Diễn biến thị trường tuần trước: Giá hai sàn cà phê giảm mạnh
Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu do virus corona gây ra, ngân hàng trung ương nhiều nước đã cứu gỡ nền kinh tế mạnh mẽ bằng mọi cách có thể. Nhưng nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách sử dụng hai công cụ chính: điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản và tăng lực thanh khoản cho các thị trường. Ta đã từng thấy ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cung ứng một lượng tiền mặt chóng mặt. Từ tháng 02/2020 đến nay, khối lượng tiền mà Fed đã tung ra dễ đến gần 8.000 tỉ Usd.
Qua các gói tài chính giải cứu, các chuyên gia kinh tế đã từng tiên đoán lạm phát là không thể tránh khỏi. Thực tế đã chứng minh. Mức độ lạm phát Mỹ tháng 11/2021 theo công bố cuối tuần trước ở mức 6,8% so với tháng 10/2021 là 6,2%. Đấy là mức cao nhất tính từ tháng 06/1982. Tỷ lệ lạm phát cao ấy trở thành nỗi ám ảnh của giới đầu tư và kinh doanh tài chính. Họ tin khá chắc rằng Fed sẽ tiến hành và đẩy mạnh thu hồi chương trình kích cầu thu mua nợ vào tuần này. Không khéo, Fed cũng sẽ lên lịch tăng lãi suất cơ bản đồng Usd (hiện nay là từ 0%-0,25%) sớm hơn.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tại nước sản xuất cà phê số 1 thế giới Brazil cũng thật rất đáng ngại. Số liệu công bố cùng một ngày với Mỹ biết tỷ lệ lạm phát tháng 11/2021 của Brazil lên mức 10,74% tính từ 12 tháng nay. Đây là mức tăng gấp đôi so với chỉ tiêu của Ngân hàng trung ương Brazil đề ra là 5,25%.
Đối mặt với dự kiến thay đổi trong chính sách tiền tệ, thị trường tài chính có khả năng tiếp tục chao đảo mạnh và xu hướng này có lẽ vẫn như vậy trong những ngày cuối năm 2021 như: người mua bán chứng khoán chốt lời, Brazil tranh thủ xuất khẩu cà phê và các mặt hàng nông sản nhiều hơn, người kinh doanh hàng hóa thương phẩm thanh lý các hợp đồng dư mua để cân đối tài chính cho phù hợp với các thay đổi ấy cho đến khi họ thấy cân bằng được giữa đầu vào và đầu ra.
Mặt khác, lo ngại biến thể Omicron làm tăng gánh nặng về y tế và kinh tế thế giới vốn đã khó khăn do chống chọi với dịch bệnh từ hai năm qua. Lãnh đạo nhiều nước châu Âu lên tiếng có thể hạn chế người dân ra khỏi nhà vào dịp lễ tết cuối năm. Trong lúc đó Mỹ hạn chế nhập cảnh du khách từ một số nước châu Phi và năm nước EU.
Giới kinh doanh cà phê lo ngại làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra có thể làm giảm lượng tiêu thụ cà phê vì quán xá và khách du lịch bị cấm cửa. Chính vì vậy, giá arabica tuần qua giảm mạnh trong khi giá robusta cũng giảm nhưng nhẹ hơn nhờ kỳ vọng dân chúng uống cà phê tại nhà nhiều hơn.
Điểm tin cung-cầu trong tuần
Thấy trước một năm 2022 được mùa, trên 60 triệu bao (bao=60 kg), Brazil đang bán ồ ạt cà phê mùa 2021 trong những ngày qua. Dựa trên con số sản lượng dự đoán là 56,5 triệu bao, tính đến hết tuần đầu tháng 12/2021, Brazil đã bán 78% sản lượng tức chừng 43,93 triệu bao trong đó 75% là cà phê arabica và 82% robusta. Vả lại, lạm phát tăng mạnh tại nước này cũng ủng hộ cho việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn tiếp tục giảm
So với lần báo cáo trong bài nhận định tuần trước của NCIF, tồn kho cà phê đạt chuẩn như sau: sàn arabica tăng gần 1.000 tấn đạt 96.162 tấn so với 95.251 tấn, sàn robusta London tiếp tục giảm gần 1.000 tấn xuống còn 103.820 tấn so với tuần trước là 104.870 tấn.
