Nhận định giá cà phê thế giới từ 26-30/04/2021: Chuỗi tăng giá còn tiếp tục?

Diễn biến thị trường cà phê tuần qua: Vì sao tăng tốt?

Ngày nay, đứng trước tình hình thời tiết cực đoan ngày càng gay gắt, người ta không còn ngần ngại để nói thế giới đang rơi vào một cuộc “khủng hoảng khí hậu” sau khủng hoảng y tế do dịch Covid-19.  Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo các nước trong đó có Chủ tịch Trung Quốc  Tập Cận Bình tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến để giải quyết “khẩn cấp” tình hình biến đổi khí hậu đang gây nguy hại cho phát triển kinh tế thế giới ngày một rõ. TT Mỹ tuyên bố đến năm 2030 Mỹ sẽ cắt giảm từ 50% đến 52% lượng khi thải so với các mức của năm 2005. Trung Quốc và Mỹ là hai nước phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất trên thế giới. Phía TQ cũng cam kết giảm khí thải lớn nhất vào năm 2030 và bằng 0 vào 2060.

Cùng hát bản đồng ca ấy, Tổ chức quốc tế về Biển kết hợp với Mỹ đang nhắm tới mục tiêu phát thải khí hiệu ứng nhà kính là 0 đến 2050 cho ngành vận tải biển. Về vấn đề này, tổ chức phi chính phủ Bảo tồn Biển đề nghị TT Mỹ cam kết chỉ nên đến 2035 thay vì 2050. Như vậy, chuyển đổi phương tiện và máy móc trong ngành vận tải biển thân thiện với môi trường là một tiến trình khó cưỡng.

Chỉ số vận tải biển BDI tăng lên 2.788 điểm, mức cao nhất tính từ 10 năm nay sau khi nhu cầu nhập khẩu thép của TQ từ Brazil tăng mạnh. Tuy nhiên, tác động chính và theo hướng lâu dài lên giá cước vận tải biển vẫn là quyết tâm hạ mức khí thải trong ngành hàng hải và đẩy chỉ số BDI lên trước. Chỉ số rỗ gồm 19 loại hàng hóa thương phẩm CRB từ đầu năm 2021 tăng 16,04% lên 207,92 điểm, là mức cao nhất tính từ giữa năm 2018 (hình 1 – bên trái).

Giới phân tích tài chính cho rằng “siêu chu kỳ” tăng giá trên thị trường hàng hóa đã khởi động. Mặt khác cước vận tải biển lên đưa giá hàng hóa lên theo.

Giá cà phê phái sinh tuần trước có những bước đi tích cực và hình như có động thái bắt đầu theo luồng tăng giá theo siêu chu kỳ kinh tế vì hai sàn đều nằm trong thời kỳ thông báo giao hàng đầu tiên của tháng 05/2021 nhưng vẫn không chịu sức ép bán thanh lý, nhất là giá robusta London.

Mặt khác giá cà phê tăng còn nhờ tác động của chỉ số giá trị DXY giảm dưới mức 91 điểm và đồng nội tệ Brazil tăng trong cặp tỷ giá UsdBrl (hình 1) ngoài tác động của giá cước vận tải lên.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Xuất khẩu cà phê Uganda 6 tháng đầu niên vụ tăng

Uganda cho biết 6 tháng đầu niên vụ đến hết tháng 03/2021 xuất khẩu chừng 171,7 ngàn tấn cà phê, tăng 11,24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam

Tổng cục Hải quan Việt Nam ước nửa đầu tháng 04/2021, cả nước xuất khẩu chừng 55.847 tấn cà phê, giảm 32,35% so với cùng kỳ 2020. Như vậy, 3 tháng rưỡi đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 508.855 tấn cà phê giảm 15,12%.

Tồn kho cà phê đạt chuẩn 2 sàn cà phê

So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn ghi nhận trong đợt này: sàn arabica New York là 114.043 tấn so với tuần trước là 112.521 tấn. Tồn kho đạt chuẩn robusta thuộc sàn London tăng lên 147.650 tấn so với tuần trước là 146.520 tấn.

Giá cả

Giá cà phê 2 sàn có một tuần tăng tốt dù rơi vào ngày thông báo giao hàng tháng 05/2021. New York đã qua, London sẽ vào kỳ này ngày 27/04/2021. Sau một tuần tính đến 23/04, giá hai sàn cà phê đều dương.

-Sàn robusta London chốt mức 1.416 Usd/tấn tăng 36 với biên độ dao động 1.427/1.371.

-Sàn arabica New York tăng 7.30 hay 161 Usd/tấn chốt tại 138.50 cts/lb trong biên độ dao động 140.20-130.80.

