Kinh tế chia sẻ – nền kinh tế tương lai?

 

 

Giữa cuộc sống đua tranh giành giật, đặc biệt khi nền kinh tế của cả thế giới cứ chạy lòng vòng từ khủng hoảng này đến suy thoái khác chưa tìm ra lối thoát, đột nhiên một quan hệ kinh tế mới lộ dạng, nền ”kinh tế chia sẻ”.

Chia sẻ và chia chẻ

Thất nghiệp, cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp…Nhưng rồi…tôi có xe, anh cần đi với mức phí vừa túi tiền…chúng ta cùng chia sẻ; nhà anh có phòng trống không sử dụng, để chi cho phí, tôi muốn chia phòng với mức trả vừa sức chịu đựng…

Một bộ phận rất lớn dân cư trên thế giới đang tạo nên mối quan hệ kinh tế mới mà nhiều người đặt tên rất dễ thương là nền “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế cộng tác” hay “kinh tế dự phần” mới xuất hiện từ vài ba năm nay. Họ hy vọng với nền tảng quan hệ ấy, sự tử tế với nhau của con người lại có dịp lên ngôi.

Với tâm lý người mình, chia sẻ là chuyện không mảy may áy náy. Chắc khái niệm “share phòng” (share [tiếng Anh]=chia sẻ) xuất phát từ khó khăn tìm nhà thuê hay vì lương thấp không đủ tiền tháng trả hết cả căn nhà của anh chị em người Việt mình khi xa xứ? Hay “hạt gạo cắn làm đôi”, một ước muốn và hành động có thực trong quan hệ người Việt với nhau có từ đời nảo đời nao! Ngay quanh mâm cỗ cúng Tết, gia đình bạn bè có bao nhiêu người tham gia, là bấy nhiêu đôi đũa cùng gắp chung…

Hình như với người Âu Mỹ, trong quan hệ kinh tế truyền thống trước đây, ai có phần nấy, cái gì cho là cho, cúng là để cúng. Mọi thứ được chia chẻ phân minh rạch ròi. Nói vậy, nhưng đừng nghĩ họ hẹp hòi, của để làm từ thiện là dứt khoát cho chuyện thiện nguyện, của làm tiện nghi trong nhà trước sau phải là như thế. Lên bàn ăn, mỗi người một chén, một đĩa, một khẩu phần…

“Cùng tắc biến, biến tắc thông”

Tình thế đẩy đưa, con người đang tìm cách gần nhau hơn. Miếng đất cho sự tử tế sống lại, đấy chính là nền kinh tế chia sẻ đã và đang hình thành trong quan hệ mới giữa người và người.

Chắc chẳng phải mất công chứng minh, kinh tế thế giới tắc đường suốt nhiều năm nay. Các nền kinh tế được phong là “đầu kéo” như Hoa Kỳ và các khối các nước châu Âu sử dụng đồng tiền Euro (Eurozone) rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tưởng Trung quốc và các nước mới nổi trong nhóm BRICs níu được cú trượt chân tăng trưởng kinh tế thế giới, nay lại đang như cỗ xe ‘cà rịch cà tang”…Hệ thống tài chính rối loạn, chính phủ nhiều nước ra tay cứu chữa bằng các gói cứu trợ, nhưng chưa ai dám chắc đã hết nguy cơ khủng hoảng.

Nhiều người nói thẳng rằng tình trạng kinh tế khốn đốn hiện nay của thế giới chính là do đám tài phiệt keo kiệt sống trong tháp ngà “lợi ích nhóm” của mình, tiền chảy vào túi các trùm tài chính trong khi dân chúng thì thất nghiệp, thu nhập giảm sút, đói nghèo…Phải chăng đó là lý do để cho phong trào “Chiếm Phố Wall” ra đời tại Hoa Kỳ cách nay mới hơn ba năm để phản đối những bất công do nền kinh tế quá lụy vào tài chính hiện nay? Phố Wall (Wall Street) là trung tâm kinh tế-tài chính của nền kinh tế Mỹ, là biểu tượng của sự thịnh vượng của cả nền kinh tế tư bản truyền thống.

