Nhận định giá cà phê thế giới từ 02-07/09/2019: Khó khăn còn chồng chất.

Một số điểm nổi bật của thị trường cà phê trong tháng 08/19:

Hình 1

-Giá hai sàn phái sinh cà phê arabica New York và robusta London về vùng thấp nhất tính từ đầu niên vụ 2018/19.

-Xuất hiện đáy mới trên cả 2 sàn: robusta chạm 1.267/1.287, là vùng đáy thấp nhất tính từ gần 9 năm nay; trong khi đó giá arabica tạo đáy ở 93.40 cts/lb, cũng là mức thấp nhất của niên vụ 2018/19 và gần mức thấp nhất tính từ 14 năm 86.30 cts/lb (hình 1 – sàn arabica bên trái/sàn robusta bên phải).

-Lợi suất đầu tư trên sàn trong tháng: sàn arabica cơ sở tính tháng giao dịch 12/19 là -6,06% (103.10-96.85) và sàn robusta cơ sở tháng 11/19 cũng -3,47% (1.382-1.334). Nếu tính lợi suất đầu tư trong vòng 1 năm nay sàn arabica -17,22% (117-96.95) và robusta -16,47%  (1.597-1.334).

-Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) ước niên vụ 2018/19 tổng sản lượng thế giới 168,77 triệu bao, tổng tiêu thụ toàn cầu 164,84 triệu bao, thặng dư 3,93 triệu bao. Nếu như cộng với tồn kho cuối kỳ từ 30/09/18 mang sang, ước thế giới thặng dư 8 triệu bao cho niên vụ mới 2019/20 bắt đầu từ 01/10/19.

-Xuất khẩu cà phê 3 nước hàng đầu thế giới: trong 8 tháng đầu 2019 Việt Nam -10,3% đạt 19,83 triệu bao, Brazil trong 7 tháng đầu 2019 đạt 23,5 triệu bao+37,6%. Trong khi đó nguồn xuất khẩu cà phê arabica chế biến ướt từ Colombia trong 10 tháng đầu niên vụ đạt 11.549.000 bao+7,21%.

-Tồn kho cà phê khả dụng tại một số vùng tiêu thụ: đến cuối tháng 06/19 châu Âu (ECS) đạt 12,03 triệu bao (bao=60 kg) tăng 256.117 bao (+2,18%) và Nhật Bản đạt 3,03 triệu bao; tại Bắc Mỹ đến cuối tháng 07/19 đạt 7,1 triệu bao tăng 279.052 bao (+4,09%)

-Cà phê đặc sản: Báo cáo Nghiên cứu Thị trường của Adroit (Mỹ) ước tiêu thụ cà phê đặc sản thế giới năm 2018 đã lên đến 16,23 triệu bao tương đương với 10% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Tài liệu này cũng ước trong vòng 6 năm tới, lượng cà phê đặc sản được sử dụng trên toàn cầu sẽ tăng lên 24,41 triệu bao.

-Giá xuất khẩu cà phê robusta loại 2, tối đa 5% đen vỡ của Việt Nam đang được giao dịch quanh mức +150/+200 Usd/tấn cao hơn giá niêm yết cơ sở tháng 11/19 London, so với đầu niên vụ (tháng 10/18) phổ biến ở mức -60/-80 Usd/tấn. Như vậy, nếu tính giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch giữa cảng lên hàng với sàn kỳ hạn tăng từ 200-250 Usd/tấn.

Diễn biến thị trường kỳ hạn cà phê tuần từ 26-30/08/19: Tăng nhẹ.

Hình 2

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê tuần qua có kết quả chung cuộc tăng nhẹ. Vượt khỏi đáy lập vào trung tuần tháng 08/19 ở 1.287 Usd/tấn, sàn robusta London lên hoạt động khu vực trên 1.300 với biên độ dao động trong tuần là 1.307-1.368 để chốt tại 1.334 Usd/tấn ngày 30/08/19. Sàn arabica New York tách khỏi mức thấp nhất là 93.40 cts/lb để lên trên vùng 95 cts/lb, giá đóng cửa phiên cuối tuần trước đạt 96.85 cts/lb, cả tuần tăng 0.80 cts/lb hay chừng 18 Usd/tấn (hình 2-bên phải).

Tại ở các mức giá hiện nay, chỉ số giá phức hợp của ICO gồm tổng hợp cả giá xuất khẩu cà phê toàn cầu và giá hai sàn kỳ hạn cho thấy giá cà phê thế giới trong những ngày qua đang về nằm tại mức thấp nhất tính từ niên vụ 2011/12 (hình 2-bên trái).

Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn chưa có điều kiện tăng mạnh vì các lý do sau:

-Cuộc thương chiến Mỹ-TQ tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỹ giữ nguyên kế hoạch áp thuế 15% lên 300 tỷ Usd hàng nhập khẩu từ TQ từ 01/09 và tăng mức áp thuế cho 250 tỷ Usd từ 25% lên 30% từ ngày 01/10. Đấy được cho là đòn trả đũa sau khi TQ tuyên bố áp thuế 5%-10% lên 75 tỷ Usd hàng nhập khẩu Mỹ từ ngày 01/09 và 15/12. Vì vậy, đã xảy ra hiện tượng dịch chuyển vốn từ các sàn hàng hoá nông sản và năng lượng sang sàn vàng như là một biện pháp tìm chỗ trú ẩn cho vốn của giới đầu tư tài chính.

