Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 18-26/10/19: Giá cuối tuần vượt lên giúp London “gỡ hòa”.
Thị trường cà phê phái sinh phiên cuối tuần trước tăng. Nhờ vậy, sàn robusta London lấy lại những gì đã mất, sàn New York cũng tăng nhiều hơn. Cà phê hàng thực trong nước mua bán ít nhộn nhịp. Lý do chính: thu hoạch niên vụ 2019/20 chưa vào chính vụ và giá kỳ hạn London còn ở mức thấp.
Giá trong nước
-Giá cà phê nội địa tuần qua tương đối ổn định dù ở mức thấp. Giá mua bán robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ quanh mức 30,7-31,6 triệu đồng/tấn. Mức độ giao dịch không mạnh.
-Thu hoạch cà phê niên vụ mới 2019/20 chưa đến thời điểm đại trà. Dự kiến thời gian thu hái chính vụ sẽ bắt đầu từ giữa tháng 11/19 và đỉnh điểm sẽ xảy ra trong tháng 12/19. Nên hàng cà phê không có nhiều trên thị trường.
-Thị trường xuất khẩu vẫn chưa có khách mua nhiều do giá chào xuất khẩu cao, tăng so với giá tham chiếu Lon don đóng cửa cho giao tháng 01 và 03/20chừng +100/+120 Usd/tấn. Giá hợp đồng kỳ hạn thấp không khuyến khích các nhà xuất khẩu bán trước như các năm.
Giá kỳ hạn
-Kết quả chung cuộc, giá robusta London hết tuần giảm 1 Usd/tấn chốt 1.250 Usd/tấn. Biên độ dao động giữa đỉnh/đáy trong tuần 1.266/1.213. Thú vị là đáy thấp xảy ra cuối tuần ngày 18/11 nhưng đỉnh lập được cuối tuần qua (25/10). Giá London giao dịch ngày cuối tuần trước lên 1.266 Usd/tấn, là mức cao nhất từ 1 tuần rưỡi nay. (Xem hình 1)
-Giá arabica ngày 25/10 dương mạnh để có kết quả đạt 99.45 cts/lb, cả tuần tăng 3.75 cts/lb hay chừng 83 Usd/tấn.
-London đứng yên trong khi New York tăng mạnh đã kéo giãn giá cách biệt giữa hai sàn này từ 38,96 lên 42,74 cts/lb. Mức cách biệt về giá xem ra đang có lợi cho sàn robusta.
-Giá sàn London không giảm sâu trong tuần còn có lý do: báo cáo vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư vẫn giữ lượng dư bán lớn. Tính đến ngày khóa sổ 22/10, lượng dư bán của họ chỉ giảm 39 lô đạt 57.341 hợp đồng, chỉ sau kỷ lục lập tuần trước đó.
Tác động chính lên giá cà phê phái sinh
-Dù viễn cảnh sản lượng cà phê thế giới dồi dào, Brazil và Indonesia vẫn lên kế hoạch trồng thêm robusta, tâm lý thị trường vẫn chưa chịu ảnh hưởng nhiều.
-Giá 2 sàn cà phê phái sinh tăng phiên cuối tuần trước (25/10) chủ yếu do đồng Reais Brazil (Brl) tăng mạnh (xem hình 1-phía trái). Chỉ số đồng USD (DX) cũng đủ mạnh để giữ giá cà phê, hỗ trợ cho một đồng Brl “cứng” so với Usd. (hình 1-phía phải)
-Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định bơm 120 tỷ Usd/ngày có hiệu lực ngay lập tức vào 24/10/19. Trước đây Fed chỉ lên kế hoạch xuất vốn 60 tỷ Usd/tháng để mua lại trái phiếu. Đây là lần cuối tháng thứ 2 Fed cung ứng lượng tiền lớn. Điều này chứng tỏ thị trường tài chính Mỹ đang khát vốn, dù có thể chỉ là thời vụ. Qua một số động thái của Fed, tâm lý thị trường đang kỳ vọng Fed hạ lãi suất cơ bản đồng Usd thêm lần thứ ba trong năm 2019. Dự kiến Fed sẽ có phiên họp quyết định về vấn đề này vào 29-30/10/19. Giá cà phê cuối tuần trước tăng có phần góp sức của tin này.
