Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 01-05/07/19: Giá quay đầu ngay ngày cuối tuần.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước (05/07/19), hai thị trường kỳ hạn có kết quả ngược chiều nếu so sánh với mốc của 7 ngày trước đó: sàn robusta London chốt tại 1.444 Usd/tấn-7 Usd nhưng arabica New York tăng +1.65 đạt 111.10 cts/lb hay +36 Usd/tấn.
Trên sàn arabica, sau khi đạt đỉnh cao nhất tính từ 7 tháng nay tại 115.65 cts/lb, cũng là thời điểm vào vùng mua quá mức (overbought) lúc RSI lên khu vực 74% so với tham chiếu 70%, New York hiệu chỉnh để thoát khỏi tình trạng trên. Hệ quả là sàn arabica đã kéo theo giá robusta về vùng thấp sau khi đạt mức cao nhất trong ngày và cả tuần ở 1.493 Usd/tấn (xem hình 1). Riêng trên sàn London, chỉ trong ngày cuối tuần, biên độ dao động khá rộng 1.493-1.438 và đóng cửa ngày hôm ấy giảm 30 Usd/tấn .
Giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên vượt khỏi 35 triệu đồng mỗi tấn nhưng cuối tuần phải quay xuống mức quanh 33,5-34,5 triệu đồng mỗi tấn.
Nhờ giá trong tuần tăng, thị trường xuất khẩu robusta bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Một số nhà nhập khẩu đã bắt đầu trả giá mua cao hơn quanh mức +70 Usd/tấn cơ sở tháng 11/19, so với trước chỉ +40/+50 Usd/tấn.
Biểu hiện cho nhu cầu mua robusta (Việt Nam là nước có sản lượng chủng loại này lớn nhất thế giới) được chứng minh trên chỉ báo giá cách biệt giữa sàn arabica với robusta (arbitrage). Mức chênh lệch giữa 2 sàn kỳ hạn khi đóng cửa cơ sở tháng 09/19 tại 45.59 cts/lb hay 1.005 Usd/tấn, cao rất nhiều so với nửa cuối năm ngoái chỉ quanh 25-35 cts/lb, tuy nhiên trong tuần đã có lúc mức này chạm 48 cts/lb (xem hình 1 – bên trái). Giá cách biệt giãn càng xa, sức mua robusta càng tốt do giá arabica mắc hơn.
Dự báo tuần từ 08-12/07/2019: Tỷ lệ hướng tăng/giảm trong tuần là 50-50.
Đứng tại vị trí đóng cửa cơ sở tháng 09/19 của sàn kỳ hạn robusta London ở 1.444 với biên độ dao động trong ngày giữa cao/thấp nhất 1.493/1.438 để xem xét, điều đáng lo nhất cho những phiên giao dịch đầu tuần là sàn robusta đã tạo ra một cú đảo hướng khá rõ ràng vào ngày 05/07. Chạm 1.493, mức cao nhất tính từ ngày 05/06/19, London từ chối đi tiếp để tìm 1.499 và 1.511. Đồ thị cho thấy vào ngày 05/06, từ đỉnh 1.499, London đã xuất hiện cú đảo hướng và kéo theo một vệt đi xuống theo kênh từ 1.511 / 1.499 đến tận đáy 1.356.
Tại thời điểm này, khu vực 1.438-1.440 là cực kỳ quan trọng vì từ thứ Sáu 28/06 đến nay đã có 3 lần giá London xuống nằm ở vùng đó. Chốt đóng cửa tại 1.444 sau khi chạm đáy 1.438 có thể là dấu hiệu cho thấy sàn robusta muốn chỉnh xuống tiếp theo đà đảo chiều. Như vậy, trong những ngày đầu tuần này, liệu London có chịu quay lên để vượt xa khỏi sức hút xuống hay không sẽ phần nào trả lời cho câu hỏi giá giảm hay tăng trong thời gian tới.
Nếu như mất 1.438-1.440 theo hướng xuống, sàn robusta sẽ phá các điểm đã từng phấn đấu đạt tại 1.427 và 1.412 tức điểm gặp bình quân động 20 và 50 ngày.
Còn giả sử muốn chỉnh tăng, sàn robusta cần phải lội dòng nước ngược và các mức kháng cự quan trọng nằm tại 1.465 / 1.474 / 1.479 và 1.499.
