Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 06-10/01/20: Giá yếu do nhiều áp lực từ bên bán.
A. Bối cảnh thị trường
Khủng hoảng địa chính trị tại Trung Đông không làm xáo trộn mấy các sàn chứng khoán Âu-Mỹ. Tuần qua, chỉ số chứng khoán Mỹ chạm mức cao kỷ lục mới nhưng đóng cửa cuối tuần giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó, thị trường dầu thô nóng nên. Có lúc giá dầu Brent giao dịch quanh 70 Usd/thùng. Trên sàn kim loại vàng, giá sáng rực, có ngày vượt khỏi 1.600 Usd/oz. Giá dầu thô tăng do lo ngại thêm một cuộc chiến tranh vùng vịnh. Giá vàng tăng vì tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư tài chính. Họ rút vốn từ các nơi về tạm trú ở sàn vàng. Đến cuối tuần, các sàn phái sinh dầu thô và vàng dịu dần. Dầu Brent đóng quanh mức 65 Usd/thùng và vàng 1.560 Usd/oz.
Nhiều sàn phái sinh nông sản chịu thiệt, trong đó có hai sàn cà phê. Chỉ đến tận cuối tuần, giá cà phê đóng cửa tăng nhẹ. Liệu đó là dấu hiệu báo trước giá các sàn nông sản có cơ hội phục hồi trong thời gian tới?
Trong tuần này, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ được ký kết tại Washington. Xa hơn trong tháng 01/2020, hai cuộc họp quan trọng định hướng thị trường tài chính của hai Ngân hàng Trung ương: BCE châu Âu (23/01) và Fed của Mỹ (29/01). Tiếp ngay sau đó là Brexit, ngày nước Anh chia tay khối EU (31/01/20).
B. Tình hình cung cầu cà phê
Bên cạnh những tác động bất lợi do khủng hoảng Trung Đông, giá hai sàn cà phê phái sinh tuần trước mất giá khi thị trường tiếp nhận ước báo sản lượng niên vụ 2020-2021 Brazil được mùa. Cơ quan thống kê Brazil (IBGE) cho rằng năm mới cà phê Brazil ước đạt 56,4 triệu bao (60 kg = bao), tăng 12,9% so với mùa 2019-2020. Trong đó arabica tăng 22% chừng 42,2 triệu bao. Dù sẽ là năm được mùa theo chu kỳ 2 năm một lần, sản lượng niên vụ tới vẫn thấp hơn năm cao kỷ lục 2018, bấy giờ IBGE ước 59,9 triệu bao.
Nhiều người trên thị trường cho rằng con số của IBGE thường thấp hơn số liệu công bố từ 5%-10%.
Xuất khẩu cà phê thế giới 3 tháng đầu niên vụ 2019-2020 (10-12/19) đạt 18,3 triệu bao-10,8% so với cùng kỳ 2018 là 20,51 triệu bao. Như vậy, trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 11/19 đạt 83,22 triệu bao arabica so với 77,08 triệu cùng kỳ 2018, robusta đạt 46,01 triệu bao so với 44,96 triệu (ICO).
Tồn kho cà phê đạt chuẩn trên 2 sàn phái sinh như sau (ICE):
-Arabica New York (09/01/20): 2.061.311 bao (123.679 tấn)
-Robusta London (06/01/20): 2.491.833 bao (149.510 tấn).
C. Giá cả (xem hình 1)
Sau 8 ngày liên tiếp có giá đóng cửa giảm, sàn arabica New York có phiên cuối tuần (10/01) tăng nhẹ. Trước đó, arabica bỏ đỉnh 142.45 rồi 134.65, tuần qua chỉ chạm mức cao nhất ở 126.35 cts/lb. Giá New York phiên 10/01 đã về đáy sâu nhất tính từ 1 tháng rưỡi để vươn lên lại khi đóng cửa. Cả tuần sàn này mất 7.4 cts/b hay 163 Usd/tấn.
Trên sàn robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu – biên độ dao động khá mạnh dù đang ở vùng thấp, giữa 1.382 với 1.310 Usd/tấn. Kết quả chung cuộc, tính trên giá đóng cửa, cả tuần sàn robusta giảm 27 Usd để đứng tại 1.345 Usd/tấn.