Dự báo tuần từ 21-25/10/2019: Kỳ vọng một đợt chỉnh tăng khi qua tháng giao dịch mới.
-Dù 28/10/19 là ngày thông báo giao hàng đầu tiên cho tháng 11/19, thị trường London bật tăng. Điều đó chứng tỏ sức ép bán cuối kỳ giảm nhiều. Từ nay, các bài phân tích sẽ dựa trên cơ sở tháng 01/19.
-Điểm cần lưu ý là một khi giá tháng 01/20 đóng cửa xuyên thủng mức 1.211, thì khả năng sẽ giảm về đáy 1.181.
-Lấy giá đóng cửa cuối tuần là 1.250 với đỉnh và đáy cả tuần là 1.266 và 1.213 để nhận định.
-Vùng 1.255 chính là trụ đỡ cho đà tăng. Nhưng phiên 25/10, dù giao dịch vượt qua mức ấy để đạt 1.266 nhưng cuối phiên chốt 1.250. Không đóng cửa trên 1.255, yếu tố kỹ thuật được cho là chưa vững. Tuy nhiên, trong phiên vượt lên 1.266 rồi trở lại 1.250. Rất có khả năng London sẽ lên thăm lại vùng 1.266 nay mai.
-Phải có đóng cửa trên 1.266 trong tuần này, London mới gom đủ xung lực lên hoạt động tại vùng 1.275-1.279 (MA 20 ngày).
-Có một miền kháng cự rất mạnh tại 1.282-1.285 (xem hình 2). Muốn qua khỏi vùng này, London cần một lượng hợp đồng mua thật lớn để lấy đà trượt khỏi 1.296.
-Biên độ dao động dự kiến trong tuần: 1.290-1.225. Kịch bản phụ cho biên độ xa hơn: hướng lên 1.302, hướng xuống 1.215.
-Các yếu tố ủng hộ giá tăng trong tuần này: vị thế kinh doanh của giới đầu tư còn lớn, kỳ vọng Fed hạ lãi suất, đồng Brl tăng giá, các sàn phái sinh nông sản đón luồng vốn, đang ra nhiều trên thị trường tài chính và giá cách biệt hai sàn có phần lợi cho robusta
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Nếu như London tăng, chưa chắc giá cà phê nội địa theo kịp.
-Thị trường cà phê nội địa chưa chấp nhận giá thấp, kể cả mức niêm yết trên London và giá xuất khẩu trên cơ sở tính chênh lệch (differential).
-Hai bên mua và bán chưa gặp nhau do giá chào xuất khẩu chênh lệch còn cao đối với nhà nhập khẩu (+100/+120 Usd/tấn FOB).
-Một điều cần nhìn thấy trước rằng rất có thể xuất hiện một đợt giá tăng trên sàn London để kéo giá bán xuất khẩu rẻ bớt. Nếu như vậy, giá cà phê trong nước khó bật tăng dù London có lên. Chiến thuật tăng giá London kiểu ấy của giới kinh doanh nhằm giúp giá mua xuất khẩu “mềm” hơn. Nên dẫu sàn robusta có tăng, điều ấy không có nghĩa là do yếu tố cung-cầu.
-Bản quyết toán vị thế kinh doanh và động thái của Fed đang hỗ trợ tâm lý giá tăng cuối tuần trước. Nếu như thị trường tiếp tục đà lên, giá cà phê nội địa có thể tăng tạm thời lên quanh 32 triệu đồng/tấn trong những ngày tới. Nhưng một khi dụng ý để kéo giá xuất khẩu xuống, mức bình quân có thể nằm quanh 31 triệu đồng/tấn.
-Nhìn lại tuần trước, dù giá kỳ hạn xuống, giá cà phê nội địa vẫn vững. Mức 31 triệu đồng/tấn nên được xem là mức bình quân (+/- từ 0,5-1 triệu đồng/tấn) trong những ngày tới.
Tài liệu tham khảo:
Các trang “investing.com”, “barchart.com”, “ncif.gov.vn” mục “Phân tích và dự báo giá cà phê’.
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 1644
34 Trackbacks / Pingbacks
Comments are closed.