Nhận định giá cà phê thế giới từ 15-20/07/2019: Đang đợi các yếu tố bất ngờ

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 08-12/07/19: Giảm giá theo chu kỳ.

Hình 1

Giá cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, lại có tuần thứ hai liên tiếp giảm. Chu kỳ 2 tuần tăng đến 2 tuần giảm được lặp lại trên thị trường phái sinh này.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước (12/07/19), giá hai sàn kỳ hạn cà phê giảm nhẹ. Tuy nhiên xét cả tuần, robusta London mất 20 Usd chốt tại 1.424 Usd/tấn so với đỉnh và đáy 1.493/1.421, biên độ dao động +/-62 Usd/tấn (hình 1)

Sàn kỳ hạn arabica New York mất nhiều hơn với cả tuần -4,45 cts/lb hay 98 Usd/tấn để chốt tại 106.65 cts/lb. Thị trường chứng kiến biến động trên sàn New York tuần qua khá mạnh với đỉnh 115.65 và đáy 105.30 (+/- 10,35 cts hay 228 Usd/tấn).

Đồng nội tệ Brazil (Brl) tăng dần lên lại so với Usd để còn 1 Usd ăn 3,73 Brl (hình 1-phía trái), vẫn không cứu được giá arabica. Một đợt rét đậm rét hại cây cà phê xuất hiện vào 2 ngày 06-07/07/19 đã đẩy giá sàn này tăng mạnh lên mức cao nhất tính từ 7 tháng nay, nhưng ngay lập tức bị đẩy xuống đáy khi thị trường biết sương muối chỉ ở cường độ nhẹ và tầm ảnh hưởng rất nhỏ. Giá arabica rớt mạnh còn do nông dân Brazil tranh thủ giá cao trên sàn chốt bán với lượng lớn. Chỉ trong một ngày 08/07/19, riêng nông dân hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới và Brazil là Cooxupé chốt bán 15.000 tấn, Reuters cho biết.

Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa chập chờn trong vùng từ 33-34 triệu đồng mỗi tấn. Đến đầu tuần này, giá nhiều nơi tại Tây Nguyên, thủ phủ cà phê của Việt Nam vẫn quanh mức 33,5-33,9 triệu đồng, cá biệt tại một số địa phương ở 2 tỉnh Đăk Lăk và Gia Lai vẫn còn chào bán 34,2 triệu đồng mỗi tấn.

Thị trường xuất khẩu chùng lại, song giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ vẫn được chào ở mức +70/+80 Usd/tấn FOB và giao hàng vào kho ngoại quan quanh TP. HCM và tỉnh Bình Dương so với giá niêm yết London cơ sở giao dịch tháng 11/19.

Dự báo tuần từ 15-19/07/2019: Giá nằm ngay vùng hoặc được hoặc mất.

Hình 2

Nhìn từ vị thế thị trường hiện tại với giá đóng cửa 1.424 so với đỉnh và đáy cả tuần là 1.493 và 1.421, giá kỳ hạn robusta London đang nằm trong vùng tranh chấp giữa hướng lên và xuống mà nghiêng theo hướng thấp là chủ yếu.

Thật vậy, đồ thị cho thấy trong suốt 14 phiên giao dịch gần nhất, London đã xuất hiện đến 7 phiên có giá đóng cửa trong vùng từ 1.421 đến 1.429. Riêng tuần trước, 5/5 phiên liên tục, London đóng cửa trong vùng từ 1.421-1.429 (hình 2).

Nên rất có thể chỉ cần chớm xuống dưới 1.420, giá London có thể đổ sâu do mất vùng hỗ trợ trọng yếu với 7 lần đụng đáy hay còn gọi là “đáy 7”. Nếu như mất thêm chốt 1.413 (điểm bình quân động [MA] 50 ngày), thị trường sẽ “mất hứng” mua và quay về bán.

Lực mua có khả năng tăng dần khi vượt xa khỏi 1.429 (MA 5 và 20 ngày).

