Những gì đang diễn ra cho thấy người dân ở miền Nam và miền Trung đang vật lộn với đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Báo chí liên tục đưa tin tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình hình hạn-mặn khốc liệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm ngàn héc-ta lúa, không chỉ vụ đông-xuân mất năng suất mà vụ hè thu có khả năng không thể xuống giống do thiếu nguồn nước ngọt, thiếu mưa.
Trong khi đó, ở nhiều nơi tại Tây nguyên, cây cà phê và hồ tiêu, hai nguồn lợi nông sản xuất khẩu lớn khác của cả nước, cũng đang gặp cảnh tương tự. Nông dân ở đây đang khắc khoải tìm và chờ nguồn nước tưới hàng ngày. Có nơi phải đào giếng đến hơn trăm mét sâu mới mong có nước tưới cho nhiều vườn cây đang khát.
Nguồn nước sạch sinh hoạt nhiều nơi cũng thiếu, càng vào mùa khô nguy cơ càng thiếu trầm trọng. Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, đã có đến hơn nửa triệu người thiếu nước sinh hoạt. Thời gian trước đây, một nhà máy cấp nước tại một tỉnh ở Tây nguyên phải cấp nước theo chế độ luân phiên một ngày có hai hay ba ngày cúp để phục vụ nhu cầu tối thiểu người dân.
Một số chuyên gia cho biết mùa khô còn kéo dài đến tháng 6, nên ảnh hưởng của đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử này sẽ còn tiếp tục. Để đối phó với khó khăn trước mắt do hạn-mặn gây nên, Thủ tướng chính phủ đã phải yêu cầu các ngành liên quan hỗ trợ ngân sách, tài chính để chống hạn, cứu đói, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các vùng chịu ảnh hưởng
Suy cho cùng, ngân sách bỏ ra có khác gì nhiều quốc gia dùng tiền mua, nhập khẩu nước như Singapore và nhiều vùng ở Trung Đông, Ấn độ…Là đất nước được thiên nhiên ưu đãi về nguồn nước, nhiều người có thói quen xem nguồn nước là “vô tận”. Nay nguy cơ phải bỏ tiền ra mua nước để sử dụng, giống như mua một loại hàng hóa, nguyên liệu là một hậu quả nhãn tiền.
Ngay tại TPHCM, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) mới đây cho biết dù nguồn nước càng lúc càng thu hẹp, tỷ lệ thất thoát nguồn nước sạch trên 30%. Tuy nhiên, đó chỉ mới tính trong hệ thống cung cấp. Tình trạng sử dụng lãng phí các nguồn nước kể cả nguồn nước sạch trong người dân vẫn chưa được tính đến.
Đã đến lúc phải động ý thức tiết kiệm nguồn nước. Đối với nông dân, nguồn nước cần được sử dụng tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm. Cư dân thành phố cũng cần ý thức hơn trong việc sử dụng nước hàng ngày, chẳng hạn cân nhắc số lần và số lượng nước cần thiết mỗi khi rửa xe, tưới cây…
Đất nước khó khăn, “tiêu tiền như nước” đã được cho là vô cảm, thì điều đó cũng tương tự khi sử dụng lãng phí nguồn nước, thứ mà giờ đây phải bỏ tiền ra mua.
Nguyễn Quang Bình, bài viết cho SGTT ngày 14-03-2016
Hits: 96