Điểm đặc biệt trong tuần qua là giá arabica rớt mạnh hơn robusta. Vì thế, mức chênh lệch giữa 2 sàn đã co lại mạnh (57,72 cts/lb). Mức này có thể gây bất lợi cho giá robusta so với arabica trong những ngày tới.
Giá cà phê phái sinh thấp, thị trường nội địa giao dịch khá nhộn nhịp do lượng hàng ra nhiều trước Tết Nguyên đán. Giá trong tuần bình quân từ 32-32,5 triệu đồng/tấn.
Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 13-18/01/2020: Bức tranh kỹ thuật sáng dần.
Nếu như sàn arabica có đóng cửa 8 phiên liên tiếp mất giá, trong cùng kỳ sàn robusta London được tăng 2 phiên nhưng vẫn một mực theo chiều giảm.
Nhìn từ vị trí đóng cửa sàn robusta London ngày 10/01/20 ở 1.345 với đỉnh và đáy trong tuần là 1.382 và 1.310, ta có một số nhận định chung về sàn này như sau:
-London mỗi lúc một xa dần đỉnh cũ lập trong tháng 12/19 là 1.392 (30/12), 1.410 (27/12) và xa hơn 1.479 (10/12).
-Ngược lại, sàn robusta liên tiếp về thăm lại các đáy lập trước đây, nhất là vùng 1335-1340, để chạm 1.310 (10/01) trước khi lên đóng cửa cuối tuần ở 1.345.
Nhìn vào đồ thị của chuyên gia phân tích độc lập Phan Trọng Anh, vùng 1.310 đã trở thành vùng hỗ trợ rất vững do đã lập lại 3 lần (hình 2).
Nhìn theo cách phân tích Fibonacci với biên độ đỉnh 1.568 và đáy 1.235, mức 1.310 khá trùng khớp với tỷ lệ 78,6% (1.306).
Đóng cửa ở 1.345, giá London nằm trên vùng đáy cũ 1.335-1.340 như đã nói phía trên. Đó là yếu tố tích cực nhất nếu đứng tại thời điểm xem xét, dù rủi ro rớt lại vẫn chưa được khẳng định mấy.
Các kịch bản trong tuần:
Hướng tăng: Giá robusta cần vượt khỏi “tỷ lệ vàng” (61,8%) tại 1.362 để lấy lại 50% những gì đã mất là 1.401. Khi qua khỏi 1.362, đây cũng là điểm gặp MA 100 ngày, London ắt có thêm xung lực mua để vượt vùng 1.382 và 1.389 (MA 20 và 50).
Hướng giảm: Miễn London đừng đóng cửa dưới vùng 1.335-1.340 vì bấy giờ chứng tỏ sức mua chưa đạt đủ. Khi đóng cửa về dưới 1.335, thị trường sẽ nặng tâm lý giá xuống (bearish) và rủi ro tìm lại 1.310. Kịch bản xấu nhất nếu mất 1.310, thị trường có thể chịu đựng một thời gian “sống chung với lũ”.
Một yếu tố cần lưu ý: mức chênh lệch giữa 2 sàn (57,72) đang gây bất lợi cho sàn London. Đường tăng dù còn hướng, sức tăng có thể bị cản bớt do người tham giá sàn mua New York bán London.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Kỳ vọng tăng nhưng không mạnh.
Một tuần giá phái sinh robusta giảm, giá cà phê xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ lại có dịp tăng. Mức chào mua bán hiện nay đang chừng +70/+80 Usd/tấn FOB so với mới đây là +30/+50 Usd/tấn (1). Cũng chính nhờ vậy, giá cà phê mua bán các ngày trong tuần không giảm sâu hơn. Dù thỉnh thoảng có ghi nhận dưới mức 32 triệu đồng/tấn, sau đó giá vẫn bật lên lại 32+ triệu đồng/tấn.
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Canh Tý. Giao dịch hàng hóa ít dần. Lực bán hàng thực (xuất khẩu) càng về cuối tuần càng giảm.
Dựa trên các điểm phân tích kỹ thuật và tình hình mua bán cận Tết, kỳ vọng giá cà phê trong nước phục hồi dần từ thấp lên cao, dự kiến từ 32,3-33 triệu đồng mỗi tấn cho tuần này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-Các websites: barchart.com, investing.com, theice.com, thitruongcaphe.net
-(1) “Nhận định giá cà phê thế giới từ 06-11/01/2020: Khó khăn tìm đường tăng” tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21891
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 33