Còn nhớ năm 2008 khi khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ, chỉ trong vòng 6 tháng, đã có đến hơn 4 triệu người Mỹ thất nghiệp. Thống kê mới đây cho biết 1% người giàu ở Hoa Kỳ chiếm đến 21% thu nhập và 35% tài sản của nước này. Bất công!

Dân chúng, đặc biệt là giới trẻ, càng lúc càng nghèo. Trong một thế giới điên đảo khuynh loát bởi sức mạnh đồng tiền, lập lại công bằng xã hội là chuyện không tưởng vì đâu phải mọi thứ đều do một vị tổng thống nước nào đó quyết mà được!

Một thời, giá cả lương thực thực phẩm và năng lượng chất đốt được giới đầu cơ tài chính bơm tiền đặt cược làm giá tăng mạnh. Đã vậy, nhiều người bị đuổi và mất việc, dân cư phải vay nợ để sống qua ngày, chính phủ nhiều nước lớn còn nợ hơn chúa chỗm. Nhiều công ăn việc làm vì lợi nhuận và mục đích giảm chi phí mà các ông chủ đem thuê người ngoài làm (outsourcing) vì công lao động ở đó rẻ hơn… Lại gặp phải lúc công nghệ thông tin, máy tính thịnh hành, máy thay người, việc làm càng hiếm. Từ cái “khó ló ra cái khôn”.

Ai cũng được dự phần

Không tiền, lấy gì mà khởi nghiệp! Nói vui như người mình thời nay mà đúng: chuyện đầu tiên là tiền đâu? Túi rỗng, để xe không, phòng trống, vật dụng chưa cần xài…để quá phí vì không sinh lợi. Thế là thiên hạ rủ nhau lên mạng internet, thông báo cho nhau cái mình cần chia sẻ. Đặc biệt, khi internet trở thành “nguồn mở”, giao tiếp và chi phí tiếp thị hầu như bằng “0” (zero), càng tạo thêm cơ hội cho con người ta có điều kiện trải lòng chia sẻ tài sản và dịch vụ, từ đó tự kiếm cho chính mình công ăn việc làm (self-employment). Internet hiện nay với “nguồn mở” đã trở thành “kho trời chung mà vô tận của mình riêng”, đúng thế thật.

“Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người chưa mất vốn tử tế. Jeremy Rifkin, nhà tương lai học người Mỹ cho rằng từ nay đến giữa thế kỷ 21 này, nhân loại có thể đi đến một cuộc cách mạng xã hội, đặt lại các mối quan hệ giữa người với người, sống hỗ trợ lẫn nhau, biết chia sẻ với nhau nhờ “kho trời chung” ấy.

“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”

Không có khủng hoảng kinh tế thế giới, không có internet, sẽ không có kinh tế chia sẻ. Quả vậy, theo Liên Minh Viễn Thông Quốc tế (ITU), tính đến hết năm Giáp Ngọ 2014, thế giới đã có đến 3 tỉ người sử dụng internet, tương đương với 40% dân số toàn cầu, trong đó có 78% cư dân internet nằm tại các nước phát triển và tỉ lệ còn lại sống tại các nước đang phát triển. Internet đã trở thành một phương tiện hay nói đúng hơn một chỗ thường trú của hai trong mỗi ba người dân châu Mỹ, 75% người châu Âu và một phần ba dân cư vùng châu Á-Thái Bình dương.

Cũng đến cuối năm ngoái, đã có 32% dân số toàn cầu sống trên mạng thông qua các thiết bị di động cầm tay. Qua đầu năm Ất Mùi 2015 này, ước trên toàn thế giới 50% gia đình nối mạng internet. Ông Hamadoun I Touré, Tổng Thư ký  ITU mới đây khẳng định mạnh mẽ rằng công nghệ thông tin liên lạc tiếp tục là động lực phát triển cho xã hội mới, xã hội thông tin tin học.