Xét về kỹ thuật, mức 1.429 vẫn còn thuộc vùng đáy, nhưng dù sao, đó là điểm dừng cần thiết để London thu hút thêm sức mua.

Nhìn theo hướng lên, mức kỳ vọng nằm tại 1.455 (MA 100 ngày), sau đó là các mức kháng cự 1.469 / 1.489 / 1.493 / 1.511. Còn hướng xuống, nếu London không giữa được 1.421 và phải chạm 1.413, sàn này sẽ tìm đường vế 1.405. Khi mất 1.405, thị trường lo ngại về lại 1.379 rồi 1.356.

Tóm lại, giá đóng cửa sàn robusta đang nằm trong vùng rủi ro đi xuống nếu nhìn theo kỹ thuật. Nhưng yếu tố bất ngờ có thể xảy ra vì tuần này Brazil sẽ gặp rằm tháng Sáu âm lịch (rơi vào ngày 17/07). Sương muối hại cây cà phê Brazil thường xảy ra vào dịp rằm, là lúc trời quang mây tạnh. Hơn nữa, dư luận trên thị trường tài chính đang cho rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào cuối tháng 07/19. Các yếu tố cơ bản này có thể giữ giá cà phê không rớt sâu, nếu không muốn nói sẽ tìm đường phục hồi.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Nếu yếu tố bất ngờ xảy ra, giá sẽ tốt hơn.

Sàn robusta London mất giá nhưng giá cà phê trong nước khá ổn định. Dự kiến tuần này có thể cũng diễn biến như thế do năm kinh doanh cà phê Việt Nam đang vào những tháng cuối, lượng tồn kho giảm nhiều.

Trong hai ngày 10-11/07/19, Diễn đàn các nước sản xuất cà phê thế giới lần thứ 2 được tổ chức tại Campinas (Brazil) để thảo luận tìm biện pháp cho một nền kinh tế cà phê bền vững khi thị trường đang chịu áp lực giảm giá trên các sàn giao dịch phái sinh. Đại diện của Colombia đề nghị một kế hoạch hạn chế xuất khẩu để giữ giá, nhưng phía Brazil cho là không khả thi. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế thuộc trường Đại học Colombia, ông Jeffrey Sachs đưa ra sáng kiến lập một quỹ hỗ trợ cho nông dân tại các nước trồng cà phê nhằm tăng năng suất như là một phương sách giảm giá thành, đồng thời quỹ này sẽ giúp nâng cao sinh kế cho người lao động nông nghiệp cà phê. Vị chuyên gia cũng đề nghị chính phủ các nước sản xuất, các nhà hảo tâm trên toàn thế giới và những nhà rang xay lớn trên thị trường quốc tế sẽ chung tay tài trợ cho quỹ này. Tuy nhiên, sáng kiến ấy xem ra khó thực hiện vì hầu hết các nước sản xuất và xuất khẩu cà phê là những nước nghèo, gặp lúc giá cả lao đao, khó lòng thuyết phục chính phủ trong nước.

Dù vậy, vào ngày 11/02, Tổng thống Colombia Ivan Duque công bố sẽ lập quỹ bình ổn giá cho ngành cà phê nước này nhằm tạo điều kiện cho nông dân không bán mạnh khi sàn kỳ hạn rớt sâu. Trong niên vụ này, Colombia từng chi 79,5 triệu Usd để giúp nông dân giải tỏa bớt khó khăn về giá trên thị trường xuất khẩu. Đây cũng có thể là một yếu tố tích cực giúp giá cà phê không giảm sâu.

Tổng hợp các yếu tố kỹ thuật và cơ bản, cộng với tình hình thực tế diễn ra trên thị trường, có thể dự đoán rằng dù giá kỳ hạn London có rớt sâu dưới 1.400, giá cà phê nội địa sẽ đứng quanh mức 33 triệu. Nhưng nếu yếu tố bất ngờ xảy ra (thời tiết Brazil), mức 34,5 triệu sao lại không thể?

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 282