Nhận định giá cà phê thế giới từ 18-23/07/2022: Lý do khiến giá chạy tán loạn trên hai sàn phái sinh

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giá giảm nhưng chưa chạm mức thấp nhất

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London và New York tháng 09/2022)

Giới đầu tư trên các sàn tài chính đua nhau chạy “tránh bão” kể từ ngày thư tư tuần trước, khi con số tỷ lệ lạm phát của một số nước phát triển được công bố, và quan trọng nhất là Mỹ. Cụ thể mức lạm phát cả năm tính đến hết tháng 06/22 của Pháp là 5,8%, Tây Ban Nha 10,2%, Đức 7,6% và Mỹ 9,1%. Toàn nằm tại đỉnh điểm tính từ hàng chục năm trở lại.

Riêng lạm phát của Mỹ đạt mức kỷ lục tính từ 1981. Điều làm rung chuyển thị trường tài chính là giới đầu tư lo ngại một đợt tăng lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) ở mức cao ít thấy trước đây. Có lời đồn sẽ lên đến 1% dù người trong ban lãnh đạo của Fed đến nay chỉ mới bàn quanh con số 0,75%.

Tiếp theo là Trung Quốc phát hành các dữ liệu kinh tế tháng 06/22 gồm GDP tăng 0,4%, sản lượng công nghiệp tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, tình hình không khả quan lắm do chịu ảnh hưởng nặng nề từ cách chống dịch Covid-19 tại nước này.

Trong lá thư luân lưu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước, có đoạn nói rằng lạm phát tăng cao nhiều nơi trên thế giới đã kích nên đợt thắt chặt chính sách tiền tệ khiến 75 ngân hàng trung ương, gần 3/4 đơn vị mà IMF có lập quan hệ, tăng lãi suất điều hành từ tháng 07/2021 đến nay với bình quân 3,8 lần. Đấy chính là rủi ro lớn đe dọa đến sự hồi phục kinh tế thế giới.

Chỉ số giá trị đồng Usd là DXY có dịp tăng lên mức cao nhất tính từ hai chục năm chạm 109,14 điểm vào ngày 14/07 nhưng sau đó dịu lại về dưới 108 điểm do giới đầu tư dùng đồng tiền này làm nơi trú ẩn an toàn cho vốn kinh doanh của họ.

Xâu chuỗi hiện tượng trên đã làm liêu xiêu giá cà phê phái sinh tuần qua. Giá robusta London về mức thấp nhất tính từ mười tháng rưỡi nay và arabica New York có lúc chạm dưới 195 cts/lb trong sự ngỡ ngàng của người tham gia thị trường.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 14/07, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 107.500 tấn từ 107.560 tấn so với tuần trước, arabica New York tiếp tục giảm mạnh xuống 750.042 bao (bao=60 kg) hay 45.003 tấn so với tuần trước 805.077 bao hay 48.305 tấn.

Doanh thu từ xuất khẩu cà phê Brazil tăng

Brazil cho biết doanh thu từ xuất khẩu cà phê các loại niên vụ 2021/22 đạt 8,1 tỳ Usd, tăng 38,7% so với năm trước dù xuất khẩu giảm 6 triệu bao. Brazil cũng đặt chỉ tiêu năm 2022/23 tăng doanh thu lên 50% nhờ giá cà phê rang xay trên thị trường nội địa tăng. Như vậy Brazil sẽ tập trung kích cầu tiêu thụ trong nước do quá được mùa.

Giới thiệu cà phê đặc sản Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội

Tuần qua, một sự kiện gắn liền với cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam 2022 (Vietnam Amazing Cup) được tổ chức tại Hà Nội nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng, nhà rang xay, thu mua tại Hà Nội về 10 mẫu đã đạt danh hiệu cà phê đặc sản robusta và arabica qua cuộc thi năm nay.

Có hơn 120 người là nhà rang xay, thu mua tham gia hoạt động thử nếm (cupping). Ngoài ra còn có buổi nói chuyện “Hiện trạng, định hướng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” hướng theo mục đích sản xuất theo tiêu chuẩn thế giới để phục vụ người tiêu dùng trong nước. Thông qua buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ thực trạng của ngành cà phê đặc sản Việt Nam, các cơ hội và thách thức của thị trường cà phê đặc sản trong và ngoài nước, đề xuất những chính sách cho cà phê đặc sản Việt Nam để hòa nhập với đồng ngành đồng nghiệp trên toàn cầu.

Như vậy, mục tiêu chính của sự kiện là “để cà phê đặc sản Việt Nam phát triển bền vững, cần có chung tay của cộng đồng cà phê Việt Nam”.

Giá cả

Kết quả cả tuần 2 sàn cà phê giảm giá, nhất là trên sàn arabica New York. Lý do chính là các nhà kinh doanh và đầu tư tài chính tháo chạy, bán bớt lượng hợp đồng dư mua, thậm chí trên sàn London đã chuyển sang dư bán.

