Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 26/04-04/05/19: Giá kỳ hạn rớt mạnh
Hai sàn kỳ hạn cà phê cơ sở giao dịch tháng 07/19 có một tuần kết thúc ngày 03/05/19 cùng giảm: sàn arabica New York xuống mức thấp nhất tính từ hai tuần trở lại với mức đóng cửa tại 90.60, cận đáy cả tuần là 90.50 cts/lb (xem hình 1 – phía trái); robusta London chốt tại 1.345 Usd/tấn sau khi chạm đáy vừa trong ngày vừa của cả tuần là 1.341, đây cũng là mức thấp nhất tính từ cuối tháng 02/2016 của sàn này. Như vậy, sau một tuần giao dịch, sàn London mất 65 Usd và New York giảm 3.50 cts/lb tương đương với 77 Usd/tấn.
Trong kỳ, dù sàn kỳ hạn rớt mạnh, giá cà phê nội địa tại các vùng sản xuất trọng điểm ở Tây Nguyên vẫn ‘’cố thủ’’ ở khu vực 30,5-31,3 triệu đồng mỗi tấn, chỉ giảm đôi chút so với tuần kết thúc ngày 28/04/19.
Thông tin trên thị trường cho rằng giá cà phê toàn cầu mất giá mạnh một phần do các vùng tiêu thụ chính trên thế giới vào mùa hè, thường lượng sử dụng cà phê mùa nóng giảm, phần khác cung ứng cà phê trên thị trường vẫn tiếp tục tăng.
Báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phát hành đầu tháng 05/19 nói rằng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2018/19 bắt đầu từ 01/10/18 đạt 63,15 triệu bao (60kg x bao), tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cà phê arabica chiếm 41,08 triệu bao, tăng 7,1% và robusta 22,07 triệu bao, giảm 0,9%.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê Việt Nam 4 tháng đầu năm 2019 đạt 10,48 triệu bao, giảm 13,5% về lượng nhưng giảm 22,6% về giá trị đạt 1,1 tỷ Usd so với cùng kỳ 2018. Như vậy, có thể nói rằng lượng robusta xuất khẩu toàn cầu giảm theo ICO là do Việt Nam bán ra ít. Tin từ nguồn từ Indonesia cho rằng trong tháng 04/19 xuất khẩu cà phê nước này chỉ đạt 72.105 bao, giảm 48,84% vì đây là tháng cuối vụ của Indonesia. Nước này đang bắt đầu vào mùa thu hoạch với sản lượng niên vụ mới ước gần 12 triệu bao, trong đó có chừng 85% là robusta.
Ngược lại, số liệu sơ kết xuất khẩu cà phê tháng 04/19 của Bộ Thương Mại Brazil cho hay nước này đạt gần 2,7 triệu bao, tăng 0,735 triệu bao hay 37,73% so với cùng kỳ 2018. Vụ thu hoạch robusta của Brazil thường bắt đầu từ tháng Tư và arbica tháng Bảy hàng năm.
Dự báo tuần từ 06-10/05/2019: Cuộc ‘’săn chặn lỗ’’ chỉ mới bắt đầu?
Như vậy, giá cà phê robusta London suy sụp đợt này không chỉ bắt nguồn từ yếu tố cung-cầu (nguồn cung ứng nhiều) và lịch tiêu thụ giảm (mùa hè), tháng Năm hàng năm cũng là lúc các quỹ đầu tư tài chính thường thanh lý bán ra trên các sàn giao dịch hàng hoá thương phẩm phái sinh, mà các nút kỹ thuật quan trọng của sàn này còn liên tục bị phá vỡ.
Không vượt được vùng kháng cự mạnh 1.425, sàn London để vỡ trận tại khu vực 1.400-1.397, dù đã cố thủ thành công một thời gian dài. Trong những ngày cuối tuần, London cũng để mất các chốt 1.369-1.366, là những chốt hỗ trợ cực kỳ quan trọng. Những yếu tố làm giá giảm sâu và đã chạm đáy trong tuần 1.341 để đóng cửa 1.345, điều này nói lên rằng các quỹ đầu tư trên sàn chuyển mạnh qua vị thế bán (short position).
Thật vậy, tính đến hết ngày khoá sổ vị thế kinh doanh ngày gần nhất 30/04/19 các quỹ đầu tư trên sàn London đã đắp cao thêm khối lượng dư bán lên 39.066 hợp đồng (10 tấn x hợp đồng) so với tuần trước đó chỉ 36.521 hợp đồng. Ước con số thực tế đến hết tuần qua đã vượt khỏi 42.000 hợp đồng.
Riêng về kỹ thuật mà xét, bức tranh còn rất xấu khi các điểm hỗ trợ trọng yếu đã mất. Giá London đang đứng trước miệng 1.339 (mức thấp lập năm 2016), chỉ còn cách giá đóng cửa 6 Usd. Nếu như mức này bị phá, giá còn đường về khu vực 1.313.
Tuy nhiên, trong bức tranh tiêu cực ấy, tuỳ theo độ trễ ngắn hay dài, giá London có lúc trong tuần này sẽ phục hồi vì đã vào vùng ‘’bán quá mức’’, khi chỉ số RSI 9 và 14 ngày đang ở 22,74 và 27,32, so với ngưỡng tham chiếu 30%. Như đã nói, vấn đề ở đây là thường thị trường có một độ trễ nhất định, hiện người tham gia kinh doanh đang lo ngại một đợt ‘’săn chặn lỗ’’ các hợp đồng hàng thực đã xuất kho và mua hàng giấy với giá cao trên sàn.
Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Giá giao ngay trên thị trường xuất khẩu khó xuống sâu.
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen vỡ đầu tuần được chỉnh trong biên độ 30,3-31,2 triệu đồng mỗi tấn sau khi giá cuối tuần giảm bất ngờ, giảm thêm 0,2 triệu đồng mỗi tấn.
Tuần trước cho thấy giá kỳ hạn biến động mạnh nhưng giá nội địa hầu như không thay đổi. Chỉ lo cho những hợp đồng đã giao nhưng chưa chốt bán. Nếu giá kỳ hạn sụp xuống, giá nội địa có ảnh hưởng xấu nhưng không quá tệ, mà chỉ ảnh hưởng đến người bán giao kho với mục đích đầu cơ giá lên. Bấy giờ, giá hàng đã giao sẽ bị bắt chặn lỗ trong khu vực 28-29 triệu đồng mỗi tấn, nhưng giá ngoài thị trường giao ngay trong nước có thể vẫn quanh mức 30 triệu đồng trở lên.
Để có thêm so sánh giá thành sản xuất cà phê giữa Việt Nam và Brazil, tuần qua Brazil đã đưa ra tham khảo giá sàn ‘’hỗ trợ’’nếu thị trường kỳ hạn giảm sâu. Các mức hỗ trợ có thể là với arabica 1.522 Usd/tấn và robusta 880 Usd/tấn (Reuters). Nếu thực sự giá sàn là như thế để thực hiện chương trình tạm trữ của họ, thì xem ra giá hiện nay trên 2 sàn arabica và robusta còn quá lý tưởng với cà phê Brazil!
Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình
Hits: 347