Nhận định giá cà phê thế giới từ 10-14/02/2020: Khó tìm được hướng tăng

Nghiên cứu kỹ thuật giá cà phê qua đồ thị. Ảnh: thitruongcaphe.net

Diễn biến thị trường cà phê tuần từ 03-08/02/2020: Dù ở vùng thấp, giá vẫn mất.

Hình 1

A. Bối cảnh thị trường

Thị trường hàng hóa thương phẩm gồm tất cả các nhóm hàng năng lượng, kim loại và nông sản đang đảo điên với dịch viêm phổi nCoV Vũ Hán. Số lượng người bị nhiễm và thiệt mạng bởi chủng mới virus corona tuần qua mỗi ngày một tăng cao. Đến hết ngày 07/02/20, thế giới đã có gần 35 ngàn người lây nhiễm và trên 700 người chết vì dịch này.

Dù Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc bơm tiền mạnh vào nền kinh tế với hai đợt tổng cộng 1,7 ngàn tỳ Nhân dân tệ, lượng tiền ấy chỉ giúp cho giá cổ phiếu tại Trung Quốc (TQ) đỡ giảm. Các sàn giao dịch hàng hóa phái sinh, nhất là nông sản, chưa phát huy tác dụng từ động tác này.

Các chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị hàng hóa dịch vụ toàn cầu đều chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi trận dịch do TQ là một trong vài nước tiêu thụ nguyên liệu lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, thị trường đang lan rộng thông tin rằng một số hợp đồng mua nguyên liệu lớn của TQ đã công bố hủy với lý do “bất khả kháng” (force majeure). Cuối tuần, đã có ít nhất ba hợp đồng cung ứng lớn bị rơi vào trường hợp này gồm khí hóa lỏng, kim loại đồng và đậu tương (mua từ Mỹ và Brazil). Điều này dấy lên lo ngại rằng giá trên một số sàn hàng hóa phái sinh sẽ suy sụp do giới kinh doanh bán tháo để giảm lỗ.

Đồng nội tệ Brazil (Brl) rớt xuống mức thấp lịch sử với 1 Usd ăn 4,32 Brl trong cặp tỷ giá BrlUsd. Mặt khác, chỉ số đồng Usd tăng mạnh từ 96,39 tuần trước lên 98,68 điểm khi đóng cửa ngày 07/02/20 (xem hình 1). Như vậy, yếu tố tiền tệ tạo thêm bất lợi cho giá hai sàn giao dịch cà phê và các sàn nông sản khác có sử dụng đồng Usd làm phương tiện giao dịch.

Điều này được chứng mình: Từ đầu năm đến nay, chỉ số CRB giảm 15,92 điểm tức -8,10%. Thomson Reuters/Core Commodity CRB Index gọi tắt là CRB được tính toán trên cơ sở giá phái sinh từ 19 mặt hàng theo cách cân đối hàng tháng. Trong đó có loại thương phẩm thuộc 4 nhóm gồm kim loại quý và công nghiệp, năng lượng và nông sản (như cà phê, ca cao, ngô, bông vải…). Tỷ lệ phần trăm được dùng để lượng là mặt hàng năng lượng 39%, nông sản 41%, kim loại quý 7% và kim loại sử dụng trong công nghiệp 13% (xem hình 1 – phía trái).

B.Tình hình cung cầu cà phê

Xuất khẩu

Chỉ trừ 2 nước Indonesia và Honduras có lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 01/20 tăng so với cùng kỳ 2019, hầu hết đều giảm.

Nếu cộng thêm Việt Nam, xuất khẩu cùng kỳ tháng 01/20 giảm 30,6% chỉ đạt 2,33 triệu bao do nghỉ Tết Nguyên đán (1).

Riêng Indonesia, từ tháng 10/19 đến 01/20 đạt 1.098.268 bao +45,41% và Brazil giảm arabica, robusta vẫn giữ nhịp độ bình thường.

Như vậy, trong 5 nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, 3 nước lớn nhất giảm và 2 nước vị trí thứ tư và năm tăng.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết xuất khẩu 3 tháng đầu niên vụ 2019-2020 toàn cầu đạt 29,01 triệu bao -5,8% so với năm trước, trong đó tháng 12/19 đạt 10,3 triệu bao+0,3%.

Sản lượng cà phê thừa hay thiếu?

Công ty môi giới Marex Spectron (Anh) đoán niên vụ 2020-2021 thế giới thặng dư 0,5 triệu bao. Trước đó, họ dự đoán toàn cầu sẽ thiếu 3,2 triệu bao. Hai dự báo tuy gần nhau nhưng cách biệt 3,7 triệu bao, từ thiếu nhiều sang thừa nhẹ, tạo ảnh hưởng xấu đến thị trường tuần qua.

Trong tháng 12/19, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước sản lượng cà phê thế giới 2019-2020 đạt chừng 169,3 triệu bao. Dù sản lượng có giảm so với niên vụ trước, cân đối với nhu cầu toàn cầu là 166,4 triệu bao, thế giới thừa 2,9 triệu bao.