-Đồng nội tệ Reais Brazil (Brl) mất giá, giảm xuống quanh mức 1 Usd ăn 4,19-4.14 Brl, có nguy cơ về mức sâu nhất tính từ 01/09/15 tại 4,24 Brl. Brl mất giá là cơ hội cho Brazil xuất khẩu mạnh, nhất là lúc Brazil vừa thu hoạch xong cà phê niên vụ 2019/20 (xem phần xuất khẩu đã nói trên).

-VQ Anh có Thủ tướng mới Boris Johnson, người đang chủ trương VQ Anh rời EU (Brexit) mà không cần một thoả thuận nào. Thế giới đang chờ đợi quyết định ‘’ra đi’’ của VQ Anh với đầy lo ngại. Vì với một Brexit ‘’cứng’’ như thế, các nhà phân tích cho rằng sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của các nước thành viên EU, trong đó có CHLB Đức, Italia, Pháp…EU là vùng tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới (xem thêm phần trên).

-Thị trường cà phê chịu ảnh hưởng tiêu cực do các yếu tố trên mang lại. Các quỹ đầu tư tài chính trên hai sàn cà phê tăng lượng dư bán.

Dự báo tuần từ 02-07/09/2019: Rất dễ bị tổn thương.

Hình 3

Như đã nói, giá cà phê robusta vượt khỏi đáy 1.287 và lên hoạt động trên mức tâm lý quan trọng trong tuần qua để đóng cửa tại 1.334 Usd/tấn. Dù vậy, giá sàn này vẫn chưa thoát khỏi vùng thấp nhất tính từ cả năm nay.

Nếu không tính đến các yếu tố bất ổn của nền kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng một cách tiêu cực bất kỳ khi nào cho giá cà phê, mức 1.334 đang nằm ở chặng giữa của hai đầu biên độ cao thấp trong tuần là 1.368-1.307.

Trong tuần này, nếu như một lúc nào đó giá kỳ hạn London phá khỏi và nhất là đóng cửa ngoài hai đường biên cao (1.368) và thấp (1.307), đó có thể là một cách chọn hướng đi cho giá sàn này trong giai đoạn ngắn hạn.

Có nghĩa rằng nếu chọn hướng tăng, London phải qua khỏi 1.368 một cách mạnh mẽ để mới có điều kiện tìm lên khu vực 1.400/1.414. Nếu chọn hướng xuống, sàn này sẽ thử lại 1.307 và mất 1.304. Khi mất khu vực này, giá sẽ tìm về 1.287-1.267 và đi sâu hơn.

MA 5 / 14 / 20 / 50 / 100 ngày tại 1.333 / 1.330 / 1.330 / 1.396 / 1.414. Như vậy, đóng cửa tại 1.334 tạo được một chút tích cực vì nằm trên các mức bình quân động 5 / 14  và 20 ngày.

RSI 30%/70% 14/20 ngày: 45,65% / 44,49% (trung tính).

Tác động đến thị trường cà phê trong nước: Chưa thể giao dịch các hợp đồng lớn.

Giao dịch cà phê trong nước tuần qua tỏ ra khá thận trọng vì giá chào bán cao, từ 33,5-34,5 triệu đồng mỗi tấn. Nếu lấy bình quân 34 triệu đồng để quy ra Usd với tỷ giá 23.300 Vnd, giá chào bán trên thị trường nội địa ở 1.460 Usd/tấn, 126 Usd cao hơn giá đóng cửa của sàn kỳ hạn.

Ở mức này, người mua chưa chịu đặt hàng cho các hợp đồng giao xa (từ tháng 12/19 đến 03/20) do họ muốn đợi áp lực bán khi cà phê Việt Nam bắt đầu bán hàng vụ mới 2019/20.

Người bán cũng chưa thể bán giá bằng hay thấp hơn so với giá niêm yết của sàn kỳ hạn vì giá chào xuất khẩu hiện nay +150/+200 Usd/tấn FOB do lo ngại rủi ro thua lỗ.

Như vậy, có thể thấy rằng giao dịch cho các hợp đồng cà phê xuất khẩu tạm thời đang bị treo lại do giá giữa hai bên nhập và xuất khẩu chưa gặp nhau cho đến khi giá kỳ hạn tăng cực mạnh, vượt khỏi 1.500 Usd/tấn.

Nhưng mức 1.500 Usd trong giai đoạn hiện nay tỏ ra ‘’không tưởng’’. Vì chưng, khi giá chỉ cần lên khu vực 1.400, các nước xuất khẩu khác như Brazil chẳng hạn có thể bán mạnh và làm giá kỳ hạn quay đầu.

Nhìn vào tuần này, thị trường cà phê trong nước có thể chỉ bằng lòng với những hợp đồng nhỏ, hàng tay trao tay trong khu vực 33,5 – 34,5 triệu đồng mỗi tấn (bằng tuần trước). Nếu có điều kiện nào đó do sàn kỳ hạn bất ngờ tạo nên, giá cà phê trong nước có thể lên 35 triệu đồng nhưng khả năng ấy khá hạn hữu.

Trích nguồn:NCIF
Tác giả: Nguyễn Quang Bình

Hits: 458