Nhận định giá cà phê thế giới từ 15-20/08/2022: Giá cà phê bùng phát tăng mạnh

Diễn biến hai sàn phái sinh cà phê tuần trước: Giá robusta vượt tất cả để đi lên

Hình 1 (*Cơ sở giao dịch London tháng 11 và New York tháng 12/2022)

Thị trường tài chính toàn cầu như trải qua một giai đoạn “niềm tin đã quay trở lại”. Giá cổ phiếu nhiều nước và hầu hết các sàn hàng hóa thương phẩm, kể cả nông sản, đều bật tăng rất tốt.

Với công bố tỷ lệ lạm phát Mỹ sau một năm tính đến hết tháng 7 đạt 8,5% so với tháng 6/22 là 9,1%, đỉnh lạm phát phía trước đã bị mây che khuất.

Cả tuần, chỉ số chứng khoán Mỹ DJ tăng 2,9%, S&P500 tăng 3,3%, London +0.8% đạt 7,501 điểm, Pháp  +1.3% lên 6,554, Đức +1.6% chạm 13,796, Nhật Bản tăng 1.3% lên 28,547 và Trung Quốc tăng +1.6% đạt 3,277 điểm. Hàng hóa dầu thô  WTI +3.2% lên 91.88 Usd/thùng, vàng +1.5% đạt 1,818.4 Usd/ounce.

Hiệu suất kinh doanh trên hai sàn cà phê cũng tăng rất tốt. Tại London, giá sàn robusta tăng 10,72% và arabica New York tăng 7,75%. Như vậy giá hai sàn cà phê đến hết tuần qua đã lấy lại những gì đã mất để tính từ đầu năm đến nay, sàn robusta chỉ còn âm 0,79% (-18 Usd) và arabica giảm 0,34% (-0,75 cts/lb).

Sự “lên hương” của các sàn tài chính còn được hỗ trợ bởi những phát biểu tích cực về tăng lãi suất của một số lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ (Fed). Hôm 12/8, thống đốc Fed vùng Richmond Thomas Baskin cho rằng “nền kinh tế hiện nay về cơ bản là trở lại mới mẻ. Chính giá hàng hóa, chuỗi cung ứng trục trặc đã đưa đến lạm phát. Tuy nhiên, với một thị trường lao động khá căng thẳng như hiện nay, tăng lãi suất không thể làm theo kiểu thất thường được. Lãi suất nay đã sang dương. Chúng ta cần ổn định nó ở khu vực này…”

Chính vì vậy, nhiều nhà phân tích dự đoán Fed sẽ không căng trong việc tăng lãi suất sắp tới. Qua đó, thị trường xây dựng lại giá dựa trên các yếu tố mới, tích cực hơn, nhờ đó mà giá cà phê bứt phá trong tuần qua.

Điểm tin cung-cầu trong tuần

Tồn kho cà phê

Tính đến ngày 11/08/22, tồn kho đạt chuẩn trên hai sàn giảm mạnh so với báo cáo tuần trước như sau: robusta London đạt 97.860 tấn giảm so với 101.060 tấn, arabica New York tiếp tục giảm mạnh còn 571.905 bao hay 34.314 tấn so với tuần trước là 665.933 bao hay 39.956 tấn. Được biết, tồn kho đạt chuẩn đầu kỳ của niên vụ này (01/10/21) tại London là 122.900 tấn và New York là 2.076.557 bao.

Thông tin từ sàn cho biết tình trạng tồn kho đạt chuẩn arabica trên sàn New York sẽ chấm dứt sơm vì hiện có gần 200.000 bao arabica đang chờ kiểm định chất lượng.

Thu hoạch cà phê Brazil 2022 gần hoàn tất

Đến 11/08, ước cà phê Brazil niên vụ 2022/23 đã thu hoạch đến 54,26 triệu bao (bao=60 kg) dựa trên dự đoán sản lượng cà phê Brazil của nhà môi giới Safras&Mercado là 61,1 triệu bao. So với bình quân nhiều năm, giảm chừng 2% do năm nay cà phê nước số 1 thế giới được mùa nên hái chậm.

Giá cà phê nội địa Brazil

Vào cuối tháng 07/22, giá robusta tại Brazil đạt 2.380 Usd/tấn so với giá niêm yết London cùng ngày là 2.028 Usd/tấn, arabica chế biến ướt là 4.513 Usd/tấn và chế biến khô là 4.158 Usd/tấn so với giá New York là 4.713,50 Usd/tấn hay 213.80 cts/lb.

Giá cả

Giá cà phê tăng mạnh tuần qua cùng hòa chung với các sàn tài chính. Thật thế, lượng vốn trong vòng 7 ngày đổ vào các quỹ kinh doanh (ETF) đạt 7,3 tỷ Usd, là tuần thứ hai liên tiếp các quỹ đầu tư tài chính mạnh dạn bơm vào thị trường.

Dựa trên giá đóng cửa, kết quả tuần với tuần, giá robusta London tăng 219 Usd/tấn (2.261-2.042), sàn arabica tăng 16 cts/lb (222.40-206.40) tức 353 Usd/tấn. Nếu nhìn kỹ, đầu tuần chạm đáy, cuối tuần bắt đỉnh.