C. Giá cả (xem hình 1)

Bối cảnh thị trường cho thấy giá cà phê tuần qua hoàn toàn ở thế bất lợi. Tính trên giá đóng cửa, sàn phái sinh robusta London giảm 64 Usd/tấn và sàn arabica New York giảm 4,5 cts/lb hay gần 100 Usd/tấn (xem hình 1 – phía phải).

Thị trường nội địa tính đến đầu tuần này (10/02/20) ở quanh mức từ 30,6-31,1 triệu đồng/tấn cho loại 2, tối đa 5% đen vỡ. Tính theo Usd, bình quân chừng 1.335 Usd/tấn (tỷ giá VndUsd 23.100). Như vậy, giá cà phê loại 2 xuất khẩu bán trên thị trường nội địa đang quanh mức +65 Usd/tấn cao hơn giá niêm yết sàn robusta khi đóng cửa. Nếu cộng thêm phí xuất khẩu, giá xuất khẩu phải được chào +100 Usd trở lên với điều kiện giá phái sinh không đổi mới bảo đảm hòa vốn.

Phân tích kỹ thuật về giá cà phê robusta cho tuần từ 10-14/02/2020: Ở thế mong manh.  

Thời gian gần đây, sàn phái sinh robusta London liên tục bỏ đỉnh. Hết mất đỉnh 1.374 Usd/tấn  (24/01) rồi lại rời 1.339 (31/01) để về đóng cửa phiên cuối tuần trước tại 1.270 sau khi chạm đáy thấp nhất tính từ 13 tuần nay tại 1.260 (hình 2).

Nhìn từ vị trí đóng cửa 1.270 với hai đỉnh gần nhất 1.339 /1.374 và đáy 1.260, có thể nhận định rằng:

-Thị trường đang thiên theo đà xuống.

-Biên độ dao động từng ngày ở đầu tuần mạnh hơn cuối tuần.

-Mức 1.339 nay trở thành kỳ vọng theo hướng tăng. Đáy 1.260 trở thành nút chắn dưới cực kỳ quan trọng.

Hình 2

Các kịch bản trong tuần:

Hướng tăng: Bằng mọi cách, London cần thoát khỏi mức 1.275 càng xa càng tốt để thu hút lực mua từ các quỹ đầu tư, nhất là phải làm thế nào để vượt khỏi mức tâm lý quan trọng 1.300. Một khi đóng cửa trên mức 1.300, xung lực mua có thể tăng dần để chạm 1.311 / 1.339. Đường xa hơn hiện nay khó thấy. Các lý do sẽ được diễn giải phía dưới.

Hướng giảm: Chỉ còn 10 Usd nữa, rủi ro London phá đáy 1.260. Nếu như trong 2 ngày đầu tuần, có lúc nào London phá mức thấp này, thì khả năng đi sâu hơn dù trong tuần có khi phục hồi lên vùng 1.280-1.290. Nhưng khả năng về 1.245 / 1.234 và thậm chí sâu hơn với mục tiêu 1.211 không thể loại trừ.

Những yếu tố cần tiên liệu:

-Cản trở cho hướng tăng: (1) Yếu tố tiền tệ gồm chỉ số Usd và đồng nội tệ Brl bất lợi. (2) Giá chênh lệch giữa 2 sàn arabica với robusta cho thấy robusta được cho là đắt hơn arabica. Điều này được thể hiện trong phiên cuối tuần, giá London giảm nhưng New York tăng.

-Thuận lợi cho hướng tăng: Các quỹ đầu tư sàn London đã tăng lượng hợp đồng dư bán trong tuần trước.Tính đến ngày 04/02, họ đã tăng 2.891 lô so với tuần trước đó để đạt 27.270 lô dư bán. Có thể họ phải mua lại.

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Khó tăng mạnh nhưng dễ tìm mức thấp mới của niên vụ tính đến thời điểm này.

Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ cuối tuần trước đạt quanh mức 31 triệu đồng/tấn, giảm chừng 1 triệu so với tuần kết thúc ngày 31/01/20.

Khả năng giảm giá trên sàn London trong tuần này khá lớn nhưng sẽ khó thấy giá cà phê nội địa giảm dưới 30 triệu đồng/tấn. Trong hoàn cảnh xấu nhất nếu giá London kéo về dưới 1.250, sức kháng cự trong nước có thể chỉ quanh 30 triệu đồng rồi đi lên.

Tuy nhiên, hướng tăng vẫn không mạnh và kỳ vọng cho mức cao tuần này quanh mức 32 triệu.

Do ảnh hưởng của dịch viêm phổi 2019-nCoV, tâm lý thị trường còn nặng nề, giao dịch có thể còn chậm chạp dù cho có tin gì tích cực từ việc khống chế dịch bệnh.

Nhìn chung, giá cà phê nội địa khó có bất ngờ troing tuần này và dao động trong biên độ từ 30-32 triệu đồng/tấn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Các đồ thị và tư liệu trong bài có tham khảo từ các trang “barchat.com”, “tradingeconomics.com”, “theice.com”, “ncif.gov.vn” và “thitruongcaphe.net”

  1. “Nhận định giá cà phê thế giới từ 03-07/02/2020: Còn những ngày giao dịch với biên độ dao động mạnh phía trước”, Nguyễn Quang Bình, tại http://www.ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=21915

 

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 42