Các chỉ báo RSI 70%/30% của 9 và 14 ngày sàn này đang trong vùng trung tính với 51,56% và 52,13% so với tỷ lệ tham chiếu 70%, nên hai khả năng tăng/giảm ở tỷ lệ 50-50. (Xem hình 2)
Xét về lịch sử giao dịch, tuần qua giá London có kết quả giảm sau 2 tuần liên tiếp trước đó tăng. Liệu tuần này London giảm thêm một tuần nữa như đã từng lặp đi lặp lại trước đây? Con số báo cáo quyết toán vị thế kinh doanh của các quỹ đầu tư trên sàn tuần trước kết sổ giảm 1.839 hợp đồng để còn 27.413 hợp đồng dư bán. Vậy thì khả năng họ quay về bán lại cũng rất đáng nghi.
Tóm lại, đà đảo chiều theo hướng tiêu cực chưa chấm dứt. Nếu như London lặp lại theo chu kỳ 2 tuần tăng, 2 tuần giảm thì tuần này mất giá để kết thúc chu kỳ giảm. Vị thế kinh doanh của giới đầu tư đang khá thoải mái để bán tiếp nếu như tâm lý lo ngại rét đậm rét hại trên các vùng cà phê Brazil tan.
Các yếu tố tiêu cực trên sẽ tan đi khi các phiên giao dịch đầu tuần London tìm cách vượt xa khỏi vùng 1.440 như đã nói.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá có cải thiện, nhịp độ mua bán tăng dần.
Dù giá kỳ hạn robusta có kết quả cả tuần giảm, nhưng giao dịch từng ngày trong tuần trước đã nhiều lần dâng cao trên vùng 1.450-1.470 Usd/tấn. Chính nhờ thế, một khi giá kỳ hạn giảm sâu bất ngờ, giá cà phê trên thị trường nội địa vẫn đủ sức ‘’kháng cự’’.
Giá cách biệt tăng dần (xem hình 1 – bên trái) chứng tỏ sức mua nhập khẩu có điều kiện cải thiện và giúp thị trường hàng thực thêm lực thanh khoản. Vả lại, thị trường cà phê nội địa đang vào quý cuối cùng của niên vụ 2018/19 (tháng 07-09/19), lượng hàng tồn không còn nhiều. Cũng cần nói rằng do giá thấp trong một thời gian khá dài, nhiều gia đình nông dân đã giảm diện tích cà phê để trồng những cây khác có lợi tức tốt hơn như chanh dây, sầu riêng, bơ, mít…
Nên giả sử giá kỳ hạn cà phê có giảm, đó không phải vì áp lực từ hàng bán xuất khẩu mà nhờ các yếu tố kháng giá như đã nói trên.
Đấy là chuyện trong nước. Ảnh hưởng thị trường thế giới từ bên ngoài có thể làm giá cà phê nội địa yếu đi, nhất là khi các nước xuất khẩu arabica vùng Nam Mỹ bắt đầu vào mùa kinh doanh.
Báo cáo mới nhất trong tháng 06/19 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước rằng tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 đạt mức 167,75 triệu bao (1 bao =60 kg), so với tổng lượng nhu cầu tiêu thụ là 164,64 triệu bao. Dù nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới được dự đoán +2% trong năm 2019, cung vẫn còn cao hơn cầu 3,11 triệu bao. Chính vì thế, tuy giá các sàn kỳ hạn đã có cải thiện, cũng chỉ ở mức khiêm tốn. Bức tranh chung cung-cầu cà phê đã cân đối dần, nhưng số liệu thống kê xuất khẩu ở một số nước, đặc biệt nước xuất khẩu arabica tăng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp lên tâm lý thị trường và giá cả trên các sàn kỳ hạn.
Tình hình xuất khẩu cà phê của 4 nước hàng đầu thế giới tháng 06/19 như sau: Brazil đạt 168.050 tấn +29,83%, Colombia 68.100 tấn +25,28%, Brazil và Colombia là các nước có sản lượng cà phê arabica lớn nhất nhì thế giới; Việt Nam đạt 150.000 tấn trong khi Indonesia 3.923 tấn -52,54%. Indonesia là nước có sản lượng robusta lớn thứ ba thế giới sau Việt Nam và Brazil.
ICO cho biết trong 8 tháng đầu niên vụ 2018/19, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 86,57 triệu bao (1 bao =60 kg)+7.5% trong đó arabica đạt 55,91 triệu bao +10,2% và robusta 30,65 triệu bao +3%.
Từ góc độ thị trường robusta, khó có lý do để giá cà phê trong nước xuống sâu như trước (30-32 triệu đồng) mà có thể được giữ vững quanh mức 33,5-35 triệu đồng mỗi tấn.
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 306