Nhận định giá cà phê thế giới từ 31/10-05/11/2022: Thị trường còn quá vọng động.

Tác giả NQB. Ảnh Lê Hoàng Nhi

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giá cà phê rớt về mức thấp nhất tính từ trên cả năm nay

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 01/23 và New York tháng 03/23)

Thị trường tài chính có một tuần biến động dữ dội. Hoạt động luân chuyển dòng vốn trên các sàn giao dịch, từ ngoại hối đến chứng khoán, đến các sàn hàng hóa thương phẩm, làm cho sóng chỗ này dâng cao, thì chỗ khác phải ngập chìm trong mất mát.

Thật ít khi thấy giới đầu tư tài chính và những người kinh doanh có liên quan lại sống trong môi trường huyên náo và mất tập trung như những ngày gần đây.

Giá nhồi lên được tại sàn này thì lại sụp sâu ở sàn khác. Sau một tuần, chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones tăng 5,7%, S&P 500 tăng 4%, dầu thô WTI tăng 3,9% nhưng kim loại vàng giảm 0,5% và…hai sàn cà phê thiệt thòi lớn: sàn robusta giảm 7,36% (-147 USD/tấn), giá arabica giảm 9,71% (-18,05 cts/lb hay giảm gần 400 USD/tấn).

Giới kinh doanh tài chính đang đặt cược vào đợt tăng lãi suất với 75 điểm phần trăm cho lần thứ tư và tin đó là lần cuối cùng trước khi Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) nhẹ tay hơn. Đúng hay không thì phải đợi thêm vài ngày nữa khi FED họp và bỏ phiếu. Tâm lý thích đoán gây nên bồn chồn và vô hình trung đã gia nhiệt thêm cho tâm lý bồn chồn của chính họ.

Ngân hàng trung ương EU (ECB) trong tuần đã tăng lãi suất đồng Euro thêm 0,75%. Như vậy, từ 0% nay đã lên 1,5% chỉ trong hai lần quyết định. Còn tăng thêm, cũng mạnh như thế hay không, sẽ phụ thuộc vào báo cáo lạm phát toàn vùng sử dụng đồng Euro (eurozone) vào đầu tuần này. Thị trường dự kiến tỷ lệ lạm phát tại EU vẫn là hai chữ số chứ chưa thể giảm.

Vương quốc Anh có Thủ tướng mới với lời hứa tập trung ổn định tình hình kinh tế trong nước thông qua việc rời khỏi các hiệp định biến đổi khí hậu (COP27).

“Thế cuộc” tài chính thay đổi chóng mặt, tâm lý nhà kinh doanh nghiêng về tiêu cực, bất định. Lại gặp chỉ số đồng USD xoay vần xoay vũ, lên lên xuống xuống, làm lung lay và suy yếu giá trị đồng nội tệ các nước sản xuất cà phê.

Nước xuất khẩu đang lo giá cà phê còn mất nữa, trong khi nhiều nhà kinh doanh và đầu tư tài chính đang trông chờ giá thấp để mua, nếu không vì mục đích lợi nhuận thì chí ít cũng sử dụng vốn kinh doanh nhỏ hơn, chi phí tài chính và ngân hàng ít hơn.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 27/10/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn như sau: robusta London đạt 89.750 tấn so với 20/10 là 89.420; sàn arabica New York đạt 385.465 bao hay 23.128 tấn so với 392.727 bao hay 23.564 tấn. Cần thấy trước rằng tồn kho đạt chuẩn arabica có thể tăng trong tuần này do Brazil đang nhập hàng nhiều. Hiện arabica đang có gần 57 nghìn bao chờ kiểm định chất lượng đạt chuẩn.

Thời điểm cuối vụ cũ, lớp tồn kho này của robusta đếm được 93.700 tấn và arabica 25.571 tấn.

Người tiêu thụ trẻ tại Anh Quốc ủng hộ cà phê sản xuất bền vững

Có đến 76% người trẻ được khảo sát tại Anh Quốc tin cà phê sản xuất bền vững là quan trọng. Giới tiêu thụ dưới 34 tuổi cho biết họ hết sức ủng hộ cà phê được sản xuất bền vững như được công nhận bởi các tổ chức Fairtrade (Thương mại công bằng), Rainforest (Mưa rừng)…

Chuỗi cung ứng cà phê Nguyen ra mắt cà phê robusta pha lạnh (cold brew)

Cà phê Nguyen của một Việt kiều tại Mỹ tuần qua đã ra mắt cà phê lạnh, pha sẵn (ready-to-drink), toàn bộ 100% nguyên liệu được làm từ hạt cà phê robusta.

Giá cả

Giá hai sàn cà phê có kết quả thảm hại sau một tuần giao dịch tính đến hết ngày 28/10/22.

-Giá robusta chốt tại 1.849 USD/tấn, mất 147 USD trong biên độ dao động 2.037/1.833 tức +/-204 USD. Đây là mức thấp nhất tính từ 14 tháng.

-Giá arabica giảm 18,05 cts/lb xuống mức sâu nhất tính từ 15 tháng tại 167,75 cts/lb tương đương với 3.698 USD/tấn trong biên độ rộng giữa 188.50/165.95 tức +/-497 USD/tấn.