Như trường hợp của Uber, mới đây đã từng gây hoang mang cho nhiều hãng taxi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Tại London (Anh quốc), taxi màu đen truyền thống chạy đầy đường. Ít tiền chớ dại leo lên. Chỉ cần một cuốc ngắn, bạn có thể trả từ 15-20 bảng Anh. Nghiệp đoàn taxi nước Anh vừa qua cho Uber là mối đe dọa trực tiếp miếng cơm manh áo của mình. Bảo rằng Uber là một hãng taxi là hoàn toàn không đúng với chính nó và với khái niệm “kinh tế chia sẻ” từ đó nó thoát thai. Ông chủ Uber không hề là ông chủ hãng taxi. Ông chủ trong hệ thống kết nối và chia sẻ của Uber chính là từng người lái xe, được hưởng hầu hết các thu nhập trừ chi phí cho sử dụng công nghệ Uber khai thác dựa trên trình duyệt nối mạng internet. Khi dùng xe trong hệ thống Uber, người lái xe và khách đi xe cùng nhất trí chia sẻ thông qua công nghệ thông tin kết nối một cách tối ưu, nhờ vậy chủ xe được quyền hưởng thu nhập tốt nhất và khách đi xe chịu tốn kém ít nhất.

Có người hỏi vậy thì Google, Amazon, Wal Mart…hay những công ty bán hàng trên mạng cũng giống như Uber! Không, mọi lợi nhuận của Google, Amazon, Wal Mart  hay chủ hãng taxi tư nhân nào đó không được chia với ai mà vào tay chủ và nhân viên của các công ty ấy.

Vùng đất của chia sẻ

Tuy được nhiều nơi ủng hộ, chính phủ một số nước phát triển vẫn có những phản ứng không mấy tích cực với đứa con “đĩnh ngộ” vừa mới chào đời, như Jeremy Rifkin đặt tên cho nền kinh tế chia sẻ này. Mất nguồn thu, khó quản về nhân lực, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động, nền kinh tế dễ sa vào manh mún, sản xuất nhỏ…Đó là những cái lo khi so với nền kinh tế cũ. Nhưng liệu các nỗi lo ấy có lớn bằng khủng hoảng kinh tế triền miên, thất nghiệp thâm căn cố đế, bần cùng hóa đạo đức con người?

Với người Việt ta, từ lâu, hành động chia sẻ được xem là một trách nhiệm, một đức tính không thể thiếu trong làng xóm trong họ tộc. Là một nước nông nghiệp, sản xuất nhỏ, từng khốn khó với thiên tai và chiến tranh triền miên, từ lâu, hình như nước ta đã có kinh nghiệm về một nền kinh tế chia sẻ đùm bọc, tiết kiệm…nhưng hết sức tự phát nếu không muốn nói chưa có biện pháp kiểm soát về mặt quản lý kinh tế-xã hội.

Như vậy, lợi thế tâm lý cho quan niệm chia sẻ mới đã nằm sẵn trong từng người. Để áp dụng hình thái kinh tế mới này có lẽ không đâu hợp thời và thuận lợi như ở nước ta. Thực tiễn của một nước dựa trên nền nông nghiệp lạc hậu chính là miếng đất màu mỡ cho kinh tế chia sẻ phát triển.

Vấn đề còn lại là làm sao trong một thời gian ngắn nhất, phổ cập được công nghệ thông tin, dùng mạng kết nối để quản lý kinh tế-xã hội đến từng chi tiết như hệ thống kế toán quốc gia, quản lý doanh thu và thu nhập…Thiết nghĩ nền kinh tế chia sẻ có miếng đất màu mỡ để phát triển không đâu bằng nước ta.

Nguyễn Quang Bình, TPHCM 12-1-2014

(viết cho SGTT và đã được đăng)

Hits: 117