Lượng tồn kho đạt chuẩn cho ta thấy thêm rằng sàn arabica chỉ cần tăng nhẹ, giá phái sinh rớt mạnh hơn nhiều so với robusta.
Timor-Leste (Đông Timor) sẽ mở rộng diện tích cà phê?
Chương trình Phát triển Liện hiệp quốc (UNDP) tài trợ phát triển một vùng trồng và nhà máy chế biến cà phê tại nước này gồm một trung tâm nuôi trồng cây giống và sân phơi. Có đến 82 nông dân tham dự vào ngày khai trương cơ sở này. Đông Timor tách khỏi Indonesia vào ngày 20/05/2002 sau 26 năm sáp nhập với Indonesia, nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ ba thế giới.
Giá cả
Dù tuần qua, hai sàn cà phê phái sinh đua nhau giảm giá nhưng vẫn còn nằm quanh khu vực cao tính từ chục năm trở lại. Cũng cần nói thêm rằng tiếp theo tin từ Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) với khối lượng xuất khẩu robusta giảm 4,5% tính đến hết tháng 10/2021, giá sàn London không giảm sâu.
Giá cà phê nội địa tại Việt Nam vẫn nằm ở mức bình quân 42 triệu đồng/tấn, là mức cao nhất tính từ 4 năm nay. So với chỉ số giá cà phê Brazil CEPEA, giá tại đó ở mức cao nhất tính từ 1999 vào ngày 20/11/2021. Bình quân giá các loại cà phê theo chỉ số này tuần trước nằm quanh 5.813 Usd/tấn, tương đương với giá tính vào ngày 20/12/1999.
Nói vậy để thấy rằng dù trong cùng một tình huống thiếu containers rỗng và khủng hoảng logistics, giá trên thị trường cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực hơn nhiều so với Brazil.
Riêng giá cà phê phái sinh khi đóng cửa cuối tuần trước, kết quả trên 2 sàn như sau:
-Giá robusta London mất 107 Usd chốt tại 2.291 Usd/tấn trong biên đọ 2.334/2.262.
-Giá arabica New York giảm 10.75 cts/lb hay 237 Usd/tấn với biên độ dao động rất mạnh giữa 252.35/231.95 cts/lb.
Giá cà phê tiêu chuẩn xuất khẩu loại 2, tối đa 5% tính theo chênh lệch giữa giá tại cảng xuất khẩu với giá niêm yết trên sàn phái sinh được chào mua cơ sở tháng 03/22 không còn nằm tại trừ 400 Usd/tấn mà ngay cả chào bán trừ 420 Usd/tấn vẫn chưa có người mua.
Điều đó khiến cho giá cà phê nội địa khó thoát lên vùng 42,5 triệu đồng/tấn mà chủ yếu nằm dưới mức 42 triệu đồng/tấn do giá xuất khẩu bị trừ nhiều hơn.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 13-17/12/2021: Giá robusta đang trong thế bất lợi
Rời khỏi đỉnh cao nhất tính từ hơn 10 năm nay, London đóng cửa tại 2.291 trong biên độ dao động 2.334-2.262. Giá đỉnh và đáy trong tuần xuất hiện trong 1 ngày giao dịch (07/12) và những ngày tiếp theo không vượt khỏi biên độ ấy.
Nhìn vào biểu đồ của nhà phân tích độc lập Phan Trọng Anh, nếu lấy điềm xuất phát từ thấp lên cao là 1.375 (0,00%) thì cú chạm đỉnh tuần qua tại 2.334 đã quá thỏa với tỷ lệ 161,80% (2.323). Nếu như London quyết định theo hướng tăng, giao dịch những ngày tới phải vượt qua đỉnh cũ là 2.334 để thử sức với 2.409.
