗ trợ quan trọng là 118.30 và 116.90 cts/lb.
Thị trường cà phê trong nước đến sáng 26/03 chỉ còn quanh 35 triệu đồng mỗi tấn, mất 1,5 triệu chỉ sau 7 ngày giao dịch.
Dù tuần qua, các nhà xuất khẩu Việt Nam bán ra không nhiều, giá kỳ hạn vẫn rớt thê thảm do sự hội tụ các yếu tố tiêu cực như trên đã nói cộng với một lượng bán khống không nhỏ từ các nước chuẩn bị ra mùa mới robusta khác.
Dự báo tuần từ 26-30/03/18: Tìm yếu tố tích cực trong hoàn cảnh khó khăn
Ngày cuối tuần trước, cả hai sàn cà phê về mặt kỹ thuật mà nói nhanh chóng chuyển qua pha tiêu cực. Lý do: Cả New York và London phá các mức hỗ trợ quan trọng như New York 118.30 và 116.90 cts/lb, London 1711, rồi 1700 và 1678. Giá chỉ phục hồi không đáng kể khi đóng cửa.
Hình 2
Như thế, cả hai sàn đã chọn hướng đi trước mắt cho mình khi phá rào dưới để xuống sâu.
Riêng sàn robusta London, phá thế 1678, London dừng lại 1671 để rồi phóng lên lại 1690. Hãy xem đó là một biểu hiện tích cực như trước đây nó đã từ chạm 1678 rồi vùng mạnh dậy ngay hôm “ngã ngựa” (xem hình 2). Có thể kỳ vọng rằng ở mức 1690, với lực bán ít từ các nước sản xuất, với gánh nặng bán quá mức trong tuần trước, với lượng dư bán khổng lồ trên sàn New York, hy vọng giá London có pha phục hồi trong tuần này.
Cứ vượt khỏi và đóng cửa trên các mức chắn cũ, góp thêm một hy vọng cho giá đi xa hơn. Đó là các mức 1764/1794.
Cũng cần nhớ rằng khi chạm 1671, giá kỳ hạn robusta London xuống mức sâu nhất tính từ cả năm nay (xem hình 2)
Thị trường cà phê trong nước: Giá xuống thấp, thị trường yên ắng
Dù suốt cả tuần giá kỳ hạn London trong thế yếu, giá cà phê trên thị trường nội địa vẫn cố giữ mức 36,5-37 triệu đồng mỗi tấn để giao về các cảng quanh TPHCM mức 37,3-37,5 triệu đồng mỗi tấn.
Giá cà phê nội địa chỉ giảm mạnh vào dịp cuối tuần đến đầu tuần này khi giá London giảm mạnh. Tuy nhiên lực bán ra tại vùng nguyên liệu không nhiều, không tạo được sức ép giảm nữa. Đến sáng 26/03 giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ giao về TPHCM quanh mức 36 triệu đồng, mất 1,5 triệu đồng mỗi tấn.
Một nghiên cứu thị trường tiêu thụ cà phê cho biết Hàn Quốc, một trong mười nước hàng năm nhập khẩu cà phê hàng đầu từ Việt Nam có mức tiêu thụ tính trên đầu người nước này tăng mạnh. Với 82% dân số sống tại các thành thị, mỗi năm mỗi người Hàn quốc uống 512 cốc cà phê, so với 377 cốc cách đây dăm năm. Không chỉ Hàn Quốc, các nước châu Á được cho là hướng mở rộng thị trường tiêu thụ cho cà phê thế giới vốn mỗi lúc sản lượng mỗi tăng nhờ chương trình tái canh. Hàng năm, Hàn Quốc nhập khẩu cà phê 20% từ Brazil và 19,2% từ Việt Nam.
Đây chính là cánh cửa cho giá cà phê thoát khỏi mức thấp. Nhưng nếu như mua bán vẫn phụ thuộc quá với hình thức bán nguyên liệu như hiện nay mà không tìm một hướng khác, giá cà phê xuất khẩu vẫn chưa thể cất cánh một cách bền vững như mong muốn.
NGUYỄN QUANG BÌNH, trên NCIF 26/03/2018
Hits: 409
2 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.