Giá cà phê nguyên liệu tại vùng sản xuất Tây Nguyên bán giao ngay được chào quanh 42 triệu đồng/tấn, giao tháng 11 và 12/22 chừng 40,5-41,5 triệu đồng/tấn, giảm từ 3-4 triệu đồng chỉ trong vòng một tuần.

Dù giá kỳ hạn London xuống, nhưng giá cà phê xuất khẩu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen vỡ tính theo chênh lệch giữa cảng giao hàng với giá niêm yết của sàn chưa cải thiện, vẫn ở mức quanh 200 USD/tấn thấp hơn giá niêm yết.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 31/10-04/11/2022: Tìm những chốt quan trọng cho hai hướng tăng và giảm

Tuy mấy tuần nay, giá robusta London đã vào vùng bán quá mức nhưng một đợt phục hồi vẫn còn nằm phía trước.

Có thể giải thích rằng do nóng lòng thanh lý lượng hợp đồng đã mua ròng, các quỹ đầu tư tài chính phải bán để tránh chi phí tài chính và lãi suất ngân hàng. Tổng hợp cả bán thanh lý và bán mới, các quỹ quản lý vốn đã chuyển từ vị thế mua ròng sang bán ròng. Đến ngày khóa sổ 25/10, sàn báo họ đã giữ 7.260 hợp đồng dư bán. Nếu tính thực tế đến hết tuần trước, có thể khối lượng bán ròng của nhóm quỹ quản lý vốn đã đạt đến 12-15 nghìn hợp đồng.

Hình 2 Đồ thị diễn biến giá robusta London cơ sở tháng 01/23 (nguồn: barchart.com)

Để mất 1.915, giá tháng 1/23 London đã rơi tự do (1) về đến 1.833 để chốt tại 1.849.

Chuỗi ngày rớt giá tuần qua đã đưa chỉ báo RSI 14 ngày của sàn này về 17,85% so với tham chiếu là 30%. Bên sàn arabica RSI 14 cũng về 15,75%. Như vậy, có thể nói rằng cà phê phái sinh đã vào vùng “siêu bán quá mức”!

Các mức quyết định hướng giảm và tăng trong tuần này nằm tại 1.817 và 1.895.

Nếu như đóng cửa dưới 1.817, thị trường chuẩn bị tinh thần về dưới 1.800 mà mức quan trọng nằm tại 1.798. Còn đóng cửa trên 1.895, thị trường sẽ chứng kiến một đợt phục hồi lên đến 1.909 rồi 1.959.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Tâm lý hốt hoảng làm hư giá cà phê?

Các yếu tố cơ bản (fundamentals) của thị trường cà phê trong giai đoạn ngắn và trung hạn vốn đã tiêu cực như Brazil được mùa lớn, Việt Nam chuẩn bị ra hàng, đồng nội tệ nhiều nước sản xuất mất giá tạo áp lực chào bán nhiều, giới đầu tư tài chính rút tiền đi kinh doanh chỗ khác…thì tâm lý lo lắng và các đồn đoán về một viễn cảnh xa hơn làm giá trên hai sàn cà phê thảm hại hơn.

Ngoài những tin như nguồn cung ứng hàng dồi dào, thời tiết thuận lợi tại Brazil chẳng hạn…càng làm trầm trọng thêm lên giá kỳ hạn các sàn cà phê khi nhiều bình luận mang tính dự đoán cho bức tranh kinh tế vĩ mô hầu hết đều xám xịt.

Michael Every, nhà phân tích chiến lược kinh tế toàn cầu có vẻ tỉnh táo hơn khi ông nói rằng đâu đâu cũng nói đến chuyện ‘rủi ro suy thoái toàn cầu’, bên lỗ tai khi nào cũng bị nghe ‘suy thoái và suy thoái’ như đường hướng chính…thì nhà đầu tư và kinh doanh nào không lo. Chính nỗi ám ảnh này ám hại thị trường cà phê trong thời gian qua.

Quyết định về thị trường cà phê hiện nay không chỉ nằm trong tay giới đầu cơ về giá, về hàng hóa, mà còn cả về thông tin và phân tích thị trường.

Người ta chỉ chạy theo và lo vì các “chấn động” trước mắt như tăng lãi suất, siết tín dụng, đồng tiền mất giá…mà quên đi rằng những biện pháp áp dụng hiện nay để chuẩn bị cho một tương lai dễ chịu và sáng hơn của thị trường.

Với thị trường cà phê, nằm đâu đó vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi các nước thấy rằng những quyết định tăng lãi suất điều hành hiện nay là quá thể, phá giá đồng nội tệ hiện nay chỉ là một sức ép tạm thời.

Dù kỳ vọng vào một thị trường cà phê tốt hơn hiện nay đang hết sức mờ nhạt, nhưng không lẽ giá thành sản xuất, giá đầu vào nguyên liệu cao như thực tế nhãn tiền không đủ để làm cơ sở cho một niềm tin thực sự vào một đợt phục hồi dài lâu hay sao?

NGUYỄN QUANG BÌNH

————————

  1. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 24-29/10/2022: Đồng nội tệ góp phần quyết định lớn lên giá cà phê nguyên liệu.”, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=23003

Hits: 171