Vế hướng giảm, từ 2.291, London cần được giữ vững tại vùng 2.285. Chỉ cần sây sứt giảm một vài Usd, giá có thể không ngần ngại về tìm 2.262 để xuống sâu hơn tại 2.250/2.220 mà một khi xuống khỏi 2.254 thì cú trượt này sẽ lộ trước mắt.
Hiện trên sàn giao dịch robusta, vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư tài chính tính đến ngày khóa sổ tuần trước tăng lượng hợp đồng dư mua lên đến 39.400 hợp đồng so với mức cao kỷ lục là 49.043 lô. Dù đã thanh lý một ít nhưng vẫn còn cao. Hơn nữa, giá cách biệt giữa 2 sàn arabica với robusta đang co lại nhanh, từ 144 xuống dưới 130 cts/lb. Đó là những yếu tố làm thị trường có thể đi theo hướng tiêu cực.
Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ cao đã giúp chỉ số giá trị Usd/DXY giảm có thể cứu gỡ được các yếu tố tích cực ấy không? Đó là cái mà giới kinh doanh dựa trên đồ thị đang theo dõi dù biết rằng biến thiên của DXY rất “loạn” và họ không tin DXY sẽ xuống mạnh đến mức có thể ảnh hưởng nhiều lên giá London.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Làm gì để giúp nông dân vượt qua khó khăn về giá?
Trước áp lực bán mạnh từ Brazil, nhất là robusta do giá phái sinh tăng, nhà vườn và giới xuất khẩu cà phê Việt Nam khó lường định giá trong nước theo diễn biến tăng của sàn thương phẩm. Vả lại, khi London tăng 40 Usd/tấn thì chưa chắc giá nguyên liệu trong nước được cộng thêm. Nhưng nếu có lúc nào đó gặp giá đóng cửa ngày hôm trước giảm, giao dịch hàng thực sáng hôm sau tại thị trường nội địa có thể giảm gấp đôi với nhiều lý do được đưa ra như: cước tàu biển cao và thuê tàu khó, bán không mấy người mua, hàng chất trong kho nhà xuất khẩu không bán kịp…
Nếu như không có một chính sách hỗ trợ nào đó cho những người tự làm thị trường đơn độc gồm nông dân và một số nhà xuất khẩu tầm nhỏ và trung như mở kho kèm với cấp chứng từ có giá, xác nhận đã giao hàng kèm theo với tạm ứng tiền hay chứng từ này được phép làm giấy tờ thế chấp “tài sản” để vay ngân hàng, thì có thể thấy trước rằng giá cà phê nội địa khó có bề cất cánh trong niên vụ mới.
Cần nhìn thấy trước rằng một lúc nào đó như vào những ngày cuối năm 2021 và trước Tết nguyên đán, áp lực bán mạnh từ Việt Nam sẽ gây áp lực lên giá trong nước chứ không nhất thiết phải nhìn vào giá các sàn phái sinh. Không thể so sánh với giá tại Brazil vì hàng robusta vụ 2021 họ đã bán gần hết (82% như nói ở trên). Dẫu Brazil có giữ lại gần 4 triệu bao robusta để tiêu thụ nội địa do một lý do nào đó giá phái sinh giảm, thì lượng 30 triệu bao niên vụ mới từ Việt Nam sẽ áp đảo giá theo chiều bất lợi.
Nói vậy để thấy rằng dù giá cà phê nội địa hiện thời quanh mức cao nhất tính từ 4 năm nay, thì giá cà phê trong nước ở phía trước vẫn là một rủi ro rất lớn đối với nông dân trồng cà phê. Nhà xuất khẩu có lợi thế hơn do quyền gọi giá mua nằm trong tay họ, phần thua sẽ hạn chế hơn nhiều đối với họ.
Như thế, cách mua bán của nhà vườn cần “theo thời” và nên theo phương châm “tự cứu mình trước khi trời cứu” tức bán theo từng đợt theo sóng giá nội địa tăng chứ không nên ghìm hàng lâu để phần thiệt sẽ về mình.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 99