-Giá cà phê loại 2 xuất khẩu chất lượng 5% đen vỡ biến động từ 32,7 đến 33,5 triệu đồng/tấn, càng về cuối tuần càng tăng. Như vậy, giá cà phê xuất khẩu trong nước tăng chừng 0,5 triệu đồng/tấn nhưng lượng mua bán trao tay không mạnh, chủ yếu giá được định thông qua chốt hàng đã gởi kho.

-Giá cách biệt giữa sàn arabica với robusta: Tuần qua có lúc giá chênh lệch giữa 2 sàn đạt 75 cts/lb tức 1.655 Usd/tấn. Đến thời điểm đóng cửa, mức cách biệt này còn 1.636 Usd/tấn. Trong điều kiện bình thường, mức cách biệt này có lợi cho robusta vì người tiêu thụ cuối cùng là các hãng rang xay quay sang mua robusta. Đây cũng là hiện tượng rất lạ là tồn kho arabica đang rất dồi dào tại các nước tiêu thụ nhưng giá cách biệt vẫn được đẩy lên cao làm cho arabica đắt đỏ hơn.

-Vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý: Tính đến ngày khóa sổ 20/04/2021, vị thế mua bán của các quỹ đầu tư tài chính lớn trên gồm sàn cà phê robusta còn 253 hợp đồng dư bán (giảm từ 4.086 lô) và sàn arabica chừng 20.000 lô dư mua tăng từ 10.499 lô. Qua 3 ngày cuối tuần có giá tăng, ước thực tế sàn London nay đã chuyển từ dư bán sang dư mua quanh 1.500 lô và sàn arabica khoảng 23.000 lô.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 26-30/04/2021: Tăng được đến mức nào?

Nhìn vào đồ thị do nhà phân tích kỹ thuật độc lập Phan Trọng Anh cung cấp, có thể thấy rằng:

-Một chuỗi ngày tăng từ đáy 1.341 lên chạm đỉnh cao nhất tại 1.427 trong phiên cuối tuần.

-Đấy là một đợt tăng được hợp sức bởi nhiều yếu tố. Riêng về kỹ thuật, từ mức đóng của 1.380 trước đó, London nhanh chóng vượt 61,8% Fibonacci tại 1.381 so với đáy 1.237 (0%), rồi chạy một lèo lên mức 1.427 (50% tại 1.426) dể quay về đóng cửa 1.416.

London như vẫn còn trong chuỗi tăng. Chỉ nên lưu ý rằng có một chút lừng khừng tại 1.426 sau khi thỏa mãn 150% Fibonacci. Còn không, hướng lên sẽ kéo đến 1.471 (61,8%).

Về hướng xuống, chỉ khi mất 1.403 thì London mới có thể lung lay nhưng làm sao phải đứng được trên khu vực 1.394/1.391. Nếu mất khu vực này, sàn robusta không ngần ngại về vùng 1.380/1.370.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá trong nước lên chậm hơn dù sàn phái sinh tăng mạnh.

Dù giá cà phê nội địa được báo tăng, nhưng hầu hết đều là thực hiện thông qua chốt giá cho hàng đã gởi kho. Mua bán hàng thực trao tay rất ít. Thị trường trầm lắng là do tác động của hàng tồn trong kho người mua nhập khẩu nhiều chưa đi được. Giả sử các nhà nhập khẩu không chấp nhận cước tàu mới vì sẽ thua lỗ do chi phí cao, có thể đoán rằng một lượng hàng lớn sẽ được bán lại vào thị trường nội địa nếu như các nhà xuất khẩu tạo cơ hội cho người mua là bán khống và bán trước nhiều. Trong trường hợp này, người còn hàng tồn kho thấy giá trong nước chỉ bằng giá vốn, họ sẽ thanh lý đầu bên này để mua hàng có sẵn đang nằm tại các nước tiêu thụ để giao hàng.

Với cái nhìn đường xa, trong tình hình mới là cả thế giới đều quyết tâm hạ mức khí thải nhà kính trong ngành vận tải biển, thì các nước xuất khẩu cà phê kể cả Việt Nam khó có đường lùi. Như vậy, chỉ còn cách là hạ tối đa chi phí sản xuất và vận tải trong nước, tìm biện pháp để tăng giá trị cộng thêm cho hạt cà phê như xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hay trong một kịch bản xấu nhất là hạ giá xuất khẩu. Với kịch bản cuối cùng, dù người bán không chịu bán, người mua cũng quyết ép cho bằng được để mua giá thấp bù vào cho chi phí vận tải.

Riêng về giá cà phê nội địa trong tuần này, dự đoán giá có thể xoay quanh mức 33-34 triệu đồng/tấn. Nhưng có thể thấy nếu giá London càng lên cao, thì giá cà phê nội địa chắc không theo đà tăng đó một cách cân xứng.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 115