Giá cách biệt giữa 2 sàn cũng giãn ra có lợi cho robusta. Chỉ số giá trị đồng USD/DXY giảm tạo thêm sức mua cho nhà kinh doanh. Giá trị đồng nội tệ Brazil (Brl) trong cặp tỷ giá USDBRL tăng hạn chế đơn chào bán từ Brazil. Như vậy, yếu tố tiền tệ cũng thuận lợi đối với thị trường cà phê nói chung.

Giá cà phê nguyên liệu trong nước tiếp cận quanh 50 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất tính từ 6, 7 năm nay. Lượng mua bán yếu do cuối mùa.

Giá cà phê xuất khẩu loại 2 tối đa 5% đen vỡ được chào bán từ mức ngang bằng đến cộng 20 Usd/tấn FOB tính trên giá giao dịch tháng 11/22. Như vậy, so với đầu năm 2022, tăng từ 400-450 Usd/tấn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 08-12/08/2022: Cần được chỉnh xuống nhưng có nhất thiết phải thế?

Hình 2 Đồ thị diễn biến 9 tháng giá robusta London cơ sở tháng 11/22 (nguồn: barchart.com)

Tuần trước, qua được 2.078, giá London bắt đầu vượt tường cao để tìm đỉnh mới. Chạm 2.264 và dừng tại 2.261, sàn robusta đã làm quá sức mình đến nỗi quên mình đã vào sâu vùng mua quá mức. RSI 9 và 14 ngày hiện nay là 91,06% và 82,08% so với tham chiếu 70%. Theo lẽ thường, London cần một đợt chỉnh giá xuống thật sâu để cân đối lượng vốn. Tuy nhiên, khi sức nóng còn căng, tất cả các phân tích kỹ thuật đều chỉ đóng vai phụ.

Nằm tại 2.261, London trở thành con ngựa bất kham. Nhưng trong tuần này, có thể lúc tăng cực mạnh mà cũng giảm cực sâu, sau đó mới lấy lại quân bình.

Ngoài các chỉ báo RSI quá lớn, lượng hợp đồng dư mua của hai sàn cũng phình lên rất to. Chỉ tính đến ngày khóa sổ 09/08, các quỹ quản lý vốn trên sàn London còn giữa 11.888 hợp đồng dư mua. Nếu như gộp đến những ngày cuối tuần trước, dễ lượng hợp đồng dư mua này có thể đạt 15-16 nghìn lô.

Giá đang tăng căng theo đà, giá robusta London chỉ có thể bị hóa giải phần nào yếu tố tích cực hiện nay nếu để mất 2.161 tức còn đúng 100 Usd theo hướng xuống.

Còn nếu muốn phá băng tăng lên, những nút cần vượt là 2.280 rồi 2.299 để lên 2.331.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Cà phê nguyên liệu còn lại bao nhiêu?

Chỉ còn 1 tháng rưỡi nữa là chấm dứt niên vụ 2021-2022. Tính đến hết tháng 07/22, thống kê chính thức cho biết Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1,3 triệu tấn. Tùy theo con số dự báo ban đầu của từng doanh nghiệp, thị trường dễ dàng nhận ra rằng lượng cà phê niên vụ này còn trong tay nhà vườn chừng từ 200-400 nghìn tấn nếu như tính tổng sản lượng là 1,5 đến 1,8 triệu tấn.

Con số 300-400 nghìn tấn chắc phải loại trừ vì quá lớn trong khi người mua kiếm hàng không ra. Vậy lượng hàng tồn hiện nay chỉ có thể từ 100-200 nghìn tấn.

Thế thì tại sao hàng vẫn không ra dù giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa rất cao? Giá trong nước tăng có thể được giải thích lượng còn lại trong dân được bán theo cách “đa cấp”, có nghĩa là những doanh nghiệp nhỏ trong nước trao tay từ người này sang người khác, mỗi người tăng giá một ít, đẩy giá lên cao dần.

Thực tế hiện nay giá xuất khẩu ở mức ngang bằng và cộng thêm đã hạn chế rất nhiều sức mua từ các nhà nhập khẩu. Họ càng không thể thu gom để đưa hàng sang đấu giá lên sàn vì ở mức giá này, đưa hàng vào bán tại sàn London với giá trừ là vô nghĩa vì còn phải tính cước tàu, thủ tục, phí làm hàng và phí tài chính. Có lẽ vì vậy mà hàng tồn kho đạt chuẩn robusta mấy ngày gần đây giảm rất nhanh. Robusta Brazil cũng không thể đưa sang đấu giá do giá robusta trong nội bộ nước này cũng rất cao.

Vậy có thể đoán trước rằng khi hàng từ hai nước sản xuất lớn nhất không ra được, thì cũng có nghĩa các nhà rang xay phải kiếm hàng tại chỗ một khi có nhu cầu chạy máy. Nơi nhiều nhất hiện nay là tại các kho thuộc sàn này.

Cho nên, dù giá robusta có hiệu chỉnh, thời gian này cũng chẳng thể xuống sâu dù hiện sàn London đang vào sâu trong vùng mua quá mức. Nên có thể tin rằng giá cà phê trong nước còn vững một thời gian nữa, chí ít cho đến khi các nhà kinh doanh không còn dựa trên giá tháng 11/22 mà phải sử dụng các tháng xa như 01 và 03/23 để mua hàng.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 26