Thật vậy, vị thế kinh doanh của các quỹ quản lý vốn tính đến ngày khóa sổ 12/07 như sau:

Sàn robusta chính thức qua phía bán khống với 1.040 hợp đồng. Để nằm phía dư bán, các quỹ này đã bán 13.611 hợp đồng (hình 1-bên trái). Thực tế đến nay, có thể con số này đã lên quanh 5-6.000 hợp đồng dư bán.

Sàn arabica vẫn còn giữ hợp đồng mua khống nhưng lượng giảm đi nhiều. Hết ngày khóa sổ, họ đã bán bớt 9.601 hợp đồng để còn 24.709.

Nếu như các quỹ quản lý vốn chọn theo cách của sàn robusta, tức nhảy qua phía dư bán, thì cửa xuống của giá New York còn rất rộng và mức đóng cửa 199.80 cts/lb hiện nay chưa phải là mức thấp nhất.

Biến động trên vị thế kinh doanh đã cho kết quả của 2 sàn cà phê sau một tuần là:

-Giá robusta chốt tại 1.923 giảm 58 Usd/tấn với đáy lập ngay cuối tuần là 1.914.

-Giá arabica rớt mạnh để đóng cửa tại 199.80 cts/lb sau khi đụng đáy 194.60 cts/lb.

-Giá cà phê xuất khẩu trên thị trường nội địa rất bất nhất, có nhà xuất khẩu theo giá London nhưng có người vì nhu cầu mà phải mua. Vì thế dao động giá trên sàn London không ảnh hưởng gì đến giá trong nước. Cách biệt giữa hai giá trên là 41 triệu và 44 triệu đồng/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 18-22/07/2022: Đường lên còn vời vợi

Dù các quỹ quản lý vốn bán khá mạnh tuần qua, hai sàn cà phê tính đến đóng cửa cuối tuần chỉ mấp mé vùng bán quá mức, chưa vào quá sâu để có thể tin rằng họ ngừng bán để chỉnh vốn.

Hình 2 Đồ thị giá robusta London cơ sở tháng 09/22 (nguồn: barchart.com)

Tuy nhiên, sau một đợt bán liên hồi, vùng kích tăng của London hiện nay đang nằm tại vùng 1.950-1.960 tứ quanh MA5 và MA10.

Trong tuần, London lập thêm vùng kháng cự đôi tại 1.992. Nay vùng này cũng trở nên sống còn để quyết định giá có lên được hay không. Tuần này, khi nào có giá nằm trên đỉnh đôi 1.992 với lượng mua lớn, thì đó là dấu hiệu giá có thể qua khỏi 2.000.

Nhìn theo hướng xuống, nếu như để mất 1.914 thì xu hướng đi xuống lộ rõ với các mục tiêu 1.904 rồi 1.883 để tìm về 1.850.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cơ hội cho robusta

Đồng Euro trong cặp tỷ giá Euro với Usd (Eur/Usd) tuần qua đã có lúc ngang nhau 1=1. Đồng Euro giảm giá so với Usd làm cho giới kinh doanh cà phê tại vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới EU lo lắng nhiều. Người tiêu thụ phải tiết kiệm chi tiêu, khác du lịch từ EU sẽ hạn chế qua Mỹ, nhất là khách du lịch mua sắm.

Trong khi đó, giá cà phê trên kệ hàng và tại các quán tăng không ngừng. Không cần trích các lý do như cước vận tải cả biển lẫn đường bộ cao, thời tiết nắng nóng và lạm phát dâng cao, khi túi tiền gia đình quá mỏng đủ làm các bà nội trợ phải tính toán thiệt hơn. Dù sao, người tiêu thụ sẽ chịu uống cà phê hòa tan nhiều hơn, cũng có nghĩa là tiêu thụ cà phê robusta có thể không chịu ảnh hưởng nhiều như arabica.

Tuy vậy, những thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng vẫn làm vị đắng của hạt cà phê robusta càng gắt. Thương hiệu “Costa living” là một thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất tại châu Âu đã tăng 1/5 giá tính từ một năm nay. Năm thương hiệu khác kể cả Kenco và L’ Or cũng tăng 19%. Giá tăng mạnh đến nổi nhiều siêu thị phải dán giấy cảnh báo “giá đã thay đổi”. Một số thương hiệu cà phê hòa tan khác thay vì tăng giá thì lại giảm lượng như một vài sản phẩm của Nestle. Nestle Azera vẫn bán giá cũ nhưng trước đây 100g/lọ thì nay còn 90g. Tháng 06/22, một số món uống thuộc chuỗi quán Costa đã tăng giá thêm 30% sau khi đã tăng 15% vào tháng 11/2021.

Không chỉ cà phê, sữa và chè (trà) cũng tăng giá với cùng lý do. Giá cà phê trên kệ và tại các quán còn tăng nữa chăng? Thomas Pugh, kiểm toán viên của RSM cho rằng giá thực phẩm đã tăng 8,5% vào tháng 05/22. Nhưng dịp hè này, có lẽ tăng đến 15%.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 72